Tuổi thơ 'siêu quậy' của nam sinh có điểm thi lịch sử cao nhất TP.HCM

16/07/2018 07:28 GMT+7

Nhìn vào thành tích học tập và hoạt động xã hội của Trần Ngọc Minh Đức, học sinh Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa (TP.HCM), ít ai ngờ nam sinh này từng có một tuổi thơ "siêu quậy" và "khó dạy".

“Ngày nhỏ Đức nghịch kinh khủng, bất cứ đồ đạc nào trong nhà cũng có thể bị phá phách bởi không lúc nào Đức cho chân tay nghỉ ngơi. Ai ở gần cùng cảm thấy lo sợ vì dễ bị Đức xông vào “tung chưởng” đau điếng cả người. Bà ngoại Đức có lần ốm yếu, đang nằm nghỉ ngơi thì bị thằng cháu cầm quả táo tây to tướng, đấm thẳng vào miệng bảo “bà ăn đi”. Còn ông ngoại Đức đang làm việc mà thấy Đức lại gần, là cầm roi đuổi như đuổi mèo vì sợ cháu phá”, chị Nguyễn Thúy Hòa (mẹ của Đức) nhớ lại.
Những ngày Đức học mẫu giáo cũng là những ngày “hãi hùng” của cô giáo. “Cô trên lớp muốn điều xuống dưới sân, cô dưới sân muốn điều lên trên lớp, ngày khai giảng cô hiệu trưởng yêu cầu phụ huynh cho cháu ở nhà vì quá hiếu động…”, chị Hòa kể. Vào lớp 1, khi các bạn đã đọc thông và viết thạo chính tả bằng chữ nhỏ thì Đức vẫn đọc ngọng líu lô: "cô Thuý" thì đọc là "cô Bí", "con gà" thì đọc là "con hà"… Bố bắt Đức đọc ngàn lần chữ "B", cậu bé vẫn đọc thành chữ "M", vẫn viết "chữ to như gà mái", run rẩy.
Tính hiếu động thì vẫn là “sở trường” của Đức suốt thời kỳ học tiểu học. Vì thế, không ít lần Đức phải nhận các hình phạt như: viết bản kiểm điểm, hoặc đứng úp mặt vào tường… Đức bị xử lý nặng nhất khi nói xấu cô giáo chủ nhiệm với hình phạt dọa cho nghỉ học, vì Đức sợ nhất hình phạt này.
Bản kiểm điểm năm Đức học lớp 4 Ảnh Thái Bình
Tuy nhiên, điều đặc biệt ở cậu bé này là sự thông minh, ham học và đọc sách. “Minh Đức luôn có ý thức học tập từ nhỏ, luôn cố gắng hoàn thành bài tập cô cho. Cha mẹ gần như không phải nhắc nhở đến việc học hành của con. Khi Đức đã đọc thông, viết thạo, con đọc tất cả những gì có thể đọc được, kể cả những bài báo về kỹ thuật chăn nuôi gà vịt, bách khoa toàn thư và đặc biệt là các sách về lịch sử”, mẹ Đức chia sẻ.
Lên cấp 2, Đức rất thích học tiếng Anh, chủ yếu là tự học thông qua việc nghe nhạc, xem phim, đọc sách, đọc truyện bằng tiếng Anh. “Số tiền tiết kiệm được gần như Đức chỉ giành để mua sách, truyện tiếng Anh. Mới học cấp hai nhưng Đức đã chuyên săn lùng những sách, truyện đạt giải trên thế giới bằng tiếng Anh để đọc. Vì thế, cô giáo dạy tiếng Anh của Đức từng nhận xét, đây là cậu bé học lớp 6 nhưng có trí tuệ của một người lớp 12”, mẹ Đức kể. Vào năm lớp 9, Đức đạt giải  3 môn tiếng Anh cấp thành phố rồi sau đó xuất sắc trở thành học sinh chuyên Anh của Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa TP.HCM.
“Học lịch sử thì cạp đất mà ăn à?”
Cuộc “khẩu chiến” giữa bố mẹ Đức đã xảy ra khi Đức vào học chuyên Anh Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa, nhưng lại tham gia vào đội tuyển thi quốc gia môn lịch sử. Chị Hòa lo lắng, nếu con theo học và say mê với môn lịch sử thì sau này không biết làm nghề gì để có thu nhập nuôi sống bản thân, vì đây là một ngành không dễ kiếm việc làm. Chị Hòa lo rằng “học lịch sử thì cạp đất mà ăn à? nên muốn con chỉ tập trung vào môn tiếng Anh, nhưng chồng chị lại bảo: “Hết môn học rồi hay sao mà học tiếng Anh?”… Tuy nhiên “chốt" lại, anh chị thống nhất là tôn trọng quyền quyết định của con. Điều đáng nói là dù “đau đầu” vì con mình chọn môn học này để theo đuổi và đam mê, nhưng anh chị vẫn không hề để Đức biết. Họ âm thầm theo dõi từng bước đi của con.
Với tình yêu với môn sử, Minh Đức lần lượt chinh phục nhiều thành tích cao trong bộ môn này như: huy chương vàng Kỳ thi Olympic Truyền thống 30.4 lần thứ 12 (2016) và lần 13 (2017); 2 năm liền (2016 và 2017) trong Đội tuyển của TP.HCM tham dự kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia THPT, đạt giải khuyến khích học sinh giỏi quốc gia THPT năm 2018.
Mặc dù dành nhiều thời gian cho việc thi học sinh giỏi môn sử, nhưng Đức vẫn duy trì được thành tích học tập tốt trong các môn học còn lại, luôn đứng thứ hạng cao và là học sinh giỏi trong lớp. Trong kỳ thi THPT quốc gia vừa qua, Minh Đức là thí sinh duy nhất của TP.HCM đạt 9,75 điểm môn lịch sử. Đức cũng là một trong những thí sinh được tuyển thẳng vào khoa Báo chí Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn (Đại học Quốc gia TP.HCM).
Minh Đức (cầm ô) vui chơi với các em nhỏ của Mái ấm Hoa Huệ Ảnh nhân vật cung cấp
“Minh Đức là một học sinh chăm chỉ và ham học hỏi. Đứng trước những kiến thức mới, em thường chủ động nghiên cứu thêm qua nhiều nguồn như thầy cô, sách báo, mạng internet… Thậm chí, em còn biết sử dụng vốn ngoại ngữ tốt để tìm thêm thông tin từ những nguồn nước ngoài. Sau đó, bằng sự am hiểu lịch sử, em tiến hành xác thực tính chính xác của chúng. Sự kết hợp khéo léo này đã giúp vốn hiểu biết của Đức không chỉ giới hạn trong sách vở mà còn vươn xa hơn thế”, thầy giáo Nguyễn Tiến Vinh, Tổ trưởng chuyên môn bộ môn lịch sử tại Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa, nhận xét.
Từ một cậu bé hiếu động khiến nhiều người sợ rằng sẽ khó dạy, nhưng giờ Minh Đức không chỉ học giỏi mà còn được đánh giá là người rất quan tâm đến cuộc sống xung quanh và nhiệt tình tham gia các hoạt động xã hội. Hiện  Minh Đức đang là lãnh đạo trong Order of the Heart - một tổ chức công tác xã hội của học sinh, sinh viên với hoạt động trọng tâm là giúp đỡ trẻ mồ côi tại các mái ấm, nhà tình thương trong thành phố.
“Em thấy những người có hoàn cảnh khó khăn trong xã hội thì xót xa lắm, nên muốn cố gắng để giúp đỡ họ”. Cùng các bạn mình, Minh Đức đã tổ chức nhiều buổi dạy học văn hóa, dạy học kỹ năng mềm và sinh hoạt vui chơi cho các em nhỏ ở mái ấm tình thương trong những dịp hè qua.
Chia sẻ về “bí quyết” dạy con, mẹ Đức cho biết: “Trong năm đầu tiên con đi học tiểu học, mục tiêu của tôi mong muốn không nhất thiết con phải đạt danh hiệu học sinh giỏi, mà cái cần đạt được là gò dần một thằng bé cực kỳ hiếu động của tuổi mầm non thành một cậu học trò biết ý thức về việc học, cụ thể là đến giờ nhất định là phải ngồi vào bàn học, tư thế ngồi, tư thế cầm bút, thời gian học ra học, chơi ra chơi, không được vừa học, vừa chơi và đặc biệt là bài hôm nào phải làm hết ngày hôm đấy, không được việc hôm nay, để ngày mai. Lớn lên một chút, con phải ý thức được rằng nhiệm vụ của người học sinh là phải học và phải học hết sức mình. Con có thể học không giỏi vì năng lực con có hạn, nhưng con không thể không hoàn thành nhiệm vụ vì không cố gắng”.
Đặc biệt dù rất nghiêm khắc với con, nhưng bố mẹ Đức lại cho em cái quyền tự lập từ nhỏ. Năm học lớp 4, Đức đã tự đi xe buýt đến trường. Mẹ chỉ đi cùng con 1 lần trên quãng đường 15 km từ nhà đến trường học và phải qua 2 bến xe, rồi các lần sau Đức tự đi một mình. Đến cuối năm lớp 9, Đức đã tự tin xách ba lô, một mình từ Nam ra Bắc, về quê (huyện Quỳnh Phụ, Thái Bình) thăm ông bà, đi thăm bạn bè của bố mẹ. 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.