Từ vụ ngộ độc methanol, TP.HCM tập trung thanh, kiểm tra rượu, đồ uống có cồn

09/08/2022 18:35 GMT+7

Trước thực trạng nhiều người ngộ độc methanol, 2 người tử vong trong mấy ngày gần đây, Ban Quản lý an toàn thực phẩm TP.HCM triển khai tập trung kiểm tra sản xuất, kinh doanh rượu, đồ uống có cồn đến hết năm 2022.

Ngày 9.8, PGS-TS Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng Ban Quản lý an toàn thực phẩm TP.HCM đã ký ban hành kế hoạch triển khai công tác kiểm tra an toàn thực phẩm đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu, đồ uống có cồn trên địa bàn. Việc triển khai này xuất phát từ thực trạng nhiều ca nhập viện do ngộ độc methanol (cồn công nghiệp) và 2 ca tử vong chỉ trong mấy ngày qua trên địa bàn.

Theo đó, từ ngày 15.8 đến hết năm 2022, Ban Quản lý an toàn thực phẩm và các quận, huyện TP.Thủ Đức tiến hành thanh kiểm tra việc chấp hành pháp luật về ATTP.

Bệnh nhân ngộ độc methanol đang điều trị tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định

BVCC

Cụ thể, Ban Quản lý An toàn thực phẩm tập trung thanh tra, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với các doanh nghiệp sản xuất, chế biến, kinh doanh, nhập khẩu rượu, bia, đồ uống có cồn; doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ ăn uống có bán rượu, bia, đồ uống có cồn tiêu dùng tại chỗ.

UBND quận, huyện, TP Thủ Đức phối hợp với các đơn vị có liên quan triển khai công tác kiểm tra đối với các cơ sở sản xuất rượu thủ công, cơ sở kinh doanh rượu, bia, đồ uống có cồn quy mô nhỏ, lẻ, hộ kinh doanh cá thể; cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống quy mô nhỏ, lẻ, hộ kinh doanh cá thể có bán rượu, bia, đồ uống có cồn tiêu dùng tại chỗ...

Bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng ban Quản lý an toàn thực phẩm TP.HCM nói về nguyên nhân gây ngộ độc methanol

Các đơn vị tập trung kiểm tra về nguồn gốc, xuất xứ các sản phẩm rượu, bia, đồ uống có cồn, nguyên liệu để sản xuất, chế biến rượu, bia, đồ uống có cồn... Thực hiện truy xuất nguồn gốc đối với rượu, bia, đồ uống có cồn không đảm bảo an toàn.

Trong quá trình thanh kiểm tra, các đoàn thực hiện lấy mẫu rượu, bia, đồ uống có cồn gửi mẫu kiểm nghiệm thực phẩm tại các cơ sở kiểm nghiệm được chỉ định. Thực hiện truy xuất nguồn gốc đối với những cá nhân, tổ chức sản xuất, kinh doanh rượu, bia, đồ uống có cồn không đảm bảo an toàn thực phẩm và xử lý nghiêm khi có vi phạm.

Cùng ngày, Ban Quản lý an toàn thực phẩm TP.HCM cũng đã có công văn gửi UBND quận, huyện và TP.Thủ Đức về việc tăng cường công tác kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu và tuyên truyền phòng chống tác hại của việc sử dụng rượu. Xử lý nghiêm đối với các trường hợp sản xuất và kinh doanh rượu không đảm bảo an toàn thực phẩm. Nhanh chóng triển khai các biện pháp điều tra, xử lý, khắc phục sự cố về an toàn thực phẩm (nếu có xảy ra).

Như Thanh Niên đã đưa tin, trước đó vào ngày 3.8, một nhóm người mà đa số là sinh viên nhậu rượu pha nước ngọt tại nhà hàng MrBao (số 10A, đường Tăng Nhơn Phú, Khu phố 4, P.Phước Long B, TP.Thủ Đức, TP.HCM), trong đó 6 người là nhân viên nhà hàng này. Đến ngày 5.8, 1 người tử vong tại phòng trọ, 1 người tử vong tại bệnh viện. Hiện còn 6 người bị ngộ độc methanol, 2 người đang điều trị tại Bệnh viện đa khoa khu vực Thủ Đức, 4 người điều trị tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định (trong đó có 1 người vẫn đang rất nặng). Trong một diễn biến khác, trong 2 ngày 6 và 7.8, Bệnh viện Nhân dân Gia Định tiếp nhận 5 người nhóm bạn uống rượu pha cồn rửa tay chứa methanol. Hiện 5 người này đang được điều trị tích cực.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.