Ngày bé tôi được đọc một cuốn sách trong đó có câu nó khiến tôi bị ám ảnh, tác giả đã viết như thế này: 'Thật ra tuổi trẻ chúng ta chỉ có mười ngàn ngày thôi bạn ạ!'
Lúc đó tôi chưa được học toán nên sẽ không thể nào nhẩm tính được mười ngàn ngày sẽ dài bao nhiêu năm và tuổi trẻ con người được tính từ độ tuổi nào và kết thúc ở độ tuổi nào?
Nhưng tôi tin, mười ngàn ngày là một quãng thời gian ngắn trong chu kỳ của mỗi một con người. Dĩ nhiên tôi tin và niềm tin đó dẫn tới một nỗi sợ hãi tột độ! Bởi tôi sợ thời thanh xuân của mình chỉ trôi qua nơi góc nhà và cả suốt quãng đời còn lại cũng vậy.
Nỗi sợ hãi đã khiến tôi phải hành động để có được một quãng thời gian đẹp nhất, ý nghĩa nhất của mỗi một đời người đó chính là thời thanh xuân tươi trẻ, độ tuổi căng tràn sức sống, căng tràn nhiệt huyết thanh xuân và bao ước mơ hoài bão…
Trước thực trạng thực phẩm bẩn tràn lan, một cô gái trẻ đã dành cả thanh xuân của mình để tạo ra những nguồn thực phẩm sạch phục vụ cộng đồng.
Tôi muốn mình trở thành nhà văn để viết những cuốn sách ý nghĩa cho đời.
Tôi muốn mình là một người phụ nữ xinh đẹp, thông minh và tự tin với những gì mình đang có.
Tôi muốn mỗi bước chân của mình đi đến đâu đều truyền những năng lượng tích cực.
Tôi muốn ở trong môi trường toàn những người thành công và giàu có.
Tôi muốn mình đứng trước khó khăn sẽ không bao giờ chịu bỏ cuộc.
Và rất may mắn khi nhìn lại một nửa chặng đường thanh xuân của mình tôi đã làm được những gì mình muốn. Một nửa chặng đường thanh xuân của tôi - một người phụ nữ bị khuyết tật, tôi không hề được đi học phổ thông, tôi cũng chẳng được sinh ra trong một gia đình giàu có.
Từ nhỏ tôi sống một cuộc sống với đầy những thiệt thòi về ngoại hình, nhưng từ khi 9 tuổi tôi đã học chữ ở nhà, 16 tuổi tôi đã bắt đầu “khởi nghiệp” bằng nghề viết sách. 20 tuổi tôi đã nuôi khát vọng được sống ở Sài Gòn, vì tôi biết đó là nơi giúp tôi phát triển.
Trần Trà My
Và đến năm 21 tuổi tôi đã có cơ duyên thực hiện mơ ước lớn nhất của mình thời bấy giờ là vào Sài Gòn định cư.
23 tuổi, cuốn sách đầu tay của tôi được xuất bản sau gần hai năm đi gõ cửa từng nhà xuất bản cả Hà Nội lẫn Sài Gòn.
24 tuổi lại thêm một cuốn sách nữa được xuất bản và đây cũng là lúc để tôi rẻ thêm một con đường mới trong sự nghiệp của mình. Tôi được mời tham gia khởi nghiệp cho một công ty về bác sĩ riêng. Những bỡ ngỡ trong kinh doanh sẽ là cơ hội để tôi trau dồi thêm kinh nghiệm lẫn trang bị thêm kiến thức cho mình.
Và đó cũng là khoảng thời gian tôi được thực hiện thêm mơ ước cháy bỏng nhất của mình là được đi học. Và tất nhiên ngôi trường tôi chọn học cũng liên quan đến ngành PR, bởi tôi thích những gì liên quan đến kết nối cộng đồng.
27 tuổi, cuốn sách thứ ba ra đời và đấy cũng là thời điểm tôi nhen nhóm ý định bỏ tất cả để vác balo và lên đi. Có thể với người bình thường việc đi đâu đó cũng đã là một trở ngại, vậy thì với một người khuyết tật như tôi sẽ là cả một vấn đề phức tạp.
Đấy cũng là chia sẻ của nhiều bạn trẻ khi nhắc đến tuổi thanh xuân của mình. Có bạn cũng yêu nhưng chỉ là đơn phương với tình yêu đó và giữ lại cho riêng mình như một phần của thời thanh xuân tươi đẹp.
Nhưng rồi tôi tự nhủ: “Không sao cả vì ngoài kia xã hội còn có rất nhiều người tử tế!” Và năm 28 tuổi tôi sẵn sàng nghỉ công việc PR cho các công ty để đi khắp Việt Nam. Đi và viết. Thú thật, người ta vác balo lên và đi. Còn tôi phải vác khung xe lên và đi, vì đôi chân của tôi cần sự trợ giúp của một chiếc khung xe để di chuyển.
Tôi đi từ đất mũi Cà Màu cho đến tận đất cảng Hải Phòng với một mục tiêu là tìm gặp những nhân vật tôi muốn gặp. Từ nhà văn Nguyễn Ngọc Tư, anh hùng châu Á Phạm Thị Huệ, anh Nguyễn Hữu Thái Hòa, thầy Lê Thẩm Dương, anh MC Phan Anh… Và còn nhiều nhân vật bạn trẻ khác, tất cả đã tạo niềm cảm hứng cho tôi hoàn thành cuốn sách mang tên: “Tin vào điều tử tế”. Cuốn sách sau sẽ được ra mắt độc giả vào năm 2018.
Cứ vậy tôi đi - viết - lắng nghe - quan sát và chỉnh sửa từng chút một. Bên cạnh đó tôi còn hoàn thành những khóa học về kỹ năng, vì tôi tin mình sẽ không dừng lại ở vai trò là một nhà văn.
Có thể nói, đời người đẹp nhất là thời tuổi trẻ. Đó là lúc chúng ta giàu có về quỹ thời gian để được phép trải nghiệm, là khi chúng ta không ngại ngùng gì để tự khẳng định và xây dựng bất kỳ ước mơ nào…
Đi qua một nửa chặng đường thanh xuân trong quỹ thời gian mười ngàn ngày của mình, với bao khó khăn, bao đánh đổi của mồ hôi, nước mắt và cả sức khỏe của mình. Tôi chỉ mỉm cười nhẹ với quá khứ, với những gì mình đã vượt qua và phải vội vã chuẩn bị tinh thần chiến đấu cao hơn cho những mục tiêu tương lai kế tiếp.
Bởi tính ra mười ngàn ngày chỉ có 27 năm 4 tháng 25 ngày bạn ạ. Nó ngắn đến mức giống như khoảnh khắc ta mở mắt và nhắm mắt vậy. Khi ta nhắm mắt cứ nghĩ rằng mình còn trẻ và đời còn dài lắm, cần gì phải vội vã đâu?
Nhưng than ôi, khi mở mắt ra ta đã thấy mình không còn trẻ, không còn đủ sức khỏe, đủ trí tuệ để thực hiện bao ước mơ dự định. Ta thấy mình giống một chú óc sên mang trong mình một cái vỏ để ẩn nấp.
Cứ ì à, ì ạch tới lui chỉ một quãng đường và không biết sẽ đi về đâu giữa xã hội này?
Đôi lần tôi hay mường tượng đến cảm giác về một mai mình già đi; khi đôi chân mình không còn đứng vững, đôi tay mình run run, đôi tai mình không còn được nghe những âm thanh xô bồ ngoài kia… Nhưng đôi mắt mình và cả tâm trí mình vẫn còn nguyên vẹn cả một bầu trời ký ức về thanh xuân tươi đẹp của mình.
Vì thanh xuân ấy là một thước phim sinh động với nhiều cung bậc cảm xúc!
Hãy chia sẻ cùng Thanh Niên những năm tháng tuổi trẻ của bạn cùng chuyên mục: “Dành tuổi thanh xuân để làm gì?” tại email:[email protected]. Chúng tôi sẽ biên tập và đăng tải trên Báo Thanh Niên.Bài viết được đăng sẽ có nhuận bút. Xin trân trọng cảm ơn!
Bình luận (0)