Tuần duyên Mỹ hướng tới Biển Đông

02/12/2016 10:00 GMT+7

Mỹ có thể sẽ dùng chiêu thức ưa chuộng của Trung Quốc để ứng phó các hành động gây quan ngại trên Biển Đông và Hoa Đông.

Hãng tin UPI ngày 1.12 dẫn lời Tư lệnh Tuần duyên Mỹ (USCG) Paul Zukunft đề nghị chính quyền sắp chính thức nhậm chức của Tổng thống đắc cử Donald Trump cho phép mở rộng vai trò lực lượng này ra khỏi biên giới quốc gia và vươn tới Biển Đông lẫn Hoa Đông.
Đô đốc Zukunft khẳng định nỗ lực này sẽ giúp góp phần duy trì hòa bình và ổn định tại những vùng biển đang có nhiều biến động. Theo ông, USCG có thể là “bộ mặt cho sự hiện diện về an ninh” của Mỹ nhưng không gây ra mối đe dọa cho các nước trong khu vực.
Người đứng đầu USCG chỉ ra rằng mô hình hoạt động nói trên tương tự những gì Trung Quốc đang làm. Lâu nay, tàu hải cảnh Trung Quốc luôn đóng vai trò tiên phong trong những hành động gây mất ổn định tại khu vực tranh chấp còn quân đội đứng đằng sau và sẵn sàng can thiệp nếu cần.
“Tại Biển Đông và biển Hoa Đông, lực lượng hải cảnh chính là bộ mặt đầu tiên của Trung Quốc. Thế nên tôi đã đề nghị rằng nếu chính quyền mới muốn tận dụng USCG, tôi sẽ cung cấp nguồn lực để thể hiện bộ mặt của Mỹ thông qua tàu tuần duyên”, ông Zukunft nói. Đô đốc này nhận định thêm chính quyền tiếp theo của Mỹ “nên cân nhắc cách tiếp cận của USCG” nhằm đối phó biến động về an ninh tại những vùng biển nói trên.
Cũng theo đô đốc Mỹ, so với tàu chiến, sự hiện diện của tàu tuần duyên Mỹ sẽ giúp giảm thiểu các rắc rối về ngoại giao. Nếu được “bật đèn xanh”, USCG cũng sẽ đẩy mạnh hỗ trợ các nước Đông Nam Á tăng cường năng lực chấp pháp trên biển.
Mới đây, cấp phó của ông Zukunft là đô đốc Charles Michel cũng đề cập khả năng “cởi trói” cho USCG tại một cuộc hội thảo ở thủ đô Washington D.C. Khi đó, ông cho biết các chỉ huy hải quân cấp cao thuộc Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương của Mỹ rất ủng hộ USCG triển khai lực lượng đến Biển Đông hỗ trợ nỗ lực duy trì hòa bình và ổn định tại đây.
UPI dẫn lời giới quan sát cho rằng USCG có thể hoạt động hiệu quả hơn trong việc đối phó Trung Quốc ở Biển Đông và biển Hoa Đông. Tại Biển Đông, ngoài các hành động quân sự hóa khu vực tranh chấp bằng những cơ sở phi pháp trên đảo nhân tạo, Bắc Kinh đang cố hiện thực hóa yêu sách chủ quyền phi lý thông qua đội tàu hải cảnh cũng như tàu cá vỏ sắt.
Reuters dẫn số liệu của Văn phòng Tình báo hải quân Mỹ cho biết lực lượng hải cảnh Trung Quốc hiện sở hữu 205 tàu, trong đó có 95 tàu lớn với độ choán nước hơn 1.000 tấn. Trong báo cáo do Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) của Mỹ công bố đầu tháng 9, hải cảnh Trung Quốc dính líu đến hầu hết các vụ đụng độ trên Biển Đông kể từ năm 2010 đến nay.
Tuy mang tiếng là “dân sự” nhưng thực chất tàu hải cảnh được trang bị vũ khí, có tàu chở được cả trực thăng, trong khi mạng lưới tàu cá vỏ sắt được giới chức Mỹ đánh giá “có tổ chức rất chặt chẽ”, sẵn sàng đâm va, uy hiếp tàu nước khác. Cho đến nay hành động mang tính gây hấn của các tàu này vẫn không được xem là “có tính chất quân sự” nên các bên khác, kể cả Mỹ, gặp nhiều trở ngại khi triển khai phản ứng.
Chính vì thế, các chuyên gia cho rằng mở rộng vai trò USCG đến các vùng biển tranh chấp sẽ giúp hóa giải khó khăn mà Washington đang gặp phải trong việc đối phó “lực lượng dân binh trên biển” của Bắc Kinh.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.