Từ vụ 'rút máy thở người nhà nhường cho sản phụ': Luật quy định như thế nào?

08/08/2021 19:35 GMT+7

Luật Việt Nam chưa thừa nhận quyền được chết, nên việc cá nhân nào đó tự ý rút máy thở khi bệnh nhân chưa chết là hành vi vi phạm pháp luật.

Lúc 16 giờ 40 phút chiều nay 8.8, Sở Y tế TP.HCM thông tin về vụ “bác sĩ rút máy thở của mẹ nhường cho sản phụ” - vụ việc lan truyền trên mạng xã hội từ tối qua 7.8.

Sở Y tế TP.HCM khẳng định chuyện “bác sĩ Khoa nhường máy thở” là hư cấu

Sở Y tế nói gì?

Theo Sở Y tế TP.HCM, từ đêm 7.8 đến rạng sáng ngày 8.8, trên mạng xã hội, nhiều facebook đã đồng loạt đưa thông tin về bác sĩ tên Khoa đang chăm sóc bố và mẹ mắc Covid-19 nặng cùng một sản phụ đang chuẩn bị sinh đôi.
Thông tin này nêu, ba mẹ của chủ tài khoản được nêu là "bác sĩ Khoa" cũng làm trong ngành y tế đã về hưu nhưng tham gia vào tâm dịch và không may mắc Covid-19, trở nặng, được đưa vào nơi 'bác sĩ Khoa" công tác để điều trị.
Thông tin trên mạng xã hội còn cho rằng, khi bố mất và mẹ nguy kịch có thể không qua khỏi, "bác sĩ Khoa" đã quyết định rút ống thở của mẹ để nhường lại sự sống sản phụ và thực hiện cuộc mổ bắt con thành công. Thông tin được chia sẻ rất nhanh với nhiều bình luận tỏ xót thương.

Bài viết được cho là của "bác sĩ Khoa" đăng trên mạng xã hội

Ngoài ra, trên các faccebook ngập tràn hình ảnh bác sĩ thực hiện ca mổ thành công, hai con trai của sản phụ khỏe mạnh.
“Đồng nghiệp nói bác sĩ Khoa đừng rút ống thở, còn nước còn tát nhưng Khoa dứt khoát rút ống thở để cứu người sản phụ và hai con”- thông tin trên mạng xã hội nêu và còn cho rằng bác sĩ tên Khoa công tác ở khoa Sản, Bệnh viện Chợ Rẫy...
“Qua xem xét nội dung lan truyền, ghi nhận nhiều điểm không hợp lý và Sở Y tế cũng đã tiến hành xác minh thông tin trong ngành y tế, kết quả ghi nhận: Không có vụ việc một bác sĩ đang điều trị bệnh nhân Covid-19 nặng tự ý rút ống thở cho sản phụ sắp sinh xảy ra trong bất kỳ cơ sở y tế nào trên địa bàn TP.HCM", Sở Y tế TP.HCM nêu.
Theo Sở Y tế TP.HCM, tại khoa Cấp cứu, hồi sức của các bệnh viện, việc chỉ định sử dụng máy thở cho bệnh nhân nặng, theo dõi, đánh giá, báo cáo… đều theo quy chế chuyên môn và rất nghiêm ngặt.
Theo các quy định hiện hành thì nhân viên y tế hoặc người thân không được phép tự ý rút ống thở bệnh nhân khi đang được điều trị cho dù bất kỳ lý do nào, kể cả việc quyết định rút ống thở cho bệnh nhân đang điều trị thở máy trong trường hợp cai máy thở phải được đảm bảo thực hiện theo quy trình, theo y lệnh của người có trách nhiệm, trong một số trường hợp phải thông qua hội đồng chuyên môn để quyết định.

Xử phạt hai chủ tài khoản Facebook sau vụ việc "bác sĩ Khoa rút máy thở của mẹ"

Còn về hình ảnh bác sĩ mổ bắt con được cho là của 'bác sĩ Khoa' trên mạng xã hội, theo Sở Y tế là hoàn toàn bịa đặt, thực chất đây là hình ảnh mổ bắt con trước đây tại một bệnh viện trên địa bàn TP.
Hiện Sở Y tế đang phối hợp các cơ quan chức năng để điều tra, xác minh, xử lý vụ “bác sĩ rút ống thở của mẹ nhường cho sản phụ” theo quy định pháp luật đối với các hành vi vi phạm pháp luật của cá nhân, tập thể có liên quan, đặc biệt các thông tin sai sự thật, đưa thông tin vì động cơ, mục đích cá nhân, tiêu cực làm ảnh hưởng uy tín của cá nhân, tập thể, nhân viên ngành y tế trong hoạt động chống dịch Covid-19.

Bác sĩ tự rút máy thở khi bệnh nhân chưa chết là “giết người”

Ở góc độ pháp luật, luật sư Bùi Quốc Tuấn (Đoàn luật sư TP.HCM) nhìn nhận một cá nhân nào đó tự ý tước đi mạng sống của người khác là vi phạm pháp luật hình sự.
Cụ thể, luật sư Tuấn phân tích tội “giết người” tại Điều 123 bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi bổ sung năm 2017) định nghĩa giết người là hành vi cố ý tước đoạt tính mạng của người khác một cách trái pháp luật.
Trong đó, trường hợp hành động thường được biểu hiện như: đâm, chém, bắn, đấm đá, đốt cháy, đầu độc, bóp cổ, treo cổ, trói ném xuống vực, xuống sông, chôn sống…
Và trường hợp không hành động ít gặp nhưng vẫn có thể xảy ra, ví dụ: y bác sĩ cố tình không cho người bệnh uống thuốc theo chỉ định, để người bệnh chết.
“Hành vi tước đoạt tính mạng của người khác phải là hành vi trái pháp luật, tức là luật cấm mà cứ làm, luật bắt làm mà không làm. Hành vi trái pháp luật phải là nguyên nhân gây ra hậu quả chết người, tức là có mối quan hệ nhân quả giữa hành vi và hậu quả”, luật sư Tuấn nhấn mạnh.

Ngày 8.8: Cả nước 9.690 ca Covid-19, 4.860 ca khỏi; riêng TP.HCM 3.898 bệnh nhân

Theo luật sư Tuấn, tại kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa 13, dự thảo sửa đổi luật Dân số do Bộ Y tế chủ trì soạn thảo thì vấn đề cái chết nhân đạo cũng được các chuyên gia đưa ra. Các tranh cãi về vấn đề này vẫn chưa kết thúc giữa ý kiến ủng hộ và phản đối.
Hơn nữa, Hiến pháp Việt Nam hiện tại (Hiến pháp 2013) chưa thừa nhận quyền được chết. Lý do là Nhà nước nhận thấy quyền được chết chưa phù hợp với sự phát triển xã hội, với điều kiện cơ sở vật chất.
“Vì vậy, việc tự rút máy thở khi bệnh nhân chưa chết, dẫn đến hậu quả bệnh nhân chết là vi phạm quy định pháp luật hình sự”, luật sư Bùi Quốc Tuấn nêu.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.