Từ vụ 'xăng làm điện chịu': Cần tăng cường xử phạt hành vi bịa đặt, vu khống

20/09/2023 17:30 GMT+7

Chỉ khi nguyên nhân vụ cháy chung cư mini bắt nguồn từ xe xăng được công bố, nhiều người mới vỡ lẽ, xe điện và người dùng xe điện thời gian qua đã bị "buộc tội" oan. Không ít người đã phải uất ức dọn khỏi ngôi nhà quen thuộc vì bị chủ nhà cấm sử dụng xe điện. Có nơi, cơ quan công an thậm chí còn nhanh chóng ban hành văn bản cấm sạc xe điện dưới hầm, khiến người dân hoang mang, thậm chí cảm thấy bị "kỳ thị".

Trao đổi với Thanh Niên, LS Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch Công ty Luật SBLAW cho rằng: "Cách lan truyền thông tin vô trách nhiệm cần bị xử lý nghiêm bởi hậu quả không chỉ dừng lại ở một số cộng đồng cư dân, mà còn là doanh nghiệp, nền kinh tế, và sự ổn định xã hội".

Từ vụ "xăng làm điện chịu": Cần tăng cường xử phạt hành vi bịa đặt, vu khống - Ảnh 1.

LS Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch Công ty Luật SBLAW

NVCC

Hậu quả nhiều vòng từ việc chia sẻ thông tin thiếu trách nhiệm

* Công an Hà Nội vừa có bản kết luận giám định nguyên nhân vụ cháy chung cư mini tại Khương Hạ (Hà Nội) là do chập mạch điện từ xe mô tô sử dụng động cơ xăng (loại xe tay ga). Kết luận này đã làm sáng tỏ trước một số tin đồn trên mạng xã hội tự quy kết nguyên nhân cháy do xe điện, tạo sự hoang mang trong dư luận. Từ góc nhìn luật sư, ông nghĩ gì về sự việc này?

- LS Nguyễn Thanh Hà: Bản chất mạng xã hội là mỗi người đều có quyền bày tỏ ý kiến cá nhân, mỗi người tự viết, tự biên tập và tự đăng tải thông tin. Vấn đề là nhiều khi những quan điểm, thông tin ấy dựa trên hiện tượng, sự cảm tính, không hề có sự suy xét, hay dựa trên ý kiến chuyên gia, kết luận của cơ quan chức năng. Đó là điều chúng ta chứng kiến trong vụ cháy chung cư mini vừa qua. 

Dù nguyên nhân cháy do xe điện hay xe xăng hay bất kỳ phương thức nào chưa được cơ quan công an kết luận nhưng ngay lập tức, xe điện đã bị nhiều người quy kết là nguyên nhân, thậm chí lan tỏa vào các hội, nhóm, gây hoang mang cho cộng đồng.

Chuyên gia điện - điện tử: ‘Xe điện cũng như cái quạt, có chất nổ đâu mà sợ’

* Đường đi của những thông tin cảm tính và quy kết như ông nói đang gây hậu quả ra sao, thưa ông?

- Điều nguy hiểm nhất là chính người dùng đang biến tin giả thành "tin thật", tạo ảnh hưởng lớn tới không chỉ người dân mà còn doanh nghiệp và rộng hơn là nền kinh tế và sự ổn định xã hội.

Như tại vụ cháy chung cư vừa qua, ta thấy, khi có thông tin lan truyền đổ lỗi xe điện là nguyên nhân gây cháy, ngay lập tức, người dân dùng xe điện đã rất khó khăn trong việc tiếp cận hệ thống sạc. Nhiều chung cư thậm chí yêu cầu người thuê phải chuyển sang dùng loại xe khác. Nguy hiểm hơn là chính tin giả đôi khi đã ảnh hưởng tới quyết định của cơ quan chức năng khi có địa phương ngay sau vụ cháy đã có văn bản yêu cầu cấm sạc xe điện dưới hầm. Không ít người đã lo lắng và tính toán việc dừng sử dụng phương tiện quen thuộc của mình.

Rộng hơn, các đơn vị nhập khẩu, phân phối, sản xuất xe điện sẽ gặp khó khăn, từ đó ảnh hưởng tiêu cực tới nền công nghiệp xe điện. Điều này không chỉ gây hệ lụy tới nền kinh tế mà còn cản trở mục tiêu khuyến khích sử dụng phương tiện xanh của Chính phủ. Rõ ràng, chỉ từ một hành động chia sẻ thông tin thiếu trách nhiệm, hậu quả là vô cùng to lớn với cộng đồng, người dân và đất nước. 

Ngoài ra, cũng không loại trừ khả năng, một số trường hợp có sự cố ý của các hội, nhóm để gây ảnh hưởng tới cộng đồng.

Từ vụ "xăng làm điện chịu": Cần tăng cường xử phạt hành vi bịa đặt, vu khống - Ảnh 2.

Các chuyên gia khẳng định ắc quy và pin của xe điện cũng như các thiết bị điện, không phải là thủ phạm gây ra các vụ cháy nổ mà chúng cũng chỉ là nạn nhân như các vật bị cháy khác

NHẬT THỊNH

Cố tình tung tin có thể bị xử lý hình sự

* Những hành vi tung tin đồn thất thiệt, gây ảnh hưởng tới cộng đồng như trong vụ cháy chung cư mini theo ông cần bị xử lý ra sao?

- Ta phải xử lý nghiêm với những hành vi gây thiệt hại tới cộng đồng như trong vụ việc vừa qua. Các hành vi này đã được quy định trong Nghị định 15/2020/NĐ-CP của Chính phủ. Mức phạt tiền có thể từ 10 - 20 triệu đồng với hành vi lợi dụng mạng xã hội để cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân.

Ngoài ra, các đối tượng tung tin đồn thất thiệt hoàn toàn có thể bị xử lý về tội "Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, tổ chức, cá nhân" theo điều 331 - Bộ luật Hình sự năm 2015 với mức phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù 6 tháng đến 3 năm. Người phạm tội gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội có thể bị phạt tù từ 2 - 7 năm.

* Dù đã có quy định nhưng việc tung tin đồn thất thiệt vẫn liên tiếp xảy ra. Có phải mức phạt vẫn còn quá nhẹ?

- Rõ ràng, chế tài hiện vẫn chưa đủ sức răn đe. Tại các nước phát triển, ngoài hành lang pháp lý đầy đủ với nhiều chế tài mạnh mẽ, công cụ tư pháp được họ sử dụng rất hiệu quả, ví dụ như việc các bên liên quan có thể ra tòa, yêu cầu bồi thường thiệt hại.

Theo tôi, Việt Nam cũng cần hướng tới cách làm tương tự, đó là bên cạnh hoàn thiện hành lang pháp lý, quy định, chế tài, chúng ta cần có quy trình thủ tục tạo điều kiện cho các bên cùng lên tiếng, từ đó tạo cơ sở để cơ quan chức năng xử lý vụ việc.

Xem nhanh 20h ngày 22.9: Xe máy điện có bị quay lưng?

* Cụ thể, làm sao để hạn chế tình trạng tung tin đồn thất thiệt, gây ảnh hưởng tới xã hội, thưa ông?

- Về hành động, trước hết theo tôi vẫn phải tập trung tuyên truyền, nâng cao ý thức người dân về việc lan truyền thông tin trên các phương tiện, nền tảng.

Thứ hai, như tôi đã nói ở trên là việc tăng cường xử phạt với các trường hợp vu khống, bịa đặt. Đây là khâu cần sự vào cuộc của các cơ quan chức năng, không chỉ để xử lý các đối tượng mà còn để ngăn chặn các thông tin sai sự thật, tránh sự lan truyền nguy hiểm, tạo sự bất ổn trong xã hội.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.