Từ virus corona, học sinh nghỉ xuân, học hè, tại sao không?

07/02/2020 15:44 GMT+7

Cho học sinh nghỉ phải lùi thời gian kết thúc năm học, để học sinh đi học thì sợ virus corona , chúng ta thử cho học sinh nghỉ xuân, học hè được không?

Thời gian vừa qua, giáo dục cả nước bị ảnh hưởng bởi virus corona, nhiều tranh cãi xung quanh việc cho học sinh nghỉ học hay không nghỉ.

Thạc sĩ giáo dục Phạm Phúc Thịnh bày tỏ quan điểm: “Mà nghĩ cũng lạ, không hiểu sao, học sinh cứ phải học rần rần một mạch 9 tháng, rồi sau đó lại chơi 3 tháng nhỉ? (cái tỷ lệ 9- 3 này là trên lý thuyết, chứ thực tế có khác ít nhiều). Trong 9 tháng học đó, phụ huynh cũng quan tâm đến chuyện nghỉ tết, nghỉ lễ thế nào?... Rồi như bây giờ, trước sự xuất hiện của virus corona, chuyện nghỉ học 1 hay 2 tuần hay 1 tháng lại gây ra tranh cãi. Vậy tại sao lại không thay đổi cách tổ chức năm học nhỉ”.

Từ đó, thạc sĩ Thịnh đưa ra ý kiến: “Thay vì học từ tháng 9 năm này sang tháng 5 của năm sau, có thể tổ chức học từ tháng 1 đến tháng 12 trong cùng năm cho nó tiện. Thay vì chia năm học thành 2 học kỳ như hiện nay, có thể chia năm học thành 3 học kỳ, mỗi học kỳ 4 tháng (120 ngày) gồm thực học 3 tháng (90 ngày) và ngày nghỉ các loại 1 tháng (30 ngày).
Như vậy mỗi năm còn dư từ 5- 6 ngày, các ngày đó sẽ được coi là ngày tổ chức thi tín chỉ học kỳ”.

Vị chuyên gia giáo dục trên lấy ví dụ, chẳng hạn, học kỳ 1 của năm học 2020 bắt đầu ngày 1.1.2020 và kết thúc vào 30.4.2020. Như vậy có tất cả 121 ngày, 90 ngày học thực sự, 30 ngày có thể phân bổ rải rác vào các ngày nghỉ (chẳng hạn như nghỉ tết tây, nghỉ tết ta, nghỉ vì corona… và 1 ngày dự trữ). Miễn sao đến ngày 29.4.2020 là có thể hoàn thành kế hoạch đến tuần 12 của chương trình. Phòng giáo dục hay sở không cần can thiệp ra thông báo chuyện nghỉ hay học.

Tiếp theo, học kỳ 2, bắt đầu từ ngày 2.5.2020 đến 31.8.2020 có 122 ngày, cũng thực học 90 ngày, 30 ngày nghỉ và 2 ngày dự trữ. Và học kỳ 3 bắt đầu từ 1.9.2020 đến 31.12.2020, có 122 ngày cũng 90 ngày thực học, 30 ngày nghỉ và 2 ngày dự trữ.

Như vậy chuyện học ngày nào, nghỉ ngày nào sẽ do nhà trường tự quyết định, tất nhiên trừ các ngày lễ quy định của cả nước, không nhất thiết các trường phải có ngày nghỉ như nhau
Rõ ràng với cách học này sẽ tránh được kiểu no dồn đói góp, lại có ưu điểm là nếu có học sinh nào đó trong 90 ngày đi học chưa kịp hiểu một kiến thức nào đó, có thể tận dụng 30 ngày nghỉ để bổ sung ngay, tránh tình trạng bị hụt hơi khi phải học dồn 9 tháng liền rồi hè mới kịp bổ sung. Tất nhiên, với thời gian như vậy thì chuyện thi cử sẽ phải tổ chức cho phù hợp.

Và trước quan điểm cho rằng nên chăng “nghỉ xuân, học hè” thì có bạn đọc có ý kiến vẫn nên giữ cách tổ chức năm học như hiện nay vì cho rằng: “Trường hợp hy hữu do virus corona mới phải nghỉ như hiện nay. Kỳ nghỉ hè là ký ức đẹp của các thế hệ học trò, đừng nên phá bỏ, với lại nhiều vùng thời gian hè nắng gay gắt, nhiệt độ cao, học trò nghỉ đỡ tội”.

Nhưng cũng có ý kiến tranh luận của bạn đọc Dương Thị Thanh Hòa, làm việc tại công ty Hand Animation Studio (Q.Phú Nhuận, TP.HCM) cho rằng: “Thật ra nghỉ hè, nghỉ đông… cũng chỉ là một thói quen thôi... Biết đâu đi học dưới những ngày hè có khi cũng là kỷ niệm thú vị”.

Còn bạn thì thế nào, từ những ảnh hưởng virus corona, có nên thay đổi thời gian học theo cách “nghỉ xuân học hè hay không?”.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.