Ngày 8.9, Bệnh viện (BV) Bệnh nhiệt đới T.Ư, Hà Nội cho biết một bệnh nhân nữ, 60 tuổi, ở Phú Xuyên (Hà Nội) bị nhiễm trùng huyết nặng trên nền bệnh đái tháo đường (tiểu đường) không còn cơ hội cứu chữa nên gia đình xin về chỉ sau thời gian ngắn nhập viện. Đáng lưu ý, nguyên nhân ban đầu gây nhiễm trùng huyết chỉ là từ một cái nhọt.
Trước đó, ngày 4.9, bệnh nhân nhập viện trong tình trạng bị sốc nhiễm trùng. 6 ngày trước nhập viện, bệnh nhân này có nổi nhọt ở mông và tự ý chích nhọt. Sau đó, nhọt sưng tấy khiến bệnh nhân không đi lại được và sốt cao.
Sau 3 ngày sốt, bệnh nhân rơi vào hôn mê nên được gia đình đưa vào cấp cứu tại BV Việt Đức. Tại đây kết quả chụp CT scanner phát hiện nhiều ổ tổn thương di căn bệnh ở gan, lách, não và được chuyển điều trị tại BV Bệnh nhiệt đới T.Ư.
Theo các bác sĩ, tại BV Bệnh nhiệt đới T.Ư cũng đã tiếp nhận nhiều trường hợp nhiễm trùng máu do tự ý chích nhọt, nặn mụn non. Thậm chí đã có trường hợp tử vong do áp xe, nhiễm trùng máu do không được điều trị kịp thời.
Các mụn, nhọt thường do tụ cầu khuẩn gây ra. Khi xuất hiện mụn, nhọt, cơ thể sẽ tạo hàng rào khu trú ổ nhiễm khuẩn tạo thành các ngòi mủ. Việc chích nặn non là nguy cơ phá vỡ hàng rào này tạo thành cửa cho vi khuẩn xâm nhập vào máu gây nhiễm trùng máu; tạo nên các ổ di bệnh ở nhiều cơ quan khác.
Các bác sĩ khuyến cáo, không được nặn mụn, nhọt ở những vị trí nguy hiểm (như vùng mặt). Khi bị mụn, nhọt sưng tấy kéo dài cần đi khám, để được chỉ định thuốc kháng sinh phù hợp. Việc chích rạch cần được thực hiện đúng thời điểm theo chỉ định của bác sĩ và phải được giữ sạch, chống bội nhiễm, tránh nguy hiểm tính mạng.
Các bác sĩ cũng lưu ý, với những bệnh nhân đái tháo đường bị biến chứng rất dễ bị nhiễm trùng, chỉ cần một vết thương nhỏ như đứt tay... cũng sẽ dẫn đến nhiễm trùng máu gây nguy hiểm tính mạng.
Bình luận (0)