Tuổi thơ của Đoàn Văn Kiên (22 tuổi, sinh viên Trường ĐH Tài chính - Marketing TP.HCM) là tháng ngày sống trong ngôi nhà được chắp vá lại từ ván mục, cột nhà lỏng lẻo chực chờ sụp xuống bất cứ lúc nào, nền đất lại gần biển nên nước lớn thì chỉ còn cảnh tan hoang.
Tự chủ tài chính sau 3 tháng làm việc
Đó là ngôi nhà tạm bợ mà bố mẹ Kiên chắt chiu mua lại sau khi bán căn nhà cũ để có tiền chạy chữa cho bố Kiên trong thời gian dài ông nằm ở bệnh viện. Lúc đó, bốn chị em Kiên phải sống nhờ nhà ông bà.
Khi Kiên vào ĐH, bố theo lên Sài Gòn để làm bảo vệ, người mẹ ở nhà xin làm công nhân trong lò gạch. Bố mẹ Kiên vẫn khắc khổ mấy chục năm dù làm lụng ngày đêm.
Thế là, anh quyết định vay gói đăng ký hỗ trợ sinh viên ở trường, lấy đó làm vốn mua khô gà ký về, ngày ngày bỏ bịch rồi tối đem ra các quán nhậu ở Q.Tân Bình (TP.HCM) để bán.
22 tuổi, Kiên có một mức lương mà nhiều người mơ ước |
NVCC |
Sau 3 tháng, Kiên tự chủ được tài chính. Cậu sinh viên năm nhất nhận ra khả năng bán hàng của mình nên quyết định tìm công việc khác tốt hơn. Kiên gửi hồ sơ xin việc khắp nơi, may mắn mỉm cười khi một công ty nước ngoài chuyên về thiết bị nha khoa mời anh đến phỏng vấn.
Kiên được đào tạo về sản phẩm, gặp gỡ bác sĩ để học hỏi thêm. Dần dà, anh hiểu rõ và nắm các kỹ năng và kiến thức. Từ đó, anh bắt đầu đi thâm nhập thị trường.
“Để gặp được giám đốc hay lãnh đạo của một bệnh viện, phòng khám nha khoa là hành trình rất khó. Tôi phải qua được rất nhiều ải từ bảo vệ, lễ tân, phụ tá, bác sĩ phụ… Chưa kể nếu may mắn gặp được, thuyết phục thế nào để bác sĩ đồng ý sử dụng sản phẩm của mình”, Kiên kể.
Kiên chụp ảnh cùng ThS-BS CKII Lê Trung Chánh - Giám đốc Bệnh viện Răng Hàm Mặt T.Ư TP. HCM |
NVCC |
Thế là ngày nào anh cũng đến các phòng khám nha khoa, bệnh viện và chờ. Thương cho sự cần cù, chịu khó của Kiên nên giám đốc một phòng khám nha khoa có tiếng ở Q.1 (TP.HCM) đã quyết định ký hợp đồng.
Lần đầu tiên cầm trên tay hợp đồng 300 triệu, anh vỡ òa xúc động và sau đó là chuỗi hợp đồng với bệnh viện, phòng khám nha khoa lớn nhỏ khắp TP.HCM. Lúc này, mức lương và hoa hồng của Kiên là một con số không phải ở tuổi 19 ai cũng có được, hơn 50 triệu đồng/tháng.
Sau 6 tháng làm việc, Kiên trở thành đại diện kinh doanh của công ty, được cử đi công tác khắp tỉnh thành Việt Nam, sang Hàn Quốc để đào tạo nâng cao tay nghề… Anh còn được mời đến dự những hội nghị lớn, gặp gỡ những cái tên “sừng sỏ” trong giới, giúp mở rộng mối quan hệ đối tác.
Nỗ lực vì gia đình
“Đó là hành trình khó khăn nhưng tôi không bao giờ nghĩ đến chuyện từ bỏ vì muốn bố mẹ có cuộc sống tốt hơn. Chỉ cần gia đình được sống hạnh phúc, tôi làm bao nhiêu việc cũng được. Phòng khám nha khoa, bệnh viện nào cũng có dấu chân của tôi. Cực khổ là có nhưng thành quả nhận được xứng đáng công sức bỏ ra”, anh nói.
Khi mới chập chững vào TP.HCM ở tuổi 19, anh cũng đã tìm đến với các sự kiện dạy về kinh doanh và khởi nghiệp như tham gia hội thảo của chương trình Shark Tank, chuẩn bị hồ sơ, thậm chí đăng ký bản quyền tên sản phẩm để sau này khởi nghiệp thoát nghèo.
Với mức lương tốt, bạn bè thắc mắc vì sao Kiên không nghỉ học để chú tâm vào làm việc, nhưng anh chưa bao giờ muốn từ bỏ con đường học tập.
Để vừa học vừa làm, cứ mỗi khi bắt đầu một môn học, Kiên sẽ lên xin phép và trình bày hoàn cảnh với giảng viên. “Khi nghe tôi nói mình là trụ cột chính trong gia đình, thầy cô ai cũng thương và tạo điều kiện nhiều lắm”, anh kể.
Kiên xin bài giảng rồi tự mày mò học, không hiểu thì hỏi bạn bè, thầy cô. Đến ngày thi sẽ có mặt để thi cùng mọi người. Vậy mà chàng sinh viên không chỉ hoàn thành tốt mà còn nhận được bằng khen của trường hồi năm nhất.
Kiên (ở giữa) nỗ lực mỗi ngày trong 4 năm qua |
nvcc |
Năm 2020, Kiên nghỉ việc ở công ty và chuyển sang làm vị trí trợ lý cho lãnh đạo với mức lương cứng khá cao. Công việc mới không còn áp lực về doanh số nên anh chú tâm vào học tập nhiều hơn.
Với vốn kiến thức sâu, Kiên sẵn sàng chia sẻ với đồng nghiệp của mình |
NVCC |
Từng sống nghèo khó nên khi có thu nhập ổn định, Kiên hay tổ chức phát cơm từ thiện mỗi tháng một lần ở TP.HCM. Còn ở quê, cứ mỗi dịp tết và rằm tháng 7, anh lại tìm đến những người có hoàn cảnh khó khăn để giúp đỡ.
Nói về tương lai, chàng sinh viên 9X mong muốn khi đủ “chín muồi” về tài chính, độ tuổi và kinh nghiệm thì sẽ mở một thương hiệu cho riêng mình.
Bình luận (0)