Mua bán gắn liền với trả giá
Anh Trần Thanh Sơn, hướng dẫn viên du lịch tiếng Anh chuyên tuyến Hội An - Đà Nẵng - Huế cho biết, Đà Nẵng có hai khu chợ đông người nước ngoài lui tới nhất là chợ Cồn và chợ Hàn. Tại hai nơi này, tiểu thương đều buộc phải niêm yết giá cho từng món hàng. Bên cạnh thực hiện đúng quy định, việc niêm yết giá còn được ban quản lý chợ khuyến khích tiểu thương thực hiện để du khách không phải kỳ kèo mất thời gian, mang lại môi trường văn minh hơn cho du lịch địa phương.
Xem nhanh 12h ngày 22.8: Chợ Bến Thành xử lý vụ ‘3 đôi vớ giá trên trời'
"Tuy nhiên, không phải vì thế mà du khách không trả giá. Ở chợ Hàn, giá thường trả xuống thấp khoảng 30% còn chợ Cồn thường có khi lên đến 50%. Không riêng du khách quốc tế, khách trong nước và người địa phương cũng phải trả giá này khi mua. Chợ Đông Ba ở Huế cũng vậy, du khách vẫn phải trả giá để tránh bị 'hớ'. Tại Hội An, các cửa hàng bán hàng lưu niệm có niêm yết giá nhưng du khách vẫn phải trả giá. Không ít lần, sau khi trả giá với nhau bằng tiếng Anh và chốt số tiền, tôi còn nghe người bán nói rằng 'này là giá Việt Nam'. Nghĩa là, không chỉ trả giá, cửa hàng còn bán hai giá, cho khách Việt và khách nước ngoài. Đây là cách bán hàng không đẹp, vì thấy khách nước ngoài sẽ ra giá cao", anh Sơn nói.
"Mỗi lần đưa du khách vào các chợ ở các tuyến điểm miền Trung, tôi luôn tìm cách nói khéo để du khách hiểu và thông cảm về việc trả giá, rằng, người Việt có thói quen đi chợ phải trả giá, nhất là ở các chợ truyền thống. Giá cả ở các nơi này nhiều khi phụ thuộc vào tình cảm giữa người bán và người mua hay thuận mua vừa bán. Giá đã được niêm yết nhưng có khi lại tùy vào lượng hàng bán ra mà người bán có thể giảm ít hay nhiều cho người mua. Nếu bán nhiều, họ lời nhiều và có thể chia sẻ lại cho người mua 'có cảm tình' bằng giá giảm giá nhiều hơn. Vì thế, tôi bảo du khách cứ mạnh dạn trả giá, coi đó là cuộc giao tiếp với người địa phương và trải nghiệm cách mua bán đặc trưng này", anh Sơn lý giải.
Anh Trần Phong, hướng dẫn viên nhiều năm kinh nghiệm ở TP.HCM, đồng quan điểm và cho hay, luôn căn dặn du khách vào chợ Bến Thành mua sắm phải trả giá 50%. "Cánh hướng dẫn viên chúng tôi thường nói với du khách điều này khi ở trên xe, còn vào chợ, khách tự do đi lại. Không ít trường hợp khách mua 'hớ' giá quá cao và chỉ phát hiện khi đối chiếu với du khách khác trong đoàn. Nhiều người không hài lòng nhưng coi đó là trải nghiệm", anh kể.
Ảnh hưởng xấu tới điểm đến
Theo anh Trần Thanh Sơn, trả giá sẽ trở nên thú vị nếu chênh lệch nhau 5 - 10% và người bán coi việc giảm giá là hiếu khách và du khách qua đó cảm nhận truyền thống có từ lâu của người Việt. Tuy nhiên, việc đưa giá chênh lệch lên quá cao để khách trả xuống thấp đã khiến điểm đến "mang tiếng".
"Nhiều năm qua, du khách nước ngoài đến Việt Nam đều tìm hiểu về nói thách nên mua gì họ cũng muốn trả giá và không tin vào giá niêm yết. Gần đây, khách Ấn Độ qua Việt Nam đông, khi mua sắm họ đều trả giá rất thấp, chỉ bằng 50% giá niêm yết hoặc giá người bán đưa ra. Do đó, cứ thấy khách Ấn Độ, người bán lại nâng giá lên gấp đôi để người mua trả giá xuống 50% là hợp lý", anh Sơn nói.
Ông Nguyễn Đức Chí, chuyên gia du lịch, cho biết nhiều năm trước, ngành du lịch TP.HCM từng làm việc với Ban Quản lý chợ Bến Thành và các tiểu thương về việc bán đúng giá niêm yết để du khách không trả giá. Tuy nhiên, nhiều tiểu thương cho rằng, tập quán mua bán trả giá đã "ăn sâu" vào chợ Bến Thành rồi nên không thể thay đổi được. "Vì thế, vấn đề mà chúng tôi mong muốn vẫn là tiểu thương đừng đẩy giá lên quá cao, như trường hợp 3 đôi vớ 700.000 đồng và giá bán cuối cùng chỉ 60.000 đồng gây sốc vừa qua", ông Chí nói.
Theo ông Chí, trong thực tế, khách Tây đến chợ Bến Thành chủ yếu dạo chơi, ngắm nghía chứ không nhiều người mua. Điều này cũng xảy ra ở chợ Bình Tây, An Đông... hay các chợ khác ở trong nước như chợ Sa Pa, chợ Đồng Xuân... "Xuất khẩu tại chỗ đóng vai trò rất quan trọng đối với ngành du lịch. Du khách mua sắm hàng hóa bản địa mang lại thu nhập cho người dân địa phương, đóng góp vào doanh thu chung của nền kinh tế và thúc đẩy nền sản xuất của đất nước. Tuy nhiên, nếu chúng ta cứ giữ thói quen hét giá lên cao để khách trả giá xuống còn một nửa sẽ khiến du khách không hoặc giảm mua sắm. Điều đó ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng của ngành du lịch", ông Chí phát biểu.
Kết quả vụ 700.000 đồng 3 đôi vớ chợ Bến Thành
Ngày 21.8, Ban Quản lý chợ Bến Thành ban hành quyết định xử phạt chủ sạp kinh doanh liên quan đến vụ nói thách 3 đôi vớ 700.000 đồng, cao gấp 10 lần giá bán, gây xôn xao dư luận.
Cụ thể, hình thức xử phạt là đình chỉ kinh doanh 7 ngày, có hiệu lực từ 25 - 31.8.2023. Hành vi vi phạm do hộ kinh doanh không niêm yết giá đầy đủ, rõ ràng; có hành vi thách giá và nài ép khách.
Trao đổi với Thanh Niên, ông Ngô Văn Hà, Trưởng ban Quản lý chợ Bến Thành, cho biết: "Sự vụ vừa qua khiến cộng đồng tiểu thương trong chợ bức xúc vì ảnh hưởng đến những người buôn bán chân chính khác. Sau sự vụ trên, Ban Quản lý chợ Bến Thành cũng đã kêu gọi tiểu thương ký cam kết bán hàng đúng giá niêm yết, không chèo kéo, ép giá khách... Nếu vi phạm sẽ bị xử phạt theo quy định".
Bình luận (0)