Tuổi thơ nhọc nhằn: Mệnh lệnh của trái tim

04/06/2021 06:41 GMT+7

Lao động trẻ em là vấn đề nhức nhối của toàn cầu, trong đó có Việt Nam. LHQ đã thông qua nghị quyết lấy năm 2021 là Năm Quốc tế về xóa bỏ lao động trẻ em.

Theo Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), tuy tỷ lệ đã giảm 38% trong thập niên qua nhưng hiện vẫn còn tới 152 triệu lao động trẻ em (LĐTE) trên thế giới. Đặc biệt, ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 khiến tình hình LĐTE trở nên tồi tệ hơn và Việt Nam không là ngoại lệ.

Lao động trẻ em ở Việt Nam

Điều tra Quốc gia về LĐTE lần thứ hai do Bộ LĐ-TB-XH phối hợp Tổng cục Thống kê với sự hỗ trợ kỹ thuật của ILO đã được tiến hành từ năm 2018. Kết quả công bố vào tháng 12.2020 cho thấy tỷ lệ LĐTE tại Việt Nam thấp hơn khoảng 2% so với tỷ lệ trung bình của khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Tuy nhiên, vẫn có 58,8% số trẻ tham gia làm việc là LĐTE. Các em phải làm các công việc trái pháp luật so với độ tuổi, hay quá số giờ được phép làm hoặc do tính chất công việc. LĐTE bao gồm những công việc gây tổn hại đến thể chất, tinh thần, cản trở việc học hành, tác động tiêu cực đến sự phát triển của trẻ. LĐTE tại Việt Nam cũng đồng nhất với xu hướng chung trên toàn cầu.
Theo đó, 84% LĐTE tập trung ở vùng nông thôn và hơn một nửa số đó làm việc trong khu vực nông, lâm, ngư nghiệp. Khu vực khác có nhiều LĐTE gồm dịch vụ, công nghiệp và xây dựng. Khoảng 40,5% số trẻ em phải làm việc trong hộ gia đình không được trả lương. Cuộc điều tra nói trên còn xác định khoảng 5,3% tổng số trẻ em và người chưa thành niên trong độ tuổi từ 5 - 17 là LĐTE, tương đương với hơn 1 triệu trẻ. Trong đó, có hơn một nửa phải làm việc trong những điều kiện nặng nhọc, độc hại nguy hiểm.
Đặc biệt, cũng như tình hình ở nhiều quốc gia hiện nay, LĐTE tại Việt Nam chịu tác động mạnh từ đại dịch Covid-19. Trong thông cáo ngày 18.12.2020, ILO nhận định kết quả của cuộc điều tra quốc gia về LĐTE lần thứ hai cho thấy những tín hiệu tiến triển tích cực từ năm 2012 - 2018. Tuy nhiên, LĐTE hiện vẫn tiềm ẩn nguy cơ gia tăng trở lại do tác động của đại dịch đến kinh tế - xã hội.
Hiện nay, ở Việt Nam và trên thế giới, nhiều gia đình buộc phải sử dụng LĐTE như một phương sách để đối phó tình trạng Việt Nam có thể bị ảnh hưởng bởi đại dịch. Trong khi đó, UNICEF quan ngại ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy nhiều trẻ em đã không đi học lại khi các trường mở cửa trở lại vào tháng 5.2020.
Tuổi thơ nhọc nhằn: Mệnh lệnh của trái tim1

Cần chú trọng hơn hoạt động truyền thông về quyền trẻ em

Cần hành động tức thì

2021 được chọn là Năm Quốc tế về xóa bỏ LĐTE nhằm kêu gọi các chính phủ triển khai hành động cần thiết để thực hiện mục tiêu Phát triển bền vững (SDG) 8.7 của LHQ. Mục tiêu 8.7 kêu gọi các quốc gia thành viên triển khai các biện pháp tức thì và hiệu quả nhằm xóa bỏ lao động cưỡng bức, chấm dứt nô lệ thời hiện đại và buôn bán người, nghiêm cấm và xóa bỏ các hình thức LĐTE tồi tệ nhất, tiến tới chấm dứt LĐTE dưới mọi hình thức vào năm 2025.
ILO cũng khởi xướng Ngày thế giới phòng chống LĐTE của năm nay với thông điệp Act now End child labour được Việt hóa là Hãy hành động ngay bây giờ để chấm dứt lao động trẻ em cũng như Tuần lễ hành động nhằm chấm dứt LĐTE kéo dài từ ngày 10 - 16.6.2021.
Tại buổi lễ phát động trực tuyến Năm Quốc tế xóa bỏ LĐTE vào ngày 21.1.2021, ông Guy Ryder, Tổng giám đốc ILO, phát biểu: “Xã hội này không có chỗ cho LĐTE tồn tại. LĐTE cướp đi tương lai của trẻ và đẩy gia đình vào cảnh đói nghèo. Năm Quốc tế về xóa bỏ LĐTE là cơ hội để các chính phủ tăng cường hoạt động nhằm đạt được mục tiêu Phát triển bền vững (SDG) 8.7 thông qua những hành động cụ thể nhằm xóa bỏ LĐTE. Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang đe dọa những thành tựu đã đạt được trong nhiều năm qua, giờ đây, hơn lúc nào hết, chúng ta cần đưa ra những cam kết của mình”.
Tại nước ta, mặc dù có nhiều tiến bộ trong việc giảm thiểu LĐTE, nhưng đây vẫn còn là câu chuyện nhức nhối. Hầu hết các tỉnh thành, từ vùng sâu vùng xa cho đến những từ thành phố lớn, LĐTE vẫn tồn tại. Đặc biệt, trẻ em ở những vùng quê nghèo phải lao động vất vả mưu sinh còn khá phổ biến. Nếu không “triển khai các biện pháp tức thì và hiệu quả” như lời kêu gọi của LHQ thì mốc thời gian “chấm dứt LĐTE dưới mọi hình thức vào năm 2025” của tổ chức này đưa ra sẽ rất khó đạt được với nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam.
Theo UNICEF, hành động hiệu quả để chống lại LĐTE trong bối cảnh hiện tại đòi hỏi trẻ em ở các gia đình nghèo phải được đặt vào trung tâm của các kế hoạch bảo trợ xã hội ứng phó Covid-19 cũng như hồi phục sau dịch. Ngoài ra, Việt Nam là một trong những quốc gia tiên phong cam kết hành động để chống lại LĐTE.
Trong đó, Dự án mang tên ENHANCE đã, đang làm việc và hỗ trợ cùng nhiều đối tác, tổ chức liên quan từ trung ương đến địa phương nhằm thực hiện các hành động, sáng kiến trong phòng ngừa và giảm thiểu LĐTE. Theo tìm hiểu, Bộ LĐ-TB-XH cùng các bộ, ngành có liên quan đã và đang nghiên cứu xây dựng kế hoạch lộ trình giảm thiểu LĐTE đến năm 2025 và 2030.
“Chúng ta hãy cùng nỗ lực hành động, đặc biệt trong năm 2021 là Năm quốc tế về xóa bỏ LĐTE, để đại dịch Covid-19 không thể cản trở các quốc gia hướng đến việc hoàn thành các mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030, đặc biệt trong đó có mục tiêu 8.7”, ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ LĐ-TB-XH), chia sẻ.
Trẻ em mắc kẹt trong LĐTE bị tước mất tuổi thơ, sức khỏe bị tổn hại, mất cơ hội thoát nghèo và phải đối mặt với nhiều nguy cơ hơn. Khi bỏ học, các em có thể kiếm được một khoản nhỏ nhưng có thể đói nghèo cả đời... UNICEF tin rằng hành động hiệu quả để chống lại LĐTE trong bối cảnh hiện tại đòi hỏi trẻ em ở các gia đình nghèo phải được đặt vào trung tâm của các kế hoạch bảo trợ xã hội ứng phó và hồi phục Covid-19, và bảo vệ trẻ em cần được ưu tiên, chính quyền địa phương cần tìm cách đưa các em trở lại trường.
Rana Flowers, Trưởng đại diện UNICEF tại Việt Nam
Việt Nam đã ban hành các văn bản pháp luật nhằm bảo vệ quyền lợi của trẻ em, xóa bỏ nạn LĐTE, nhưng thực thi vẫn còn nhiều vướng mắc như: thiếu quy định, chế tài cụ thể hoặc chưa đủ răn đe trong công tác phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý. Chưa có quy định cụ thể ràng buộc rõ quyền hạn và trách nhiệm của chủ thể quản lý, cơ quan nhà nước, các tổ chức xã hội, cá nhân và gia đình trong việc quan tâm chăm sóc trẻ em, xóa bỏ các tệ nạn LĐTE nói riêng. Thiếu những quy định về cơ chế phát hiện, tố giác, xử lý vi phạm LĐTE. Các quy định pháp luật còn nằm rải rác tại các văn bản pháp luật và dưới luật. Các cơ cấu tổ chức, các thủ tục và quy trình phòng ngừa, trợ giúp và giải quyết các trường hợp LĐTE chưa được quy định cụ thể tại các văn bản pháp luật hiện hành. Hoạt động truyền thông nhằm nâng cao nhận thức, hành vi của cộng đồng về LĐTE chưa hiệu quả.
Luật sư Hà Hải - Phó chủ nhiệm Đoàn luật sư TP.HCM
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.