Tự vệ giữa lừa đảo bủa vây

28/05/2024 04:23 GMT+7

Các cuộc gọi, tin nhắn, kết nối qua mạng xã hội… đem đến vô số tiện ích cho người dùng. Nhưng song hành, đó cũng là nơi mà ai ai cũng đều có thể trở thành nạn nhân của những chiêu trò lừa đảo với đủ mọi cách thức và bằng tất cả sự gian manh thiên biến vạn hóa.

Cụ thể hơn, như Thanh Niên dẫn lời đại diện Trung tâm giám sát an toàn không gian mạng quốc gia phản ánh: "Các hình thức lừa đảo hiện nay đã thâm nhập hết sức sâu rộng đến hầu hết các nhu cầu của cuộc sống, từ cho vay tài chính đến tuyển dụng, bảo hiểm xã hội. Điều này chứng tỏ các đối tượng lừa đảo rất chuyên nghiệp và đông đảo. Chúng đánh vào tâm lý ở từng thời điểm của người dân". Đây cũng là thực trạng đang diễn ra tại nhiều quốc gia, chứ không chỉ riêng VN.

Nhưng nói thế không đồng nghĩa với việc khi trở thành mục tiêu lừa đảo thì chắc chắn sập bẫy! Đã có rất nhiều người kịp thời nhận diện những thủ đoạn lừa đảo và thậm chí còn "truy kích" ngược lại đối tượng lừa đảo. Bởi thủ đoạn có thiên biến vạn hóa thế nào thì vẫn luôn có những đặc trưng nhất định để nhận biết. Những đặc điểm đó đã được báo chí, dư luận và cơ quan chức năng nhiều lần cảnh báo. Tất nhiên, cơ quan chức năng cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền hơn nữa để người dân phòng tránh, nhưng tự bản thân mỗi người cũng cần biết cách bảo vệ mình bằng cách nhận biết các thủ thuật.

Điển hình, dù là cho vay tài chính, bảo hiểm xã hội, tuyển dụng việc nhẹ lương cao, đầu tư… thì "mọi con đường đều dẫn về La Mã" là "tiền". Đó là yêu cầu nạn nhân nộp tiền phục vụ điều tra, chuyển tiền đầu tư, chuyển tiền đóng phí nhận thưởng, chuyển tiền mua hàng, chuyển tiền để đóng viện phí hay các khoản đảm bảo này kia…

Nếu không chuyển tiền trực tiếp thì cũng là đưa ra những chiêu trò để nạn nhân có thể bị lấy thông tin, dữ liệu cá nhân bằng cách yêu cầu nộp hình chụp hồ sơ cá nhân qua mạng xã hội, nhấp vào các đường link…

Trong khi đó, với kỷ nguyên thông tin ngày nay, để liên hệ trực tiếp các cơ quan chức năng không hề khó, bởi gần như mọi thông tin đều được công khai. Từ email đến đường dây nóng của các cơ quan chức năng, doanh nghiệp, tổ chức… gần như đều được công khai và dễ dàng truy cứu. Chính vì thế, trước những thông tin đáng ngờ như trên thì nạn nhân lừa đảo cần nhớ phải chủ động liên lạc dựa trên xác minh của bản thân, chứ không phải thông tin do đối tượng khác cung cấp. Mỗi người cũng cần trang bị những kiến thức cơ bản về mặt thủ tục hành chính như không có chuyện cơ quan nhà nước lần đầu liên hệ làm việc mà lại gọi điện thoại hay gửi các quyết định liên quan pháp lý bằng hình chụp…

Thêm vào đó, bản thân từng người khi thấy những dấu hiệu trên cần chủ động báo cơ quan chức năng, chia sẻ với người thân, bạn bè đáng tin cậy nhằm tránh bị thao túng bởi những đối tượng lừa đảo. Có như thế, mỗi người sẽ có thể hạn chế tối đa rủi ro trở thành nạn nhân của những trò lừa đảo. 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.