Túi khí bên ngoài bảo vệ xe và hành khách hoạt động ra sao?

07/08/2019 11:11 GMT+7

Túi khí bên trong ô tô vốn đã quen thuộc với chúng ta nhưng nếu túi khí được bung bên ngoài xe thì có giảm được thương vong khi xảy ra tai nạn?

Từ cuối năm 2018, hãng ZF đã từng giới thiệu về mẫu túi khí bên ngoài xe hơi đầu tiên trên thế giới. Tuy nhiên, mãi đến hôm nay, hãng này mới chính thức công bố phiên bản thực tế và video thử nghiệm của mẫu túi khí này. Kết quả thu được khá khả quan và công chúng hứa hẹn sẽ được sở hữu loại túi khí ngoài này trong tương lai gần.
Theo thống kê, chỉ tính riêng tại Đức hàng năm có gần 700 người chết vì các vụ tai nạn liên quan đến đâm từ bên hông xe. Con số này chiếm 1/3 số lượng người chết vì tai nạn giao thông nói chung. Như đã biết, ở châu Âu và Đức nói riêng, các xe hầu hết đều được trang bị túi khí đầy đủ, cả phía trước lẫn bên hông xe. Do đó, có thể thấy túi khí trong chưa phải là giải pháp tối ưu để bảo vệ hành khách khi bị tông từ bên hông.
Hãng ZF cho rằng, túi khí ngoài của họ có thể là phương pháp mới để bảo vệ an toàn cho hành khách, giúp giảm tỷ lệ thương vong đến 40%. Lý do là khi bung ra, túi khí ngoài có thể giảm thiểu độ va chạm của xe khác vào xe mình đến 30%.
Túi khí bên ngoài sẽ giúp giảm tỷ lệ thương vong đến 40%.

Nguyên tắc hoạt động của loại túi khí này là nó sẽ nổ rất nhanh trước khi va chạm để tạo một khoảng không an toàn giữa xe đâm và xe bị đâm. Để làm được điều này, ZF sẽ kết nối túi khí với hệ thống cảm biến của chiếc xe và "phát triển một thuật toán nhằm xác định vật đang đến gần có phải là va chạm hay không và khi nào thì bung túi khí". Đây cũng là thách thức lớn nhất mà hãng này phải đối mặt khi phát triển loại túi khí bên ngoài xe. Hệ thống này chỉ có khoảng 150 mili giây (bằng thời gian 1 cái chớp mắt) để quyết định xem có nên bung túi khí hay không.
Ngoài ra, dung tích túi khí bên ngoài xe cũng khá lớn, từ 280 đến 400 lít. Con số này lớn gấp 5-8 lần so với dung tích trung bình của túi khí bên trong xe. Do đó, túi khí ngoài cũng cần thời gian lâu hơn để nổ đầy. Sử dụng máy ảnh, radar cùng với các thuật toán trong phần mềm, hệ thống có thể quyết định liệu đây có phải là va chạm nguy hiểm hay không để bung túi khí. Nếu hệ thống khẳng định đây là va chạm nguy hiểm, nó sẽ nổ và bơm hơi đầy túi khí. Túi khí bên hông có kích thước mở rộng từ bên bước lên gần kính cửa sổ, ở khu vực giữa các cột A và C.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.