Tươi mới chùm kịch nói về Bác Hồ

06/04/2022 06:35 GMT+7

Với chùm 3 vở kịch ngắn về Bác Hồ, Nhà hát Kịch Việt Nam đưa hình tượng Bác đến với công chúng một cách thân thuộc, gần gũi, yêu thương.

3 vở kịch, 3 màu sắc

Có tới 3 vở kịch về Bác Hồ trong chương trình nghệ thuật Tên Người sáng mãi của Nhà hát Kịch Việt Nam. 3 vở kịch là 3 câu chuyện ở 3 thời kỳ khác nhau về Bác.

Đoàn kết là sức mạnh (tác giả: Lê Trinh, đạo diễn: NSƯT Lâm Tùng) kể câu chuyện thời kỳ chống Pháp. Những chia rẽ nội bộ trong đơn vị bộ đội; sự đối lập giữa tính nghiêm minh và lòng trắc ẩn, vị tha đã được Bác “dàn hòa”. Từ đó, những cá nhân đơn lẻ tìm thấy con đường hòa vào cuộc chiến đấu chung. Vở kịch của Lâm Tùng có màu sắc khá cổ điển. Ở đó, những mảng màu xanh cỏ tràn sân khấu qua trang phục của người lính. Các nhân vật đều nghiêm túc, theo đuổi lý tưởng riêng của mình. Sự nghiêm ngắn đó khiến công chúng thấu hiểu nhân vật, kể cả những sai lầm của họ hơn.

Câu chuyện Bác Hồ với thương binh hỏng mắt

Đôi mắt sáng (tác giả: Thiên Ân, đạo diễn: NSƯT Tạ Tuấn Minh) lại kể câu chuyện hậu chiến, khi người chiến sĩ trở về mù lòa tự cô lập mình, từ chối tình yêu cuộc sống. Và cảm hứng sống của anh đã trở lại sau lần gặp Bác.

Trong vở diễn, Tạ Tuấn Minh có những mảng miếng chuyển cảnh khá thoáng tay. Các nhân vật khi di chuyển trên sân khấu cũng tạo ra các hiệu ứng đội hình đẹp mắt. Điều này cho thấy khả năng “quản lý” không gian của anh, vốn đã được tán thưởng trong vở Người tốt nhà số 5. Đặc biệt, những câu chuyện riêng tư của người lính được thể hiện vừa giàu chất tiếu lâm vừa nhân văn. Kể về những đau đớn, thậm chí là tận cùng như mất khả năng làm bố, nhưng chuyện kịch và cách dàn dựng vẫn cho thấy sự lạc quan, chia sẻ.

Bác Hồ và mùa xuân (tác giả: Lê Trinh, đạo diễn: NSƯT Bùi Phương Nga) lại cho thấy quan điểm thân dân, việc Bác quan tâm đến đời sống người nghèo… Vở diễn cũng thể hiện những quan sát giàu tính nữ của đạo diễn Bùi Phương Nga với trẻ nhỏ. Nhờ đó, các chi tiết, cách thể hiện về cái nghèo đói của những đứa trẻ, sự chịu thương chịu khó của người phụ nữ lao động nghèo dễ khiến người xem đồng cảm.

Hình tượng Bác Hồ trong vở Đoàn kết là sức mạnh

Nhà hát Kịch Việt Nam

Thế hệ diễn viên mới đóng Bác Hồ

Với chùm kịch nói này, Nhà hát Kịch Việt Nam có thể yên tâm với một thế hệ diễn viên mới vào vai Bác Hồ. NSƯT Xuân Bắc, Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam, cũng là người chỉ đạo nghệ thuật chương trình, cho biết hiện nhà hát có 2 diễn viên vào vai Hồ Chủ tịch. Nếu như Minh Hải đã từng ghi dấu trong Đêm trắng thì giờ đây nhà hát có thêm nghệ sĩ trẻ Quang Đạo. “Tất nhiên, mới vào vai một lãnh tụ vĩ đại như vậy các bạn sẽ còn bỡ ngỡ, nhưng tôi tin với tình yêu dành cho Chủ tịch Hồ Chí Minh, các bạn vẫn mang lại nhiều cảm xúc. Mọi người sẽ nhìn thấy hình ảnh rất đỗi thân thuộc, yêu thương, khắc sâu trong tim mỗi người dân Việt Nam. Hình ảnh đấy có trong ta từ nhỏ bởi được đã nghe nhiều câu chuyện về Bác, khi đã hát lên những bài hát Ai yêu Bác Hồ Chí Minh hơn thiếu niên nhi đồng, Đêm qua em mơ gặp Bác Hồ…”, ông Bắc nói.

Một điểm thú vị của vở diễn Bác Hồ và mùa xuân là sự tham gia của những diễn viên nhí. Các em Tạ Vũ Phong, Lê Hà An đều là con em của nghệ sĩ trong nhà hát. Nét diễn của cả hai duyên dáng, tươi trẻ và rất sáng sân khấu.

Hình ảnh Bác Hồ với thiếu nhi được tái hiện trên sân khấu

Cũng theo NSƯT Xuân Bắc, mỗi câu chuyện đều có thể diễn ra một cách độc lập. Ông cho biết, thời gian qua nhiều đơn vị, nhiều cơ quan, tỉnh thành đề nghị nhà hát cho họ xem kịch về Bác Hồ. “Họ muốn xem, giới thiệu cho cán bộ, nhân viên, công nhân viên, sinh viên, các cháu nhỏ về hình tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nhưng mang các vở lớn như Đêm trắng thì có nhiều khó khăn về con người, di chuyển, kinh phí. Chính vì vậy, Nhà hát Kịch Việt Nam quyết định dựng 3 kịch ngắn về Chủ tịch Hồ Chí Minh để trong bất kỳ hoàn cảnh nào, chúng tôi cũng có thể mang những câu chuyện về Bác đến với khán giả khắp mọi miền”, ông Bắc chia sẻ.

NSƯT Xuân Bắc cũng cho biết, một trong những đề nghị đó đến từ châu Âu. “Kiều bào, đặc biệt là cộng đồng người dân Nghệ An, Hà Tĩnh ở châu Âu, rất muốn xem kịch về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Chúng tôi cũng chuẩn bị vở để giao lưu với đồng bào ở Thái Lan. Sắp tới, chúng tôi sẽ biểu diễn cho các địa phương và cả ở nước ngoài”, ông Bắc nói.

Ông Bắc cũng tiết lộ, có những vở kịch về Bác diễn cho đồng bào khiến người xem xúc động không nguôi. “Có người nói: 'Xem diễn trên sân khấu, chị mới hiểu chị yêu Bác đến nhường nào'. Rồi có cháu nhỏ bảo: 'Chú ơi, Bác Hồ thật phải không ạ?'. Trong ánh mắt mọi người, tôi thấy sự tự hào, niềm tin yêu. Trước mắt, tôi mong muốn mọi người đến nhà hát xem, để thấy được dù một phần nào hình ảnh Bác với những câu chuyện thân thương”, ông Bắc chia sẻ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.