Từ vụ người Việt chết ở Thái Lan, khi nào Nhà nước bảo hộ công dân?

21/07/2024 04:22 GMT+7

Bảo hộ công dân Việt Nam ở nước ngoài là trách nhiệm của Nhà nước nên công dân sẽ không tốn chi phí, nhưng nếu cần cấp lại hộ chiếu hoặc thuê luật sư bảo vệ thì có thể phát sinh chi phí.

Trong vụ việc 6 người thiệt mạng ở Bangkok (Thái Lan) mới đây, cảnh sát nước này cho biết có 4 người quốc tịch Việt Nam và 2 người gốc Việt. Sau đó, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ Ngoại giao phối hợp chặt chẽ với phía Thái Lan trong quá trình điều tra, làm rõ vụ việc, thực hiện các biện pháp bảo hộ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của công dân Việt Nam.

Nhiều bạn đọc quan tâm đến việc bảo hộ công dân Việt Nam ở nước ngoài là gì, được thực hiện như thế nào?

Luật sư Trần Thị Mỹ Hiệp, Công ty luật LTT & Lawyers (TP.HCM) cho biết, bảo hộ công dân là hoạt động của Nhà nước nhằm bảo vệ quyền lợi và lợi ích chính đáng của công dân Việt Nam khi họ đang ở nước ngoài.

Theo quy định của luật Quốc tịch Việt Nam 2008, bảo hộ đối với công dân ở nước ngoài được hiểu là hoạt động của các cơ quan nhà nước ở trong nước, cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài (đại sứ quán, lãnh sự quán, tổng lãnh sự quán) bảo hộ quyền, lợi ích chính đáng của công dân nước mình ở nước ngoài.

Từ vụ người Việt chết ở Thái Lan, khi nào Nhà nước bảo hộ công dân?- Ảnh 1.

Khách sạn ở Bangkok (Thái Lan) nơi các nạn nhân người Việt tử vong được phát hiện

REUTEURS

Khi các quyền và lợi ích chính đáng của công dân bị xâm phạm, cơ quan đại diện có trách nhiệm thi hành mọi biện pháp cần thiết, phù hợp với pháp luật của nước sở tại, pháp luật và tập quán quốc tế để đảm bảo các quyền và lợi ích chính đáng đó cho công dân Việt Nam.

Về thủ tục bảo hộ công dân, luật sư Mỹ Hiệp lưu ý công dân Việt Nam ở nước ngoài, bao gồm thân nhân ở Việt Nam để được bảo hộ, thì đầu tiên phải có giấy tờ chứng minh họ có quốc tịch Việt Nam với một trong các giấy tờ sau: căn cước công dân, hộ chiếu Việt Nam, giấy khai sinh.

Để được bảo hộ quyền lợi chính đáng của mình, công dân nên liên hệ với cơ quan đại diện của Việt Nam tại nước sở tại, bao gồm đại sứ quán, lãnh sự quán hoặc tổng lãnh sự quán. Các thông tin liên lạc như số điện thoại, địa chỉ các cơ quan này có sẵn trên trang web của Bộ Ngoại giao.

Khi liên hệ với cơ quan này, người dân cần cung cấp thông tin họ tên, ngày tháng năm sinh, quốc tịch, số hộ chiếu hoặc số căn cước công dân, địa chỉ và thông tin liên lạc tại nước sở tại, thông tin về tình trạng hiện tại và lý do cần bảo hộ.

Đồng thời, người dân cần gửi kèm đơn yêu cầu bảo hộ, đơn có thể gửi đơn trực tiếp tại cơ quan đại diện, qua email hoặc đường bưu điện, trong trường hợp khẩn cấp thì có thể liên hệ trực tiếp qua điện thoại cung cấp tình trạng cần được bảo hộ. Đối với thân nhân ở Việt Nam thì có thể liên hệ với Bộ Ngoại giao hoặc Cục Lãnh sự.

Cũng theo luật sư Mỹ Hiệp, việc bảo hộ công dân Việt Nam ở nước ngoài là trách nhiệm của nhà nước nên công dân sẽ không tốn chi phí bảo hộ quyền lợi của mình. Tuy nhiên, trong trường hợp công dân cần cấp lại hộ chiếu hoặc thuê luật sư bảo vệ thì có thể phát sinh thêm chi phí và họ phải chi trả.

Lời khuyên cho công dân Việt Nam ở nước ngoài

Luật sư Trần Thị Mỹ Hiệp, Công ty luật LTT & Lawyers, cho biết hiện số lượng người Việt Nam làm việc, học tập hay đi du lịch ở nước ngoài ngày càng tăng cao. Để bảo vệ bản thân, người dân nên tìm hiểu pháp luật, phong tục tập quán và tình hình an ninh của quốc gia dự định đến, đồng thời tuân thủ pháp luật của nước sở tại.

Bên cạnh đó, người dân cần đảm bảo có các giấy tờ tùy thân cần thiết như hộ chiếu, căn cước công dân và bảo hiểm du lịch; ghi lại thông tin liên lạc của đại sứ quán, lãnh sự quán, tổng lãnh sự quán Việt Nam tại nước sở tại để liên hệ trong trường hợp khẩn cấp.

Công dân cũng cần chú ý không tiết lộ thông tin cá nhân có người lạ và nếu gặp vấn đề hoặc cần sự hỗ trợ khẩn cấp, nên tìm sự hỗ trợ từ cảnh sát hoặc các cơ quan chức năng địa phương để được giải quyết kịp thời.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.