'Tự ý dùng kháng sinh là sai lầm chết người của người Việt'

20/03/2019 21:09 GMT+7

Dùng kháng sinh quá liều là nhận định của các chuyên gia trong lĩnh vực chống đề kháng kháng sinh thế giới, dành cho người Việt.

Ngày 20.3, trong khuôn khổ Hội nghị Kiểm soát Nhiễm khuẩn Khu vực châu Á - Thái Bình Dương lần thứ 9, diễn ra tại Đà Nẵng, hàng trăm chuyên gia đến từ các quốc gia có nền y học phát triển đã đánh giá mức độ lạm dụng kháng sinh của người Việt đang ở mức báo động, người Việt đang dùng kháng sinh quá liều.

Tự ý dùng kháng sinh là sai lầm chết người

Tham dự sự kiện, ông Gary Cohen, Phó chủ tịch Quỹ Điều hành Sức khỏe toàn cầu, không chỉ đánh giá người Việt đang dùng kháng sinh quá liều, mà còn nhấn mạnh nhu cầu cấp thiết cho sự phối hợp toàn ngành nhằm chống lại những mối đe dọa đề kháng kháng sinh (ĐKKS) đang ngày càng gia tăng.

“Nhận thức về ĐKKS vẫn còn rất thấp và những người hiểu được mức độ nghiêm trọng của mối nguy này lại cảm thấy bất lực vì không thể làm gì. Cách duy nhất để vượt qua mối đe dọa ĐKKS là tất cả mọi người, gồm các nhà hoạch định chính sách, cán bộ y tế, quản trị viên, bác sĩ lâm sàng, tổ chức nghề nghiệp, bệnh nhân và thành viên gia đình cần  áp dụng các biện pháp tốt nhất để phòng ngừa và điều trị nhiễm khuẩn”.

Trong khi đó, với thâm niên hơn 30 năm làm việc tại Khoa Vi sinh (Bệnh viện Bạch Mai Hà Nội), đồng thời là thành viên Ban điều phối, giám sát ĐKKS của Bộ Y tế, bác sĩ Đoàn Mai Phương cho biết người Việt có quan niệm sai lầm về kháng sinh, dẫn đến sử dụng kháng sinh quá liều, vô tôi vạ, tự ý đến nhà thuốc mua thuốc kháng sinh để điều trị các bệnh thông thường như cảm lạnh, ho...

Đặc biệt, các ông bố, bà mẹ trẻ, khi con ốm đau cũng tự ý mua kháng sinh ở các nhà thuốc, đánh giá cao các bác sĩ kê toa có kháng sinh liều cao để con mau khỏi bệnh mà không biết rằng đang đẩy con đến con đường ĐKKS, khiến gia tăng vi khuẩn kháng thuốc, khiến cho việc điều trị các loại bệnh về sau gần như mất khả thi.

“Tự ý dùng kháng sinh là sai lầm chết người của người Việt, nhất là các phụ huynh có con nhỏ. Thói quen này cần sớm được loại bỏ”, bác sĩ Phương nhấn mạnh.

Để hiểu rõ điều này, ông Gary Cohen tận tình giải thích: “Đề kháng kháng sinh là khả năng vô hiệu hóa tác dụng của thuốc kháng vi sinh vật, của các vi sinh vật khiến những loại thuốc này mất đi tác dụng. Việc này khiến các phương pháp điều trị thông thường trở nên không hiệu quả, nhiễm khuẩn vẫn tồn tại và có thể lây lan”.

Ông chia sẻ nghiên cứu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), dự kiến đến năm 2050, ĐKKS sẽ gây ra 10 triệu ca tử vong hằng năm, có nghĩa là cứ 3 giây sẽ có 1 người tử vong do các vi khuẩn kháng thuốc, đồng nghĩa thiệt hại 100.000 tỉ USD cho năng suất kinh tế toàn cầu.

Tại các bệnh viện Việt Nam, mức sử dụng kháng sinh được ghi nhận đạt trung bình 274,7 liều dùng hằng ngày (DDD)/100 giường, cao hơn đáng kể (gấp hơn 4,7 lần) khi so với Hà Lan, nơi chỉ dừng ở mức 58,1 liều dùng hằng ngày/100 giường.

Đề kháng kháng sinh tạo gánh nặng cho điều trị bệnh

Hiện tại, việc sử dụng thuốc kháng sinh sai cách đang là một “vấn nạn” tại  Việt Nam, những quan niệm sai lầm về thuốc kháng sinh, dùng kháng sinh quá liều đang góp phần khiến số lượng các ca ĐKKS trong nước gia tăng. Trong khi đó, thuốc kháng sinh có sẵn miễn phí và có thể mua được tại các quầy thuốc trên khắp cả nước.

Việc sử dụng thuốc kháng sinh không được giám sát để điều trị các triệu chứng rất nhẹ (ví dụ: các triệu chứng như cảm lạnh và ho) đã dẫn đến sự gia tăng các vi khuẩn kháng thuốc ở nhiều bệnh nhân. Ước tính lên đến 63% bệnh nhân được đưa vào Khoa Hồi sức tích cực, đã bị nhiễm một vi khuẩn kháng thuốc,  khiến việc điều trị trở nên khó khăn và tốn kém hơn rất nhiều.

Bên cạnh đó, người Việt còn “gánh” ĐKKS ở thực phẩm là gia súc, gia cầm do tồn dư kháng sinh từ thức ăn chăn nuôi. Và một trong những yếu tố đáng lưu ý là vấn đề kiểm soát nhiễm khuẩn tại các bệnh viện.

Ở Việt Nam, theo ước tính của Bộ Y tế, cứ 10 bệnh nhân thì có 1 người bị nhiễm khuẩn bệnh viện (HAI) trong khi tiếp nhận điều trị. Theo đó, từ 66% đến 83% ca nhiễm khuẩn bệnh viện có dấu hiệu kháng nhiều thuốc, khiến việc điều trị cho các bệnh nhân này thực sự là gánh nặng kinh tế, thậm chí bất khả thi trong điều trị.

Hiện tại, Bộ Y tế Việt Nam đã có chương trình Hành động Quốc gia về Chống kháng thuốc. Kế hoạch giai đoạn từ năm 2013 đến 2020 đã thể hiện quyết tâm mạnh mẽ đầu tiên của Bộ Y tế trong việc đối phó với mối nguy hại ngày càng gia tăng của ĐKKS, một vấn nạn đã và đang tàn phá cuộc sống cùng nền kinh tế của nhiều quốc gia trên thế giới.

Cụ thể là tăng cường phòng chống kháng thuốc, nâng cao chất lượng và hiệu quả của công tác phòng chống và kiểm soát dịch bệnh, khám chữa bệnh để bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe người dân. Tăng cường nâng cao nhận thức của cộng đồng và nhân viên y tế về tình trạng kháng thuốc; tăng cường và cải thiện hệ thống giám sát quốc gia về việc sử dụng kháng sinh và kháng thuốc; thúc đẩy sử dụng thuốc đúng cách và an toàn; thúc đẩy kiểm soát nhiễm trùng trong bệnh viện và môi trường chăm sóc sức khỏe; thúc đẩy sử dụng kháng sinh an toàn và thích hợp trong chăn nuôi gia súc, gia cầm, nuôi trồng thủy sản và trồng trọt.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.