(TNO) Những câu chuyện về tuổi thơ và gia đình Nguyễn Cao Kỳ vừa được một người cháu ông Kỳ tiết lộ.
Ông Nguyễn Cao Kỳ (thứ 2 từ trái sang) trong một lần về thăm Việt Nam được nguyên Chủ tịch Ủy ban T.Ư Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Phạm Thế Duyệt đón tiếp - Ảnh tư liệu
|
“Ông Nguyễn Cao Kỳ ngày nhỏ nghịch ghê lắm”
Giữa phố Ngô Quyền, thị xã Sơn Tây khang trang, sầm uất, lọt thỏm một căn nhà số 51 cũ kỹ.
Căn nhà cấp 4, rộng chừng 13 mét vuông, một bàn thờ đặt chính giữa, đồ đạc khá nhiều, mọi thứ được phủ lớp bụi mờ, dù gia chủ đã cố gắng xếp đặt ngăn nắp trên nền gạch cổ.
“Ông Kỳ không sinh ra ở đây nhưng từ nhỏ đã sống ngôi nhà này. Bố mẹ tôi kể lại, hồi nhỏ ông Kỳ nghịch ngợm ghê lắm, những trò đùa nghịch của ông Kỳ không giống ai, thế nên ông Kỳ được đưa sang đây, nhà bác ruột của ông Kỳ, để ông chơi với các anh chị cho đỡ nghịch”, bà Nguyễn Thị Tâm vừa rót nước lá vối mời khách, vừa thủng thẳng kể.
Chỉ lên bàn thờ tổ tiên, ở vị trí trên cùng là bức ảnh một cụ ông đội mũ cánh chuồn, một cụ bà vấn tóc, bà Tâm cho biết: “Đó là ông bà nội của ông Nguyễn Cao Kỳ. Mọi người trong làng còn gọi là cụ Thương ông, cụ Thương bà. Cụ Thương bà tên là Phạm Thị Tá. Hai cụ này đẻ ra ông nội tôi, bố của ông Nguyễn Cao Kỳ, và út là ông Tư Đễ”, bà Tâm nói.
“Vậy cha mẹ ông Nguyễn Cao Kỳ sinh ông ấy ở đâu?”, chúng tôi hỏi bà Nguyễn Thị Tâm. Đáp lại là một cái lắc đầu và cái nhìn xa xăm ra giàn trầu không xanh mướt trước mặt: “Tôi không nhớ nữa, chỉ biết cha mẹ ông Nguyễn Cao Kỳ cũng ở một ngôi nhà ở Sơn Tây”.
Bức ảnh thờ cụ ông Nguyễn Cao Côn (bên phải) và cụ bà Phạm Thị Tá, là ông bà nội của ông Nguyễn Cao Kỳ, tại ngôi nhà số 51 Ngô Quyền, thị xã Sơn Tây - Ảnh: Lê Nam
|
“Ông Kỳ ở đây từ nhỏ cho đến khi lớn thì vào nội thành Hà Nội học, rồi vào Sài Gòn, đó là những gì chúng tôi còn nhớ từ lời cha mẹ”, bà Tâm tiếp lời.
Theo lời bà Tâm, căn nhà nơi chúng tôi đang đứng chỉ là một phần của ngôi nhà đồ sộ trước đây mà ông Nguyễn Cao Kỳ từng ở hồi thơ bé. Gian nhà này nằm tổng thể trong một khu nhà rất lớn trải dài từ mặt phố Ngô Quyền, kéo sâu vào bên trong chừng 30 m, gồm nhà chính, nhà bếp, nhà cho người giúp việc, các công trình vệ sinh. Trải qua biến cố thời gian, một phần trong ngôi nhà được cắt ra, cho một người khác ở.
Những năm chống Pháp, vì mục đích tiêu thổ kháng chiến, gian nhà ở và thờ gia tiên ở chính giữa bị đập bỏ toàn bộ phần mái, tường. Gia đình bà Tâm ở trong khu nhà bếp phía sau.
Bà Nguyễn Thị Tâm, cháu gọi ông Nguyễn Cao Kỳ bằng chú (ông nội của bà Nguyễn Thị Tâm là anh trai của bố ông Nguyễn Cao Kỳ) - Ảnh: Lê Nam
|
Tới năm 1994, bà Tâm có kinh phí phục dựng nền ngôi nhà cũ để làm nơi thờ tổ tiên, trong đó có thờ phụng ông bà nội của ông Nguyễn Cao Kỳ. Nơi đây vẫn giữ được nền móng và những viên gạch cổ từ ngày ông Nguyễn Cao Kỳ còn tấm bé.
Hiện tại, ở khu bếp của căn nhà số 51 Ngô Quyền vẫn còn nguyên kiến trúc ngôi nhà cổ từ thời ông Nguyễn Cao Kỳ sống hồi nhỏ. Đó là mái nhà bếp thấp lúp xúp, bể nước mái vòm, sân gạch rêu phong, cây hồng xiêm cổ thụ, những cánh cửa gỗ tuổi đời hơn trăm năm.
“Chưa từng thấy ông Nguyễn Cao Kỳ vào thăm căn nhà này”
Căn nhà số 51 phố Ngô Quyền, thị xã Sơn Tây, nơi ông Nguyễn Cao Kỳ đã trải qua tuổi thơ, trước khi rời vào trường Bưởi (nay là trường Chu Văn An), sau đó vào Sài Gòn - Ảnh: Thúy Hằng
|
“Tôi nhớ duy nhất một lần, khoảng những năm 2000 gì đó, ông Kỳ về thăm Sơn Tây. Ông ấy đi xe ô tô qua đường lớn La Thành để vào thắp hương trong chùa Mía, trong làng cổ Đường Lâm, lúc về đi theo đường Ngô Quyền. Ông Kỳ đứng trước căn nhà số 51 này một lúc, lặng nhìn vào bên trong căn nhà nhưng không vào. Hai bên đường Ngô Quyền rất đông người dân hiếu kỳ và công an đứng dõi theo ông”, bà Tâm kể lại.
Cũng theo bà Tâm, sau đó vài năm, có một người phụ nữ người nước ngoài, mắt xanh, da trắng tới ngôi nhà số 51 này nhưng không vào, chỉ đứng ngoài cửa, lúc đó khoảng 19 giờ. “Người phiên dịch nói bà ấy muốn đón anh Đăng, là bố đẻ tôi về nuôi báo hiếu cho cha mẹ, nhưng lúc đó bố tôi chết rồi. Tôi cũng không rõ đó là ai, ngờ ngợ đó là bà vợ sau cùng của ông Nguyễn Cao Kỳ”, bà Tâm kể.
Bàn thờ tổ tiên trong căn nhà số 51 Ngô Quyền, nơi đây thờ phụng ông bà nội của ông Nguyễn Cao Kỳ - Ảnh: Lê Nam
Khu nhà bếp của nhà 51 Ngô Quyền, nơi đây vẫn giữ gần như nguyên vẹn kiến trúc từ những năm ông Nguyễn Cao Kỳ còn sống ở Sơn Tây - Ảnh: Lê Nam
|
“Còn con gái ông Nguyễn Cao Kỳ với bà vợ thứ 2, chị Nguyễn Cao Kỳ Duyên có bao giờ ghé thăm gia đình mình không?”, chúng tôi hỏi bà Tâm. “Không hề”, người phụ nữ đáp lại.
Rồi người phụ nữ chia sẻ thật lòng, bà chưa từng gặp Nguyễn Cao Kỳ Duyên (người gọi mình bằng chị theo vai vế trong họ hàng) một lần nào ngoài đời, dù biết tin bây giờ cô đã là một MC nổi tiếng, rất thành công ở hải ngoại.
"Cô Duyên từng gọi Chiến, con trai tôi tới nơi cô tổ chức sự kiện tại Hà Nội, Chiến ra đến nơi thì bảo vệ không cho cháu vào gặp cô vì không tin một cậu sinh viên làng nhàng lại là cháu của MC nổi tiếng. Vé vào cửa sự kiện ấy nghe chừng vài triệu một chiếc. Chiến có gọi điện thoại cho cô, nhưng chắc bận quá, cô không ra đón cháu được, thế là Chiến lại lủi thủi ra về”, bà Tâm thở dài.
Bà Nguyễn Thị Tâm, 56 tuổi, không biết đi xe đạp, không thể tự bấm số điện thoại vì mắt kém, chân tay ngày càng yếu đi do bị tai nạn, ngày ngày phải mưu sinh bằng gánh rau, vại dưa cà. Ít ai có thể ngờ rằng, người gọi ông Nguyễn Cao Kỳ bằng chú đang có một cuộc sống khốn khó trong chính mái nhà mà từ đây, gần 80 năm trước, ông Nguyễn Cao Kỳ đã ra đi…
Theo tư liệu lịch sử có ghi lại, ông nội ông Nguyễn Cao Kỳ tên là ông Nguyễn Cao Côn, làm tới chức thương tá (thương biện, hay thương tá tỉnh vụ) tỉnh Sơn Tây. Bố ông Nguyễn Cao Kỳ là Nguyễn Cao Hiếu, làm nghề thầy giáo, sinh được 4 người con, trong đó ông Nguyễn Cao Kỳ là con trai duy nhất.
Trong cuốn hồi ký của mình mang tên Đứa con cầu tự (tên nguyên bản tiếng Anh là “Buddha’s child: My fight to save Vietnam” do Nhà xuất bản St.Martin’s Press phát hành năm 2002), ông Nguyễn Cao Kỳ viết: “As the only boy among four sisters, I was treated like a little prince and allowed to do whatever I pleased. My three older sisters tell me that when I was a toddler, the only thing that would make me stop crying and smile was to let me smash a dish or a glass against the floor” (Tạm dịch: Là cậu bé duy nhất trong 4 chị em, tôi được cưng chiều như một hoàng tử và được phép làm bất cứ thứ gì mình muốn. Ba người chị của tôi từng kể với tôi rằng, khi tôi chập chững biết đi, điều duy nhất khiến tôi ngừng khóc và nở nụ cười là để tôi ném vỡ chiếc đĩa xuống sàn nhà).
Như vậy, chiểu theo những thông tin được cung cấp bởi gia đình bà Nguyễn Thị Tâm, có thể thấy khá trùng khớp.
|
Bình luận (0)