Không ít cơ sở kinh doanh các loại hình dịch vụ thường tự ý sử dụng hình ảnh của người nổi tiếng hay khách hàng để quảng cáo nhằm thúc đẩy hiệu quả. Gần đây, nữ ca sĩ Bảo Anh đã chia sẻ một hình ảnh trên trang Facebook cá nhân kèm dòng trạng thái: "Ra tiệm chụp ảnh thẻ vô tình gặp ngoại nào giống mình ghê ta ơi". Dù là ảnh ghép nhưng có thể dễ dàng nhận ra trong khung hình là gương mặt của ca sĩ Bảo Anh và nam MC Trấn Thành.
Nguyễn Thị Hoài Thương (26 tuổi), kinh doanh quần áo trực tuyến, ngụ tại đường số 8, P.Linh Xuân, TP.Thủ Đức (TP.HCM), bày tỏ quan điểm: “Trong kinh doanh, buôn bán việc sử dụng hình ảnh của người nổi tiếng hay khách hàng để quảng cáo là điều không tránh khỏi. Tuy nhiên, mình chỉ được phép làm điều đó khi có sự đồng thuận của đối phương. Vì đang kinh doanh quần áo, thỉnh thoảng mình vẫn đăng tải hình ảnh của khách để tăng sự uy tín và hiệu quả bán hàng. Tuy nhiên, trước đó mình phải nhắn tin xin phép và nói rõ mục đích sử dụng hình ảnh rồi mới đăng”.
Việc lấy hình ảnh của các nghệ sĩ nổi tiếng hay khách hàng để quảng cáo nhằm mục đích thương mại xảy ra rất phổ biến. Tuy nhiên, nếu tự ý sử dụng mà không có sự đồng thuận của đối phương thì đây là hành vi vi phạm pháp luật. Chia sẻ về vấn đề này, luật sư Diệp Năng Bình (Đoàn luật sư TP.HCM), chia sẻ: "Căn cứ Điều 8, luật Quảng cáo 2012 quy định về các hành vi bị cấm trong hoạt động quảng cáo. Theo đó, quảng cáo có sử dụng hình ảnh, lời nói, chữ viết của cá nhân khi chưa được người đó đồng ý là hành vi cấm, trừ trường hợp được pháp luật cho phép".
Theo luật sư Bình, tại điểm b, khoản 3, Điều 34 Nghị định 38/2021/NĐ-CP quy định như sau: Phạt tiền từ 20 - 40 triệu đồng đối với một trong các hành vi sau đây: Quảng cáo vi phạm pháp luật về sở hữu trí tuệ; Quảng cáo có sử dụng hình ảnh, lời nói, chữ viết của cá nhân khi chưa có sự đồng ý của người đó, trừ trường hợp được pháp luật cho phép. "Theo đó, tự ý sử dụng hình ảnh người khác để quảng cáo thì sẽ bị phạt tiền từ 20 - 40 triệu đồng", luật sư Bình nói.
Vậy người bị sử dụng hình ảnh trong quảng cáo khi chưa có sự đồng thuận nên bảo vệ quyền lợi của mình như thế nào? Luật sư Bình cho biết: "Điều 32, Bộ luật Dân sự 2015 quy định: Việc sử dụng hình ảnh của cá nhân phải được người đó đồng ý. Nếu sử dụng với mục đích thương mại thì phải trả thù lao cho người có hình ảnh, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác".
Luật sư Bình cũng nói thêm trong trường hợp phát hiện hình ảnh của bản thân bị xâm phạm thì có quyền yêu cầu chủ thể có hành vi xâm phạm chấm dứt việc làm đó và bồi thường các thiệt hại về vật chất, tinh thần nếu có. Mức bồi thường do các bên thỏa thuận. Nếu không thỏa thuận được thì chi phí gấp 10 lần mức lương cơ sở vùng.
"Nghiêm trọng hơn, trường hợp bên sử dụng hình ảnh cá nhân khi chưa được sự đồng ý có thể còn đối mặt với việc bị xử lý hình sự nếu rơi vào điểm b, khoản 1, Điều 288 về tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin trên mạng máy tính. Cụ thể, người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây: thu lợi bất chính từ 50 - dưới 200 triệu đồng; gây thiệt hại từ 100 - dưới 500 triệu đồng hoặc gây dư luận xấu làm giảm uy tín của cơ quan, tổ chức, cá nhân thì bị phạt tiền từ 30 - 200 triệu đồng. Ngoài ra, có thể bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm…", luật sư Bình cho biết thêm.
Vì vậy, nếu cá nhân có hình ảnh bị xâm phạm được quyền yêu cầu cơ quan, tổ chức thẩm quyền buộc người xâm phạm phải chấm dứt việc làm đó.
Bình luận (0)