Đông – Tây kết hợp
Ra mắt vào ngày 18.9, Vũ trò cò bay là album của “cô bé dân ca” Phương Mỹ Chi sau 10 năm làm nghề, với định hướng mới trong phong cách âm nhạc. Gồm 10 bài hát được chuyển thể từ các văn bản văn học từng xuất hiện trong sách giáo khoa ngữ văn, album mang màu folktronica (dân gian điện tử) mới mẻ.
Trong đó có những bài hát được xây dựng trung thành với văn bản gốc, như Gối gấm nói về thân phận bất định của người phụ nữ trong xã hội phong kiến qua các bài thơ của Hồ Xuân Hương, hay Những ngôi sao xa xôi nói về những cô gái tham gia cách mạng nhiệt huyết nhưng cũng tinh nghịch tuổi trẻ…
Ngoài ra nữ ca sĩ cũng khéo léo “phái sinh”, kết nối nhiều câu chuyện cũng như nhân vật trong các bài hát. Có thể kể đến Lọ Lem và Tấm Cám trong Vũ trụ có anh, hay hình tượng hóa người phụ nữ và chiếc thuyền mắc cạn trên bãi cát lớn (sa) thay cho nguyên gốc Chiếc thuyền ngoài xa của Nguyễn Minh Châu…
Theo Phương Mỹ Chi, album gồm 2 cấu phần. Trong đó “cò bay” đại diện cho hơi hướng dân ca cô đã theo đuổi suốt các năm qua, còn “vũ trụ” hướng đến khái niệm đột phá, mới mẻ và “pop hóa” hơn trong tương lai gần. Việc kết nối ấy cho thấy xu hướng giao thoa giữa cũ và mới, giữa truyền thống và hiện đại của dự án lần này.
Không gian âm nhạc được DTAP xây dựng dựa trên rất nhiều âm thanh điện tử, như future bass, dance pop, disco… nhưng vẫn nghe ra những điểm truyền thống quen thuộc, như giọng Huế và tiếng gõ chén (Gối gấm), dân ca miền Bắc và quan họ Bắc Ninh (Đẩy xe bò) hay nhạc trữ tình – bolero – đờn ca tài tử miền Nam (Bóng phù hoa, Chiếc lược ngà, Hai đứa trẻ…)
10 bài hát tuy là 10 câu chuyện khác nhau, nhưng đều sở hữu điểm chung là được chuyển thể cũng như có sự giao thoa giữa yếu tố dân tộc và xu thế hiện đại. Thế nhưng cũng chính điều này khiến cho khán giả đặt ra câu hỏi liệu đây có phải là một album thống nhất từ đầu đến cuối, hay thuộc thuật ngữ vốn hay được dùng là “concept album” (được hiểu là việc nghệ sĩ sáng tác, sắp xếp và thực hiện các ca khúc trong cùng một album theo một chủ đề, một ý tưởng hay một câu chuyện chung)?
Tranh cãi về tính "ý tưởng"
Sau vài ngày ra mắt, mạng xã hội nổ ra nhiều cuộc tranh luận, khi cho rằng Vũ trụ cò bay là “album hỗn loạn và lạc lối”, “không kể được một câu chuyện thống nhất nào về mặt nội dung”, “có nhiều sự không ăn nhập về phong cách giữa các bài hát”, hay dẫu các bài hát rất tuyệt khi đứng một mình, nhưng khi ghép lại thành một album thì không thấy được sợi dây kết nối…
Nói điều đó bởi lẽ nhiều người cho rằng Vũ trụ cò bay hoàn toàn có thể liên kết thành câu chuyện bi kịch chung về thân phận của người phụ nữ ở nhiều thời kỳ. Đó là việc bị chia cách bởi nhiều lý do, từ nghi kỵ, bỏ mặt, chiến tranh cho đến hôn nhân thiếu sự hạnh phúc, như trong Gối gấm, Bóng phù hoa, Chiếc thuyền ngoài sa, Vũ trụ có anh… là có được sự liên kết đặc biệt.
Ngoài ra tính nữ mạnh mẽ cũng được thể hiện ở Người con gái nằm nghe biển hát và Những ngôi sao xa xôi như một mặt khác của người phụ nữ, vì thế nhìn chung album có thể được xây dựng trên hình tượng phụ nữ từ cổ chí kim, từ chịu đè nén rồi đến với khao khát tự do và vươn mình lên. Chính việc không liên kết theo hướng đi đó khiến dự án này bị nghi ngại về concept album.
Nhưng theo Từ điển Oxford, “concept album” là “một tập hợp những bài hát có cùng chủ đề, và được ghi chung trên một chiếc CD hoặc các định dạng khác”. Như vậy để được xem là concept album, thì không chỉ yếu tố cần là một album, thì điều kiện đủ là phải có cùng chủ đề.
“Chủ đề” ở đây không chỉ đơn thuần nằm ở việc kể được một câu chuyện chung với chất liệu âm nhạc tương đồng nhau, mà còn có thể nằm ở mục đích lớn hơn, thể hiện mong muốn của người sáng tạo. Ở đây có thể thấy rằng Vũ trụ cò bay của Phương Mỹ Chi là một concept album có ý tưởng rõ ràng, khi các bài hát đều được chuyển thể từ những tác phẩm văn học trước đó, và có được sự thống về mặt âm nhạc, nhất trong việc kết hợp yếu tố dân gian và hiện đại – âm nhạc điện tử.
Vì vậy việc có thể liên kết các bài hát lại với nhau hay không không quá quan trọng, vì mục đích chính của nữ ca sĩ vẫn là thể hiện hướng đi mới mẻ của mình, nơi khán giả trẻ sẽ quan tâm hơn đến các chất liệu dân tộc, còn cô cũng sẽ không ra khỏi địa hạt ấy, nhưng vẫn có sự phát triển thật sự phù hợp.
Điều này ngoài ra còn cho thấy được lối tiếp cận mới của nữ ca sĩ, để không bị so sánh với cách tiếp cận đã có từ trước. Bởi lẽ việc xâu chuỗi thành một câu chuyện của thân phận phụ nữ đã có quá nhiều người làm, chẳng hạn No Nê của Suboi là hành trình trưởng thành của một cô gái, hay album ái gần đây của Tlinh là một tiếng nói mới mẻ cho giới nữ…
Vậy thì làm một đĩa nhạc về câu chuyện xưa của người phụ nữ trong thời hiện đại với các phong trào nữ quyền ngày càng phổ biến có quan trọng hơn chuyển thể tác phẩm văn học thành âm nhạc, cũng như Đông – Tây kết hợp, “hiện đại hóa” yếu tố truyền thống của thời hiện đại?
Có thể nói, âm thanh đa dạng của 10 bài hát đang làm tốt việc thể hiện sự đa dạng của tính truyền thống. Có thể có nhiều phong cách, nhưng bài toán liên kết từng thể loại một với các yếu tố hiện đại tương ứng ra sao khó lòng gọi là hỗn loạn, mà đó là những cấu phần để hướng đến câu chuyện lớn hơn về sự giao thoa.
Bình luận (0)