Từ xa xăm thả về gần gụi

01/04/2022 17:07 GMT+7

Thả xa xăm (NXB Hội Nhà văn – 2022) là tập thơ đầu tay của Doãn Minh Trịnh.

Có ai đó ví tập sách đầu tay cũng như mối tình đầu. Nó có thể không thành, thậm chí là mong manh, hư ảo, nhưng rất đẹp. Về sau này, khi cuộc đời cho ta những trải nghiệm thú vị hơn, gặp được những tình yêu lớn lao hơn, nhưng ta vẫn hoài nhớ về mối tình nhỏ bé sương khói ấy khôn nguôi. Cũng như, về sau này, có thể Doãn Minh Trịnh cho ra đời những ấn phẩm thơ đặc sắc hơn, được độc giả đón nhận nồng nhiệt hơn, nhưng tôi tin, tác giả vẫn nhớ mãi về tập thơ thuở ban đầu này.

Thả xa xăm, tập thơ ấn tượng ngay từ tên gọi, nhưng thơ Doãn Minh Trịnh, theo tôi không phải là thơ theo “trường phái ấn tượng”. Thơ Doãn Minh Trịnh, một cách tự nhiên, đã không theo một định dạng hình khối nào cụ thể; mọi sự kiện đời sống, dù đã được khúc xạ qua ánh sáng thi ca, nhưng đó không phải là thứ ánh sáng được nhìn bằng mắt. Thơ của Doãn Minh Trịnh, tôi đồ chừng, không phải là sự thấy bằng con mắt nhìn ra ngoài, dù là con mắt xanh. Thơ Doãn Minh Trịnh là cái nhìn của con mắt khép lại. Tức là nhìn vào bên trong nội tâm hay bản ngã của chính mình.

Do vậy, thơ Doãn Minh Trịnh có cái gì đó thật khó nắm bắt, nó cứ lãng đãng, mơ hồ, bềnh bồng… theo những cơn sóng của cảm xúc và cảm giác. Có lẽ, thơ Doãn Minh Trịnh gần với thủ pháp biểu hiện. Những mẻ lưới thơ đều là thu hoạch của những cơn choáng động, những cú chao đảo bất ngờ.

Bìa tập thơ đầu tay của Doãn Minh Trịnh

T.N.T

Hãy thử đọc “bài thơ văn xuôi” này: “Chuyển nhà qua nơi khác, căn phòng cũ toàn lỗ thủng, mỗi vết thủng là một lần khoan đục, viên gạch nát một góc, bụi rơi xuống không cần gió của chiếc quạt trần, tôi nghĩ người đến sau sẽ vá cho liền nhưng chắc vẫn còn dấu vết cũ.

Không về lại được như xưa với bức tường vôi trắng liền một mối không về lại ngày tháng nơi khoé miệng còn lời nói dung dị không về lại chiều hè qua con đường có quán cà phê đợi từng giọt từng giọt rơi xuống đáy còn kịp về lại nữa không khi đèn đường đã tắt.

Phố loang loáng ánh đèn đan xen mảng sáng tối. Gió và màn đêm đủ làm con người ớn lạnh. Ta cứ vùi mình vào màng tơ nhện, sao không trở về với bản ngã. Hay bức tranh vẽ chưa đủ gam màu.

Câm lặng đến tàn hơi!”

(Không về lại ngày xưa)

Hình ảnh bụi rơi vô hồi trong căn phòng cũ, không cần gió của chiếc quạt trần, cũng không bởi vì đâu, đó chính là hình ảnh của thơ. Cái “bức tranh vẽ chưa đủ gam màu” không phải là bức tranh dang dở, mà đó là bức tranh của tâm trạng. Và sự “Câm lặng đến tàn hơi”, không phải là một tình cảnh, đúng hơn nó là một trạng thái tinh thần, một biểu hiện của cảm xúc, trong một thời khắc mà ký ức tạo nên những cơn sóng bụi luân hồi của thời gian.

Điểm thú vị trong thơ Doãn Minh Trịnh là tính mơ hồ nhất quán trong hầu hết các bài thơ của tác giả. Điều đó cho thấy cái nguồn lạch thơ sẵn có và rất tự nhiên. Doãn Minh Trịnh xem ra ít bị tác động bởi ngoại vi. Những tiếng nói thơ, dù mơ hồ, nhưng là tiếng nói của chính mình. Đó là điều đáng kể và đáng mừng nhất của người làm nghệ thuật. Hãy là chính mình trước khi thành một cái gì đó. Có những người càng sống càng đi xa mình. Đó là những lạc lối mê lộ.

Thả xa xăm là thả những bâng quơ vào vô định, thả những bồi hồi vào hư không, thả những rời rạc ý nghĩ vào cánh cửa thời gian, thả những tàn tro xuống dòng sông quên lãng, thả những yêu thương lên hi vọng của ngày…

Trong tập thơ này, có ba bài tôi thích, thì cả ba đều viết về “con bướm xanh”. Một con bướm xanh giả. Một con bướm xanh chết. Một con bướm xanh bỏ đi. Con bướm xanh nào cũng đầy ma mị. Nó như ám tượng của giấc mơ. Hay nó như ẩn dụ của thơ Doãn Minh Trịnh.

Xin hãy đọc cả ba bài thơ này.

Tôi bắt gặp con bướm màu xanh

đậu đầy phòng tối

nó không chịu bay

chỉ phát ra ánh sáng lấp lánh

aha... ahi... con bướm giả

Giả như thật

đẹp như thật

khóc như thật

chết như thật

Sống và chết

kén nên hài rồi bướm đẹp bay lên

Sáng và tối

tôi và tôi

đối diện nhau cười cợt

Giả và thật

bướm chết trong ban mai.

(Bướm xanh)

Tỉnh dậy ta mới nhận ra

con bướm màu xanh

bỏ đi

Hỏi ai?!

lặng thinh hiu hắt

Vì căn phòng chật quá

Vì mối tâm sự dày đặc lên

Vì lòng ngổn ngang luẩn quẩn

Vì chân trời trong vắt phía cửa sổ

Quá nửa đời trở lại nẻo xa xăm

cõi thanh hư

con bướm màu xanh

nằm trên đất.

(Cõi thanh hư)

Em không biết được đâu

đêm trong đêm bướm xanh toả sáng

bay chập chờn đậu đợi ánh ban mai

cất cánh bay đem theo hờn giận

Em đẹp tựa cánh bướm xanh

đêm qua dạo quanh vườn

má đọng giọt nước bốc hơi từ sương đêm

kẻ lang thang vô định

Định mệnh cho ta đó

gặp nhau trên đường về

ta đi ngược nhau.

(Ta đi ngược nhau)

Tôi nghĩ, bản chất của thơ chính là sự tuyệt vọng. Trong tột cùng tuyệt vọng, con người ta có xu hướng muốn tìm đến thơ. Lúc này, thơ không phải là một thứ giả trang son phấn làm màu. Lúc này, thơ là tiếng nói thẳm sâu tự lòng mình. Nhưng dù tuyệt vọng thế nào thì khi nương vào thơ là con người ta nương vào đức tin và niềm hi vọng.

Tôi nghĩ, hình tượng “con bướm xanh” chính là cái đẹp hay phiên bản của giấc mơ mà Doãn Minh Trịnh đi tìm trong đời mình. Có lúc con bướm giả nhưng màu xanh là thật. Có khi con bướm xanh thật nhưng đã nằm dưới đất chết rồi. Và, nhà thơ đi tim một con bướm xanh đã bay đi, vân du đâu đó ngoài cõi này. Một con bướm xanh làm đường dẫn cho cả một đại dương thơ. Mà thật kỳ lạ, con bướm, dù nhỏ bé mong manh thế, nó vẫn có thể độc hành nhịp cánh qua cả một đại dương mênh mông.

Thả xa xăm còn là mượn xa xăm để thả những gần gụi, thiết thân của đời sống này. Đó là những lát cắt đời thường, những mảnh ký ức nhân sinh đan cài giữa riêng và chung, chật và rộng, nghẹt thở và khơi vơi…

Thơ của Doãn Minh Trịnh, tôi có cảm giác như những hơi thở nhẹ, những tiếng thở dài và cả những cú hít sâu để chuẩn bị cho một cú lặn dài khám phá. Nhưng nói như chính tác giả, “thơ không dùng cắt nghĩa”. Thơ là để đọc, để cảm chứ không phải để bình tán. Thế mà tôi đã trót “rườm lời” rồi. Thì thôi, xin dừng lại đây.

Xin mời bạn đọc bước vào cõi xa xăm của Doãn Minh Trịnh.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.