Từ vụ cháy chung cư mini 56 người chết, cần làm gì để thoát hiểm khẩn cấp?

15/09/2023 08:00 GMT+7

Theo ý kiến chuyên gia phòng cháy, chữa cháy (PCCC), khi sống trong chung cư mini, mỗi hộ gia đình phải chăm lo đến điều kiện an toàn của mình như trang bị thang dây, đặt mục tiêu phòng cháy lên trên phòng trộm...

Hơn 2 ngày kể từ sau vụ cháy chung cư mini tại ngõ 29/70 Khương Hạ (P.Khương Đình, Q.Thanh Xuân, Hà Nội) khiến 56 người tử vong, 37 người bị thương, nhiều người dân trên cả nước vẫn rất bàng hoàng.

Từ vụ cháy chung cư mini 56 người chết, cần làm gì để thoát hiểm khẩn cấp? - Ảnh 1.

Hiện trường xảy ra vụ cháy

CTV

Tại hiện trường xảy ra vụ cháy, hàng trăm người dân thủ đô đã đến đặt hoa, thắp hương tưởng niệm các nạn nhân xấu số.

Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Trần Sỹ Thanh đã có yêu cầu tạm dừng tổ chức các hoạt động, sự kiện văn hóa, thể thao, vui chơi giải trí do thành phố, các đơn vị thuộc thành phố, quận, huyện, thị xã, xã, phường, thị trấn tổ chức. Thời gian tạm dừng các hoạt động này từ ngày 14 - 17.9. 

Trước sự việc trên, nhiều người quan tâm đến việc làm thế nào để thoát ra an toàn trong trường hợp khẩn cấp như cháy, nổ ở chung cư mini?

Thiết bị PCCC khan hàng sau vụ cháy chung cư mini: 'Giống như mua bảo hiểm y tế cho gia đình'

Xảy ra cháy mới lộ ra sai phạm

Trao đổi với Thanh Niên, đại tá, PGS - TS Ngô Văn Xiêm, nguyên Phó hiệu trưởng Trường đại học PCCC, đánh giá vụ cháy tại phố Khương Hạ vừa qua là vụ cháy đặc biệt nghiêm trọng khi số người tử vong rất lớn.

Theo thông tin báo chí đăng tải, ngôi nhà xảy ra vụ cháy chỉ được xây 6 tầng. Tuy nhiên trên thực tế, công trình hiện đang có 9 tầng, như vậy là sai quy định. Khoảng 150 người dân sinh sống là rất đông, số lượng xe máy để ở tầng 1 quá nhiều, thậm chí sai quy định PCCC, không có lối thoát hiểm khiến nhiều người thương vong.

Từ vụ cháy chung cư mini 56 người chết, cần làm gì để thoát hiểm khẩn cấp? - Ảnh 2.

Ngôi nhà xảy ra vụ cháy xây sai phạm 3 tầng

CTV

Ông Xiêm chia sẻ, luật PCCC quy định rất rõ các nhà ở phải có 2 lối thoát hiểm. Lối thoát hiểm thứ nhất là cửa chính, lối thứ 2 có chiều rộng tối thiểu 60 cm, to hơn chiều rộng vai người. Lối thoát hiểm này được đặt ở vị trí nào phải dựa trên cơ sở cấu trúc, kết cấu của tòa nhà. Việc này phải có chuyên gia PCCC đến hướng dẫn.

"Cần đặt dấu hỏi về trách nhiệm của các cơ quan quản lý về xây dựng, cấp phép PCCC Q.Thanh Xuân khi để công trình sai phép tồn tại rất lâu. Thực tế hiện nay tồn tại khá nhiều chung cư mini dạng như thế này, nếu không xảy ra hỏa hoạn thì không ai biết, đến lúc xảy ra rồi lại lộ ra hàng loạt sai phạm", ông Xiêm nhấn mạnh.

Đặt mục tiêu phòng cháy lên trên phòng trộm

Đại tá Xiêm đưa ra lời khuyên, khi ở chung cư mini, mỗi hộ gia đình phải chăm lo đến điều kiện an toàn của mình như trang bị thang dây, đặt mục tiêu phòng cháy lên trên phòng trộm. Đặc biệt, phải học những kỹ năng thoát hiểm khi gặp cháy nổ, "phải tự cứu mình trước khi được trời cứu".

"Hiện nay, nơi nào cũng tuyên truyền về điều kiện an toàn, nguy hiểm PCCC rồi nhưng nhiều người vẫn không nghe. Trong đám cháy, khói là khí độc rất nguy hiểm, chỉ 2 - 3 phút mất cảm giác sẽ gây tử vong. Khi xảy ra cháy, người dân phải biết ứng xử thông minh, an toàn cho mình và gia đình. Bình thường thang dây để 1 góc trong nhà không chiếm nhiều diện tích. Khi xảy ra cháy, mọi người biết móc thang dây vào cầu thang hay vị trí nào cố định rồi thay nhau trèo xuống an toàn", đại tá Xiêm nói.

Từ vụ cháy chung cư mini 56 người chết, cần làm gì để thoát hiểm khẩn cấp? - Ảnh 3.

Khu vực sân thượng nhà hàng xóm giúp nhiều người thoát nạn

QUỲNH AN

Nguyên Phó hiệu trưởng Trường đại học PCCC chia sẻ thêm, lúc nguy cấp không được quá hoảng sợ, thực hiện quy định hướng dẫn thoát nạn an toàn của cảnh sát PCCC, nhất là cán bộ quản lý cơ sở. Các hộ gia đình nên lắp đặt hệ thống báo cháy sớm, cần phải kết hợp tạo thành tổ liên gia an toàn PCCC ở các nhà. Các hộ cần thống nhất với nhau thiết lập hành lang an toàn để nhà này thoát sang nhà kia trong điều kiện cháy.

Ngoài ra, khi sử dụng các phương tiện như xe máy điện, xe đạp điện, tuyệt đối không được sạc qua đêm. Trường hợp bắt buộc phải sạc qua đêm thì phải để ở vị trí độc lập, cách với các chất cháy khác bởi khi xảy ra sự cố, bình chữa cháy thông thường không thể dập tắt được ngọn lửa từ ắc quy của xe điện.

Trước đó, tối 12.9, chung cư mini nằm sâu trong ngõ 29/70 Khương Hạ xảy ra hỏa hoạn khiến 56 người chết, 37 người bị thương. Đáng chú ý, dù được cấp giấy phép xây dựng 6 tầng nhưng sau đó, chung cư mini này đã được ông Nghiêm Quang Minh (44 tuổi, trú P.Yên Hòa, Q.Cầu Giấy, Hà Nội) đầu tư, xây dựng thành 9 tầng.

Sau khi vụ án xảy ra, Công an TP.Hà Nội đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam đối với ông Minh về tội "vi phạm quy định về PCCC". Tính đến 12 giờ ngày 14.9, Sở LĐ-TB-XH Hà Nội đã hỗ trợ 47 trường hợp tử vong, trong đó có 16 trẻ em; hỗ trợ 37 người bị thương, trong đó có 9 trẻ em. Tổng kinh phí hỗ trợ là 825 triệu đồng, trong đó nguồn ngân sách thành phố là 665 triệu đồng, nguồn vận động trẻ em là 170 triệu đồng.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.