Tước vĩnh viễn giấy phép hành nghề tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài

21/02/2018 05:04 GMT+7

Theo UBND tỉnh Quảng Ngãi, qua kết quả điều tra, xác minh của Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng Quảng Ngãi, các tàu cá trên đã đánh bắt trái phép tại vùng biển nước ngoài.

UBND tỉnh Quảng Ngãi ngày 20.2 cho biết đã có văn bản giao Sở NN-PTNT, Chi cục Thủy sản tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh, UBND các huyện Bình Sơn, Lý Sơn triển khai thực hiện xử lý tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài.
Theo đó, đối với tàu cá mang số hiệu QNg 90518 TS (ảnh) do ông Nguyễn Văn Phú làm chủ tàu kiêm thuyền trưởng: không xem xét hỗ trợ, không cho vay vốn theo chính sách của nhà nước đối với chủ tàu cá, đồng thời tước quyền sử dụng giấy phép hành nghề khai thác thủy sản vĩnh viễn và không cho phép sang tên đổi chủ đối với tàu cá này.
Đối với tàu cá mang số hiệu QNg 90945 TS do ông Lê Thanh Quang làm chủ tàu kiêm thuyền trưởng và tàu cá QNg 96697 TS do ông Phạm Hữu Trọng làm chủ tàu kiêm thuyền trưởng: không xem xét hỗ trợ, không cho vay vốn theo chính sách của nhà nước đối với 2 chủ tàu cá; không cấp bằng thuyền trưởng, giấy phép khai thác thủy sản và không cấp phép đăng ký đóng mới tàu cá đối với ông Quang, ông Trọng. Công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng 3 tàu cá vi phạm nêu trên theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Theo UBND tỉnh Quảng Ngãi, qua kết quả điều tra, xác minh của Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng Quảng Ngãi, các tàu cá trên đã đánh bắt trái phép tại vùng biển nước ngoài.
Trong khi đó, UBND tỉnh Bình Thuận cũng vừa có công văn gửi Thường trực Tỉnh ủy báo cáo tình hình tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài. Theo đó, trong năm 2016, tỉnh có 24 tàu với 228 ngư dân bị nước ngoài bắt giữ do vi phạm đánh bắt trên biển. Năm 2017 có 10 tàu cá với 99 ngư dân bị bắt giữ. Đầu năm nay có 3 tàu với 23 ngư dân bị bắt giữ. Đáng lưu ý, đang có tình trạng một số tổ chức, cá nhân môi giới, móc nối đưa tàu cá của bà con đi đánh bắt, thu mua trái phép ở nước ngoài. Khi bị phát hiện, bắt giữ thì các tổ chức môi giới này tìm cách chuộc tàu và ngư dân về nước. Tuy nhiên, cho đến nay các cơ quan chức năng của tỉnh vẫn chưa xử lý được tổ chức hay cá nhân nào để răn đe. Bên cạnh đó, việc xử lý các tàu cá vi phạm (khi được trả về) còn nhẹ, chỉ xử phạt hành chính nên chưa đủ sức răn đe.
Để xử lý dứt điểm tình trạng nói trên, UBND tỉnh Bình Thuận kiến nghị giao Công an và Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh theo dõi, điều tra, xử lý nhằm ngăn chặn tình trạng móc nối đưa tàu cá ra nước ngoài. Đối với những chủ tàu có phương tiện bị bắt giữ thì không cho đóng mới, đăng ký mới tàu cá. Quy định tất cả tàu cá ra khơi phải gắn định vị hoạt động 24/24 giờ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.