Từ vụ học sinh ngộ độc nghi ăn giò lụa bán dạo: Mua thức ăn nơi uy tín

28/05/2023 10:54 GMT+7

Từ vụ ngộ độc botulinum nghi ăn giò lụa bán dạo, mắm để lâu ngày khiến nhiều bệnh nhân nguy kịch chờ thuốc giải viện trợ hay 11 học sinh nhập viện sau bữa ăn liên hoan tại Kon Tum, cần cẩn trọng ra sao trong ăn uống?

Tốn gần 10 triệu đồng vì ngộ độc thực phẩm

Đã từng rơi vào tình trạng ngộ độc thực phẩm trong một lần thử đồ ăn vặt lề đường, Phan Thượng Khải, sinh viên Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM cho biết nhớ như in lần đó, khi chi phí tốn gần 10 triệu đồng cho thuốc men và viện phí.

Từ vụ ngộ độc botulinum: Ăn gì, uống gì để không bị ngộ độc? - Ảnh 1.

Nguy hại ngộ độc thực phẩm từ món ăn vặt lề đường

THƯỢNG HẢI

"Hôm đó, mình có ăn xiên bẩn cùng với bạn bè, ngay trong buổi tối mình bị co thắt dạ dày, chướng bụng, cứ ăn vào là ói ra và gây sốt. Mặc dù đã mua thuốc uống nhưng vẫn không thuyên giảm, vì vậy, mẹ mình đã phải mua vé từ quê bay vào Sài Gòn để đưa mình đi bệnh viện Chợ Rẫy nhập viện", Khải kể lại lần bị ngộ độc.

Chàng trai này cho biết sau lần đó đã kiêng cử tất cả các loại món ăn lề đường và luôn ưu tiên ăn ở trong quán ăn sạch sẽ, mặc dù hơi tốn tiền nhưng lại yên tâm về chất lượng thực phẩm. "Hiện tại, mình duy trì uống nghệ mật ong mỗi buổi sáng, ngày ăn đủ ba bữa, ăn đúng giờ và tuyệt đối không bỏ bữa sáng, không ăn đồ dầu mỡ, có cồn hay có ga. Và mình từ chối mọi lời rủ rê ăn vặt lề đường từ bạn bè", Khải chia sẻ.

Cũng từng rơi vào tình trạng nhớ đời này vào năm ngoái, Võ Ngọc Linh (22 tuổi), ngụ tại Tô Vĩnh Diện, P.Đông Hoà, TP.Dĩ An (tỉnh Bình Dương) chia sẻ vì phải ở ký túc xá không được nấu nướng, nếu có chỉ là hâm nóng lại đồ ăn qua bữa, ngoài ra sẽ thường đi ăn ngoài.

Từ vụ ngộ độc botulinum: Ăn gì, uống gì để không bị ngộ độc? - Ảnh 2.

Các món ăn vặt lề đường thường rất dễ có nhiều tác nhân gây độc

THƯỢNG HẢI

Từ vụ ngộ độc botulinum: Ăn gì, uống gì để không bị ngộ độc? - Ảnh 3.

Nhiều người trẻ vì không thể nấu nướng nên chọn đi ăn ngoài và cũng tiềm tàng nỗi lo an toàn vệ sinh thực phẩm

THƯỢNG HẢI

"Vì hôm đó còn dư đồ ăn tối nên mình hâm lại để ăn sáng rồi đi học, buổi sáng mình vẫn bình thường nhưng đến chiều là ôm bụng, sau đó bị buồn nôn, mặt mày thì xay xẩm không đứng nổi, cả người đều run rẩy mà lúc đó không mang theo điện thoại nên không gọi bạn giúp được. Mình mệt kinh khủng tưởng như sẽ xỉu trong nhà vệ sinh cũng không ai biết", Ngọc Linh nhớ lại.

"Tối đó, mình uống men tiêu hoá và 2-3 ngày sau chỉ dám ăn cháo trắng cho êm bụng. Kể từ đó, mình rút kinh nghiệm không ăn đồ ăn nấu sẵn để qua đêm nữa, chỉ ăn đồ ăn trong ngày. Đồ ăn từ trưa để tới tối trước khi ăn cũng kiểm tra kỹ", Ngọc Linh bày tỏ.

Khi được hỏi về các vụ ngộ độc gần đây, cô nàng cũng bày tỏ sự lo ngại: "Thời tiết dạo gần đây thay đổi thất thường dễ làm thực phẩm mau hỏng, mình rất sợ vụ việc ngộ độc botulinum vừa rồi nên rất cẩn thận trong việc ăn uống".

Khi có các dấu hiệu ngộ độc thực phẩm cần bù đủ dịch sớm

Chia sẻ về ngộ độc botulium, bác sĩ chuyên khoa 1 Đinh Trần Ngọc Mai, Khoa Dinh dưỡng - Tiết chế Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM cho biết độc tố botulinum do vi khuẩn Clostridium botulinum tiết ra gây ngộ độc thịt. Nguyên nhân thường do quá trình chế biến không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm nên rất dễ nhiễm phải vi khuẩn gây độc. Đặc biệt là các loại thịt hộp, rau củ quả, hải sản đóng hộp hay bịt kín trong bao túi, chai, gói…

Từ vụ ngộ độc botulinum: Ăn gì, uống gì để không bị ngộ độc? - Ảnh 4.

Cần nấu nướng sạch sẽ và không ăn lại thực phẩm lâu ngày

THƯỢNG HẢI

"Hầu hết các trường hợp, chất độc có thể lan rộng, ngăn chặn các dẫn truyền của dây thần kinh và chức năng của các cơ. Triệu chứng nhẹ gồm tiêu chảy, buồn nôn, nôn, chóng mặt nhưng trong một số trường hợp nghiêm trọng, chất độc có thể chặn các dây thần kinh điều khiển hệ hô hấp hoặc tim, dẫn đến tử vong. Chứng ngộ độc thịt có thể khó chẩn đoán, vì có triệu chứng tương tự hội chứng Guillain - Barré, bệnh nhược cơ và đột quỵ", bác sĩ Ngọc Mai bày tỏ.

Theo bác sĩ Mai, không nên tự đóng gói kín các thực phẩm và để kéo dài trong điều kiện thường. Khi chế biến, nên ưu tiên ăn các thực phẩm mới nấu chín do độc tố botulinum không bền với nhiệt, bất hoạt ở 80 độ C và phân hủy ở nhiệt độ 100 độ C trong 15 phút.

Theo bác sĩ chuyên khoa I Nguyễn Thị Diễm Hà, Khoa Cấp cứu Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM cho biết các tác nhân gây ngộ độc thực phẩm ngoài do vi khuẩn, còn có nhiễm virus hay ký sinh trùng hay do thực phẩm bị nhiễm độc (chất hoá học, chất độc tự nhiên có sẵn trong thực phẩm hoặc do thực phẩm bị hư hỏng, biến chất sinh ra).

Theo bác sĩ Hà, một số biểu hiện của tình trạng ngộ độc thực phẩm như sau: nôn nhiều lần hay nôn liên tục, đau bụng, tiêu chảy, tiêu ra máu, sốt. Và khi bị mất nước sẽ mệt mỏi, khô miệng, co rút cơ, chóng mặt, lú lẫn, nước tiểu vàng sậm, tiểu ít hoặc không đi tiểu trong nhiều giờ. Ở giai đoạn nặng, các dấu hiệu càng báo động như: tiêu phân lỏng trên 6 lần ngày, đi tiêu ra máu, ói ra máu, sốt trên 38.5 độ không giảm sau 24 giờ, đau bụng dữ dội…

Từ vụ ngộ độc botulinum: Ăn gì, uống gì để không bị ngộ độc? - Ảnh 5.

Cần lựa chọn hàng quán đủ tiêu chuẩn về chất lượng để ăn uống

THƯỢNG HẢI

"Ngay khi có các dấu hiệu của ngộ độc thực phẩm, người bệnh nên bù đủ dịch sớm (nhất là ở người già và trẻ em) bằng uống dung dịch có chất điện giải, ăn thức ăn lỏng, nhẹ và ít chất béo. Khi các dấu hiệu mất nước hay dấu hiệu tăng lên đến mức báo động, phải nhanh chóng đến các cơ sở y tế để được cấp cứu và điều trị kịp thời", bác sĩ Hà khuyến cáo.

Để phòng tránh ngộ độc thực phẩm, bác sĩ Hà lưu ý nên lựa chọn thực phẩm tươi sống và đã được kiểm định an toàn vệ sinh. "Đối với thức ăn chế biến sẵn, nên chọn mua những nơi có uy tín, hợp vệ sinh và còn thời hạn sử dụng. Bên cạnh đó, cần bảo quản thực phẩm trong điều kiện nhiệt độ thích hợp để ngăn ngừa vi khuẩn phát triển và các loại thịt, cá, hải sản cần phải được bảo quản ở ngăn đá tủ lạnh", bác sĩ Hà nói.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.