Từ vườn nhãn già đến bếp đun 'nóng lạnh'

02/12/2017 14:05 GMT+7

Sáng kiến ghép cành hồi sinh những vườn nhãn cổ và bếp đun 'nóng lạnh' của những người trẻ tuổi là những sáng tạo độc đáo, thiết thực với cuộc sống, được T.Ư Đoàn lựa chọn vinh danh trao Giải thưởng Lương Định Của và Sáng tạo trẻ toàn quốc.

Hồi sinh những vườn nhãn già
Anh Lò Văn Dũng (31 tuổi), Bí thư Đoàn thanh niên xã Pi Toong (H.Mường La, Sơn La) đã có sáng kiến ghép cành nhãn, góp phần làm hồi sinh nhiều vườn nhãn cổ, giúp người trồng nhãn có thu nhập cao. Anh Dũng là một trong số những nhà nông trẻ xuất sắc được T.Ư Đoàn trao Giải thưởng Lương Định Của. Mô hình kinh tế tổng hợp của anh Dũng cho doanh thu 450 triệu đồng/năm và tạo việc làm cố định cho 3 lao động, với mức lương từ 7,5 - 8 triệu đồng/tháng.
Anh Dũng cho biết sáng kiến kỹ thuật ghép cành nhãn của anh xuất phát từ thực tế vườn nhãn của gia đình rộng gần 2 ha, được trồng từ năm 1995, sau hơn 20 năm khai thác đã già cỗi, sản lượng và chất lượng quả đều giảm sút, khó tiêu thụ, buộc phải tính đường chuyển đổi thay thế bằng cây trồng khác.
Nếu theo cách cải tạo vườn thông thường, gia đình sẽ phải chặt bỏ toàn bộ cây nhãn cũ, trồng nhãn mới và chờ đợi nhiều năm sau, cây nhãn mới cho thu hoạch quả. Suy đi tính lại, anh Dũng thấy cách làm này không hiệu quả, tốn kém chi phí đầu tư, trong khi vườn nhãn là thành quả bố mẹ sau nhiều năm gây dựng chuyển giao lại cho con.
Sau nhiều tháng mày mò lên mạng tìm kiếm giải pháp cải tạo vườn nhãn, anh Dũng tình cờ đọc, tiếp cận về kỹ thuật ghép cành rồi tìm cách thử nghiệm trên vườn nhãn của gia đình. Anh cho chặt sạch toàn bộ cành nhãn từ thân cây cũ, sau đó mua giống mới để ghép vào thân cây cho ra một vườn nhãn mới. Cách làm này giúp vườn nhãn cho thu hoạch sớm hơn so với trồng cây nhãn giống mới. Các cành nhãn giống mới được thân cây cũ nuôi dưỡng, cung cấp nhiều chất dinh dưỡng nên cho quả to đều, cùi dày và mọng nước, năng suất cao gấp đôi so với vườn nhãn cũ.
Bên cạnh đó, nhãn ghép cành này cũng cho ra lứa nhãn chín muộn kéo dài cả tháng so với mùa nhãn chính vụ, nên giá bán cao. “Ngày trước phải mang ra chợ bán, giá cao lắm cũng chỉ được 10.000 - 15.000 đồng/kg, nhưng nay nhãn chín muộn, giá 30.000 đồng/kg, có thương lái mua tận vườn. Doanh thu từ vườn nhãn năm 2016 cao gấp đôi so với thời điểm trước năm 2013 khi chưa cải tạo vườn”, anh Dũng nói.
Bếp đun “nóng lạnh”
Chiếc bếp đun nấu hằng ngày nhưng lại có công năng như một chiếc bình nóng lạnh là phát kiến độc đáo của chàng thanh niên người dân tộc Tày Nguyễn Văn Huỳnh (26 tuổi, ngụ xã An Thịnh, H.Văn Yên, Yên Bái). Chiếc bếp độc đáo này hiện đang là sản phẩm hữu ích cho nhiều hộ dân, trường học, cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch ở khu vực miền núi phía bắc.
Anh Huỳnh cho biết chiếc bếp “nóng lạnh” được thiết kế ứng dụng nguyên lý đối lưu nhiệt tự nhiên. Ngoài phần đưa nhiên liệu đun nấu, vỏ bếp có gắn các mayso thu nhiệt trong quá trình đun nấu và đẩy theo đường ống làm nóng nước trên bình bảo ôn.
Đặc biệt, vỏ bếp cũng được các đường ống nước làm lạnh khiến nó không bị nóng, rất an toàn cho người sử dụng. Chiếc bình bảo ôn tích trữ nước nóng trong quá trình đun nấu có thời gian ủ nhiệt liên tục trong 40 giờ sau khi đã ngừng đun nấu.
Chiếc bếp “nóng lạnh” có thể dùng đun bằng củi, lõi ngô hoặc các phế phẩm thực vật. “Gần như toàn bộ nhiệt lượng tỏa ra trong quá trình đun nấu đều được thu hồi đun nóng nước, theo tính toán nếu bếp đun trong 10 - 15 phút, khoảng thời gian nấu ăn phổ biến của nhiều gia đình, thì có ngay lượng nước nóng đủ tắm cho 3 - 4 người”, Huỳnh nói.
Theo anh Huỳnh, sản phẩm bếp đun “nóng lạnh” có giá thấp nhất là 3,9 triệu đồng, đặc biệt phù hợp ở khu vực miền núi, những nơi chưa có điện sinh hoạt, hộ dân vùng nông thôn không có điều kiện lắp đặt bình nóng lạnh.
Bên cạnh đó, Huỳnh nhận cung cấp lắp đặt loại bếp lớn với kích thước lớn lắp đặt trong các trường học bán trú, các hộ kinh doanh du lịch có dịch vụ xông hơi, tắm lá thuốc, sản xuất chưng cất tinh dầu, nấu rượu… Chỉ sau hơn 3 năm được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học - Công nghệ) cấp bằng sáng chế độc quyền, sản phẩm bếp đun “nóng lạnh” mở rộng thị trường tiêu thụ tại 8 tỉnh miền núi phía bắc và mở được nhiều đại lý lớn.
Sản phẩm bếp đun “nóng lạnh” đắt khách giúp anh Huỳnh gây dựng được 2 cơ sở sản xuất đặt tại Yên Bái và mới có thêm 1 xưởng sản xuất đặt tại H.Ba Vì (Hà Nội), với doanh số bán ra trên 3 tỉ đồng mỗi năm.
Bằng mô hình khởi nghiệp này, anh Huỳnh đã tạo ra việc làm thường xuyên cho 18 lao động chính và 21 lao động phụ, với lương bình quân 5,2 triệu đồng/tháng. Năm 2017, sản phẩm bếp đun “nóng lạnh” nằm trong nhóm 1/35 sản phẩm xuất sắc dự triển lãm tại Festival Sáng tạo trẻ toàn quốc, nhận giải thưởng Sáng tạo trẻ năm 2017. Anh Huỳnh cũng là 1/68 cá nhân được T.Ư Đoàn trao Giải thưởng Lương Định Của, vinh danh những thanh niên nông thôn có thành tựu, sản phẩm nghiên cứu được ứng dụng vào đời sống.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.