Ngày tôi còn bé, lúc chưa có điện thì mọi việc giặt giũ, cơm nước bà đều một tay bà lo liệu. Mà để có nước xài, bà phải quay từ giếng sâu lên mới có mà dùng. Năm đứa cháu nhỏ mà bố mẹ ngày nào cũng đi làm đến chiều tối mới về, đồ đạc đều một tay bà giặt. Ngày nào bà cũng phải vất vả quay lên đủ hai thùng phi đầy nước sinh hoạt và một lu nước ăn nữa thì mới yên tâm.
Giếng nước ở Tây Nguyên không phải như cái giếng khơi ở quê, chỉ việc buông một đoạn gàu là kéo được nước lên. Giếng nhà tôi sâu đến 24 - 25m nên cái tay quay nước vừa to, vừa nặng, mỗi khi kéo được cái thùng nước được gò tôn lên bà miệng giếng, bà đều phải dừng lại để thở một...hồi lâu, rồi mới xách thùng lên đổ vào thùng phi.
Bà dạy chúng tôi tiết kiệm đúng lúc, đúng chỗ
Nhìn bà vất vả quay từng thùng nước, anh em tôi đều tự động không dùng phung phí. Nước giặt đồ dùng lần một, dành lần hai dùng để quét chuồng heo. Nước giặt đồ cuối cùng trước khi mang đi phơi thì trữ lại trong thau để rửa tay chân sau khi nghịch đất cát, rồi mới rửa tráng lại một lần bằng một ca nước sạch. Nước vo gạo lần một để dành tưới cây, nước lần hai, lần ba là để rửa rau. Nước rửa rau lần ba thì để lại ngâm chén, rửa chén lần đầu. Cứ như vậy vòng tuần hoàn của nước sẽ được tiết kiệm rất nhiều.
Đến ngày có điện, sau khi mua các thiết bị để thắp sáng bố tôi sắm ngay cái máy bơm nước mặc cho bấy giờ chúng tôi đã lớn và có thể giúp bà quay nước được. Bà trầm trồ khi thấy điện sáng, khi thấy hai cái phi lớn không cần quay cả tiếng mới đầy nước nữa mà chỉ việc bơm mấy phút đã xong mà mừng vui.
Đến cả điện thoại để gọi được cho người ở tít ngoài quê cũng khiến bà tấm tắc mãi, thế nên mới có chuyện vui là tôi đi học trên phố cả tuần, chỉ còn được 2.000 đồng tôi đi gọi điện thoại về cho bố lên đón. Cả nhà đi vắng, bà thấy chuông điện thoại reo mãi, sợ người gọi tốn tiền điện, bà vào cầm điện thoại nói một mạch: "A lô, cả nhà đi vắng hết rồi. Chỉ còn mình tôi, tôi điếc lắm, không nghe được đâu".
Cũng nhờ có bà mà cả nhà tập thành thói quen tiết kiệm điện, ra khỏi nhà là tắt điện, về nhà mới mở. Mùa nóng, bà vẫn có thói quen lấy cái mo cau làm quạt để quạt cho các cháu chứ không hở tí là dùng đến điện, nước phải bơm cũng nhờ mẹo sử dụng nước của bà mà ít phải mở máy bơm.
Nên so với các nhà khác trong xóm, nhà tôi mặc dầu đông người nhưng tiền điện có tháng ít hơn, có tháng bằng gia đình chỉ có hai vợ chồng cùng hai đứa con sử dụng. Chính cái hóa đơn này đã khiến nhân viên điện lực nghi ngờ, hàng xóm cũng thắc mắc, vì một gia đình 8 người, chi phí điện nước sao lại có thể thấp như thế được. Nhưng khi nhìn thấy cách sống tiết kiệm của bà, mọi người đều phải thán phục, bởi bà dạy chúng tôi tiết kiệm đúng lúc, đúng chỗ, không nên hoang phí, tiền dư dôi ra đó là tiền để giúp đỡ người khác.
Có lẽ nhờ cái tuổi thơ lớn lên cùng bà đó đã khiến tôi tự mình hình thành nếp sống tiết kiệm, những việc không cần thiết đến điện thì không cần mở. Hoặc mỗi khi nấu cơm, có thể hấp, ghế thêm một số rau củ hoặc thịt luộc cho vừa đỡ tốn ga, vừa tiết kiệm công nấu ăn.
Đến cả con gái bé của tôi cũng biết mỗi lần ra ngoài là nhắc mẹ đóng cửa tắt điện, khiến nhiều người trầm trồ khen ngợi. Mọi người không ai biết rằng đó đã là một nếp sống quen thuộc của gia đình tôi có được là nhờ bà, dù khi tôi viết bài này dự thi này lại nước mắt lưng tròng, vì bà của tôi đã đi xa…
99 triệu đồng và quà tặng cho Cuộc thi viết "Tiết kiệm điện thành thói quen":
Cuộc thi viết "Tiết kiệm điện thành thói quen" do Báo Thanh Niên và Tổng Công ty Điện lực TP.HCM tổ chức, là nơi để độc giả chia sẻ kinh nghiệm, giải pháp về việc tiết kiệm điện, tạo thói quen sử dụng điện tiết kiệm trong gia đình, trong các cơ quan chính quyền và doanh nghiệp.
Cuộc thi viết về các cá nhân và các tổ chức, doanh nghiệp với tổng giá trị giải thưởng là 99 triệu đồng và quà tặng. Bài dự thi gửi qua email của chương trình: [email protected] hoặc gửi bằng đường bưu điện về Tòa soạn Báo Thanh Niên: 268 - 270 Nguyễn Đình Chiểu, P.Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM (ghi rõ: Bài viết tham dự cuộc thi "Tiết kiệm điện thành thói quen"). Thời hạn nhận tác phẩm dự thi từ ngày 1.6 - 31.8.2023. (Bài viết dự thi đăng báo sẽ được vào vòng trong và không chấm nhuận bút).
Thể lệ chi tiết được đăng tải trên trang thanhnien.vn.
Bình luận (0)