|
Bôi máu trên rẫy xua đuổi ma xấu
Chiều dần tàn ở làng Kon Rơ Nu, xã Đăk Tờ Re, H.Kon Rẫy (Kon Tum). Trong căn nhà sàn đơn sơ của già làng A Ek (61 tuổi), chúng tôi được nghe kể rất nhiều tập tục xưa còn sót lại. "Tháng 2, tháng 3 là mùa phát rẫy tỉa lúa ở đây. Bà con vẫn duy trì tục bôi máu. Mai này có hết lúa rẫy vẫn biết tập tục hay của người Xê Đăng của mình", già Ek nói.
Già làng A Ek kể, trước khi phát rẫy, người Xê Đăng phải cúng gà cho Yàng và nghỉ trong vòng 2 ngày uống rượu, ăn thịt. Trong lễ cúng, người Xê Đăng "xoe" (cầu, khấn) Yàng cho mùa lúa tốt tươi, được mùa, nhưng không quên lấy một ít máu gà (hoặc máu chó) để dành sẵn.
Khi rẫy phát xong, từng gia đình lấy máu gà (có gia đình dùng máu chó) bôi lên một vài thân cây còn giữ lại trong rẫy, miệng thì thầm "Yàng hãy giúp gia đình đuổi cái con ma xấu đến phá rẫy, ăn hết cây lúa, cái bông lúa…". Bôi máu trên cây xong, người Xê Đăng ở đây tiếp tục xuống con suối gần rẫy vẫy máu tươi xuống để làm phép, ngăn chặn triệt để ma xấu vào rẫy này. Đến khi vết máu khô lại, cây lá trên rẫy cũng héo úa đi là đồng bào Xê Đăng đốt rẫy tỉa lúa.
|
Già làng A Ek nói, không chỉ tục cúng Yàng trước khi phát rẫy, làng Kon Rơ Nu I còn bôi máu lên các đồ dùng mớ mua về nhà, học hành thi đậu đại học, cao đẳng cũng làm tục bôi máu. Khi đi học, gia đình cũng làm lễ bôi máu. Đến khi cầm bằng tốt nghiệp về, gia đình cũng làm lễ bôi máu cho Yàng biết mà phù hộ.
Hỏi sao phải bôi máu kiểu đó, già làng A Ek nói, nó giống như người Kinh cuối năm cúng tất niên, phải có lễ vật như đầu heo, hoa, quả, bát gạo trộn với muối rải ra xung quanh sân vườn vậy.
Chuyến đi công tác ở xã Ngọc Réo, H.Đăk Hà (Kon Tum), chúng tôi hỏi về tục “bôi máu” của người Xê Đăng nhánh Xơ Đrá ở đây, anh U Rớp, cán bộ văn hóa thông tin xã là dân Xơ Đrá chính hiệu dẫn chúng tôi đến gia đình anh U Ôn ở làng Kon Rôn. "Nó mới làm lễ bôi máu cái tivi mới mua đây", U Rớp đưa đi rồi giải thích.
|
Gặp chúng tôi, U Ôn dẫn chúng tôi đến chiếc ti vi còn mới tinh, cho xem vết máu khô đọng lại. "Phải làm lễ này rồi mới sử dụng". Ôn nói và giải thích cho nghe chuyện làm lễ bôi máu của mình.
Đó là máu gà do Ôn cắt để vào ống lồ ô, đổ rượu vào trộn lại với nhau. "Mình lấy rượu ghè (rượu cần) để ở giữa nhà khấn Yàng ban cho sức khỏe, cho cái ti vi nói miết không hư, có cái hình đẹp miết không phai màu". Khấn xong, U Ôn lấy rượu tiết gà chấm vào một góc ti vi.
U Rớp nói, hồi lấy bằng tốt nghiệp đại học về cũng làm như U Ôn, lấy cả tiết heo, 1 con dê để làm lễ. Hồi đó, Rớp còn lấy gan heo, gan dê xâu vào 2 thanh tre (gan heo cắt thành 5 hoặc 7 hay 9 miếng, không cắt chẵn) rồi để lên bàn thờ rồi khấn Yàng mình đã công thành, cầu Yàng giúp công tác thành đạt.
Vị thần này, theo quan niệm người Rơ Măm, đã phù hộ cho họ cuộc sống ấm no, hạnh phúc hàng mấy trăm năm qua. Vì vậy, dù chuyển làng đi từ xứ này đến xứ khác, dù chiến tranh loạn lạc thế nào thì người Rơ Măm cũng mang theo thần này đi theo, thờ tại nhà rông, hàng ngày cấm người vào ra. Cứ thế, người Rơ Măm cúng thần này một lần nhân dịp lúa mới theo từng năm hoặc vài ba năm cúng một lần, mỗi lần cúng kéo dài ít nhất cũng 3 ngày.
Tôi từng chứng kiến toàn bộ nghi lễ cúng thần Yàng Plut. Buổi chiều trước ngày diễn ra lễ tế chính thức, dân làng dựng 3 cây nêu lên giữa sân nhà rông để cột trâu, dê và gà vào. Trước khi dựng cây nêu, dân làng đào 3 hố nhỏ rồi rảy máu và rượu cần vào hố. Sáng hôm sau, ngày tế lễ chính thức, dân làng phải lấy máu từ tim của dê, gà trắng và trâu trắng trộn lại để cầu thần Yàng Put và bôi máu lên thân thần.
|
Việc cúng thần này hết sức cầu kỳ. Khi bôi máu, già làng A Reng ở đây làm chủ lễ tế, lấy máu trộn chung của trâu, dê và gà từ trong cái thau nhôm tắm, bôi thấm đẫm lên thân Yang Plut, miệng thì khấn Yàng hãy ăn đi, phù hộ cho dân làng no ấm, mùa vụ, gia súc sinh sôi đầy rẫy, đầy làng; dân làng khỏe mạnh không đau yếu.
Ông Phan Văn Hoàng, Phó giám đốc Sở VH-TT-DL tỉnh Kon Tum cho biết, để gặp được lễ cúng thần này rất khó. Cách đây vài năm, đơn vị đã xuất ngân sách khôi phục lại lễ cúng thần Yang Plút này.
Bình luận (0)