Có người cho rằng cô giáo thật quá quắt khi đã có hành động phản giáo dục, xúc phạm thân thể và lòng tự trọng của học sinh. Luồng ý kiến khác lại bênh vực, cho rằng nghề dạy học có nhiều nỗi khổ khó nói thành lời khi giáo viên phải đứng giữa học trò và những nội quy cũng như sự khắt khe của ban giám hiệu nhà trường.
Thật ra đây không phải lần đầu sự việc như vậy xảy ra, bởi năm 2021 cũng có chuyện tương tự khi một cô giáo ở Nam Định cắt tóc nam học sinh làm trái quy định nhà trường. Và còn rất nhiều lần khác, ở những ngôi trường khác mà trước đây khi mạng xã hội chưa phát triển thì chúng ta không được biết đến.
Các em học sinh trung học hoặc phổ thông đang ở lứa tuổi dậy thì, sẽ bắt đầu biết cách sửa soạn, làm đẹp, chăm chút cho bản thân. Việc nữ sinh nhuộm tóc hay nam sinh để tóc dài bờm xờm như idol Hàn Quốc, chẳng qua cũng chỉ là một trong những sở thích nhất thời của các em mà thôi. Nội quy nhà trường nghiêm cấm, bởi đó là việc chưa phù hợp ở lứa tuổi học trò. Sau này các em lớn lên, các em để kiểu tóc như thế nào, màu sắc ra sao đều được. Còn ở trong trường lớp thì cần tuân thủ nghiêm túc tóc tai đường hoàng để tập trung cho việc học. Đấy là lẽ dĩ nhiên bình thường.
Nhưng không thể vin vào điều ấy mà các giáo viên cho bản thân cái quyền được phép tự cầm kéo cắt phăng mái tóc của học trò. Nếu các em lỡ học theo hành động của cô giáo, và cũng cầm kéo cắt tóc của bạn bè, thì liệu có trở thành bạo lực học đường hay chăng.
Sự việc xảy ra dưới sự chứng kiến của bạn bè và được quay đăng lên mạng xã hội như thế, có thể gây tổn thương rất lớn cho em nữ sinh. Tuổi học trò nổi loạn đôi chút, nhưng tâm hồn các em vẫn còn mong manh yếu đuối, dễ bị sang chấn tâm lý, dễ vì sự xấu hổ mà bỏ học hoặc nghĩ quẩn, có những hành động bồng bột. Biết đâu, cô giáo không chỉ là cắt đi mái tóc nhuộm mà còn cắt cả những non nớt tuổi mới lớn.
Ngay cả những việc làm khác như đọc tên em nào chưa đóng tiền học phí trên loa thông báo, bắt các em đứng trước toàn trường kiểm điểm trong giờ chào cờ, hay bắt các em quỳ ở cuối lớp,… đều là những hình phạt có tính chất hạ nhục danh dự học sinh. Cách phạt lỗi học trò như thế nào hiệu quả để các em rút kinh nghiệm tránh tái phạm, mà vẫn nhân văn và không trái quy định, luôn là điều mà mỗi giáo viên phải đau đáu suy nghĩ.
Người Việt vẫn thường có câu: "Cô giáo như mẹ hiền". Làm giáo viên rất khó, phải sống đúng chuẩn mực và giáo dục đúng cách để học sinh noi theo. Nếu vẫn giữ thói quen áp dụng bạo lực như thời trước, thì sự xa cách giữa thầy và trò sẽ ngày càng lớn hơn. Bây giờ, nhiều giáo viên đã gần gũi với học sinh hơn, cùng chia sẻ những tâm sự tuổi teen với các em, thấu hiểu và định hướng các em cách sống đúng đắn, hợp với lứa tuổi. Cô thầy nào càng "xì-tin", càng kết nối trò chuyện được với học trò, thì sẽ dễ bảo ban và được các em yêu quý rất nhiều.
Đồng thời, sự phối hợp giữa nhà trường và phụ huynh cũng cần nhịp nhàng hơn. Thời đại hội nhập rồi, cha mẹ không nên đẩy hết trách nhiệm cho giáo viên. Bởi lẽ, các em chỉ học chữ nghĩa trên lớp, còn lối sống từ gia đình mới chính là nền tảng quan trọng quyết định cách hành xử của mỗi con người.
Chỉ mong rằng, cái ôm nhau xin lỗi của cô chủ nhiệm và em học sinh ấy, sẽ là một sự gắn kết, một kinh nghiệm quý giá dành cho các cô trò khác. Nói đến cùng, cho dù là bất kỳ mối quan hệ nào trong cuộc sống cũng cần thấu hiểu và bao dung cho nhau. Đặc biệt là trong môi trường giáo dục, hãy để nhà trường vẫn là một trang sách màu hồng thơ mộng, giúp nâng gót các em bước vào cuộc đời.
Bình luận (0)