Tuẫn tiết thủ thành Quy Nhơn, Võ Tánh xứng danh ‘Gia Định tam hùng’

29/05/2021 11:15 GMT+7

Dù không tận hưởng niềm vui trong thắng lợi cuối cùng của cuộc chiến khốc liệt giữa nhà Nguyễn và nhà Tây Sơn, nhưng danh tướng Võ Tánh trong việc tuẫn tiết thủ thành Quy Nhơn đã xứng danh ‘Gia Định tam hùng’

Các nhà nghiên lịch sử cho đến nay vẫn không rõ danh tướng Võ Tánh sinh vào năm nào và cũng không rõ tổ tiên ông xuất phát từ đâu, chỉ biết ông sinh tại làng Phước Tỉnh, huyện Phước An, phủ Phước Tuy, thuộc dinh Trấn Biên (Biên Hòa).
Tác giả Lê Nguyễn trong cuốn sách Xã hội Việt Nam thời Lê - Nguyễn (do Dtbooks và NXB Hồng Đức) vừa ấn hành, lé lộ: “Anh của Võ Tánh là Võ Nhàn, thuộc tướng của Đỗ Thanh Nhơn, giữ chức Cai cơ. Sau khi họ Đỗ bị trừ khử, Võ Nhàn cầm quân chống lại Nguyễn Ánh, bị bắt và chịu giết. Những năm chúa Nguyễn lánh sang Xiêm, Võ Tánh huy động binh tướng đóng ở vùng Thập Bát Phù Viên , sau thấy không tiện, bèn dời về Định Tường, giữ bãi Khổng Tước, quân đến hơn một vạn. Năm 1788, chúa Nguyễn trở về nước, trước đó, đã cử Nguyễn Đức Xuyên tiếp xúc riêng với Võ Tánh, thuyết phục theo về với chúa. Tháng 4 AL 1788, Võ Tánh ra mắt chúa Nguyễn Ánh ở hành tại. Chúa rất mừng, phong ông làm Tiên phong doanh Khâm sai Tổng nhung Chưởng cơ rồi còn gả trưởng công chúa Ngọc Du, con gái thứ hai của thế tử Nguyễn Phúc Luân, cho ông”.

Bìa sách Trung tiết anh hùng: Lịch sử ông Võ Tánh (1930) của tác giả Huyền Mặc đạo nhân, miêu tả cảnh Võ Tánh tự sát cuối cuộc bao vây thành Quy Nhơn.

Ảnh: T.L

Cũng theo sách đã dẫn: “Lúc bấy giờ, Võ Tánh còn khá trẻ, tánh hăng hái, mạnh bạo, trong trận đánh Bình Thuận, xảy ra chuyện bất đồng nghiêm trọng với Tiền quân Lê Văn Quân khi cho rằng Quân báo về triều giành công riêng cho mình. Có lần Võ Tánh đang trên đường về Gia Định theo lệnh triệu hồi của chúa Nguyễn, nghe tin Lê Văn Quân bị vây khổn, vẫn không quay lại giúp, may mà còn có Nguyễn Văn Thành giải nguy cho Quân. Mối bất đồng này đã góp phần nào vào cái chết của Lê Văn Quân vào năm 1791”.

“Tướng quân nghĩa phải chết là việc của ta, quân sĩ không có tội gì, không nên giết hại”

Câu chuyện về việc danh tướng Võ Tánh tử thủ thành Quy Nhơn được nhà nghiên cứu Lê Nguyễn kể lại: “Tháng 9 âm lịch năm 1799, Nguyễn Ánh giao cho Võ Tánh trách nhiệm Trấn thủ Bình Định, với sự phụ tá của Hiệp trấn Ngô Tùng Châu, rồi tự mình rút quân về Gia Định. Được tin này, đầu năm 1800, vua Cảnh Thịnh nhà Tây Sơn cử Trần Quang Diệu mang 50 ngàn quân bộ, Võ Văn Dũng mang 45 ngàn quân thủy cùng phối hợp tấn công và vây chặt thành Bình Định. Thấy thế đối phương quá mạnh, Võ Tánh một mặt tổ chức cố thủ, mặt khác cử người báo về Gia Định. Mấy tháng sau, đợi lúc có gió nồm, chúa Nguyễn mang 80 ngàn quân ra giải vây Bình Định, phối hợp với Jean Baptiste Chaigneau (Nguyễn Văn Thắng, quản tàu Long Phi), Philippe Vannier (Nguyễn Văn Chấn, quản tàu Phụng Phi) và De Forçant (Lê Văn Lăng, quản tàu Bằng Phi). Để giải vây Bình Định, chúa tính đến việc tấn công thủy quân Tây Sơn đang bố trí đội hình dày đặc ở đầm Thị Nại, ngăn chặn các hướng tiếp cận với thành Bình Định”.

Vua Gia Long Nguyễn Phúc Ánh

Ảnh: Trithucvn.org

Khu vực lăng mộ của danh tướng Võ Tánh ngày nay tại Q.Phú Nhuận, TP.HCM

Ảnh: Dương Thanh Tùng

Đầu năm 1801, cuộc chiến lúc này ngày càng ác liệt: "Chúa Nguyễn Ánh đích thân cùng các danh tướng Lê Văn Duyệt, Nguyễn Văn Trương, Võ Di Nguy, Tống Viết Phước đưa quân tấn công cửa Thị Nại. Trận đánh vô cùng ác liệt, tướng Võ Di Nguy trúng đạn tử trận, song cuối cùng thủy quân Tây Sơn tan vỡ, thuyền chiến bị đốt cháy gần hết. Chiến thắng đầm Thị Nại được mệnh danh là “Đệ nhất võ công” của nhà Nguyễn", sách đã dẫn viết.
Dù vậy, chiến thắng này vẫn không làm nhẹ đi gánh nặng của cuộc vây khổn thành Bình Định. Tháng 4 AL 1801, lương thực trong thành gần cạn kiệt, theo đề nghị của Võ Tánh, chúa Nguyễn Ánh tập trung quân, tấn công dinh lũy Phú Xuân hầu phân tán lực lượng của địch. Một tháng sau, đại quân Nguyễn chiếm lấy Phú Xuân, vua Cảnh Thịnh phải bỏ thành chạy ra phía bắc.
Cuốn Xã hội Việt Nam thời Lê - Nguyễn kể tiếp: “Trong lúc đó, tại Bình Định, lương thực trong thành không còn, quân phải giết voi, ngựa mà ăn. Bữa nọ Ngô Tùng Châu đến vấn kế Võ Tánh, ông nói với vị phó tướng của mình rằng: “Tôi làm chủ tướng, nghĩa không thể cùng sống với giặc. Ông là văn thần, quân địch tất không hại đâu, nên tính cách tự toàn”. Tòng Chu cười nói rằng: “ Cứ gì văn hay võ, lòng trung cũng là một thôi. Tướng quân biết chết theo nạn nước, Chu này không biết làm tôi chết với trung sao?”. Thế rồi trở về mặc mũ áo, hướng về cửa khuyết bái vọng rồi uống thuốc độc mà chết. Tánh ngậm ngùi than rằng: ”Ngô quân đã hơn ta một nước rồi!”. Tức thì tới thăm và khâm liệm tống táng. Xong rồi kíp gửi thư cho Diệu, nói: “Tướng quân nghĩa phải chết là việc của ta, quân sĩ không có tội gì, không nên giết hại” .
Sau khi có thư gởi đi cho tướng Tây Sơn Trần Quang Diệu, danh tướng Võ Tánh đã ra lệnh cho binh lính mang thuốc súng lên lầu bát giác, rồi mặc triều phục bước lên. Các tướng sĩ cúi rạp người xuống đất kêu khóc, ông vẫy cho họ lui ra xa rồi phóng hỏa đốt. Cửa thành mở rộng, Trần Quang Diệu đưa quân vào thành, dùng lễ chôn cất hai người thật tử tế rồi cho binh sĩ của hai ông được trở về nhà.

Võ Tánh được chôn cất trong nội cung thành Hoàng Đế, ngày nay thuộc xã Nhơn Hậu, thị xã An Nhơn, Bình Định

Ảnh: T.L

Nói về sự hy sinh đúng chất con nhà võ và xứng xứng danh với sự truyền tụng về "Gia Định tam hùng" của danh tướng Võ Tánh, nhà nghiên cứu Lê Nguyện khẳng định: “Người xưa chọn cái chết cho riêng mình để tướng sĩ dưới quyền được bình yên, kẻ thắng trận biết trân trọng nghĩa khí của con nhà tướng, dù từng là kẻ thù của nhau. Dù thành hay bại, họ đều xứng đáng là những bậc anh hùng”.
Trước cái chết anh dũng của Võ Tánh, người dân Bình Định đã lưu truyền câu hát dưới đây: “Ngó lên ngọn tháp Cánh Tiên/Cảm thương quan Hậu thủ thiềng (thành) ba năm".
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.