Ngày 28.9, T.Ư Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam phối hợp với Công ty CP Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) tổ chức diễn đàn Xây dựng gia đình trẻ hạnh phúc, với chủ đề “Chạm để yêu thương”.
Tham dự diễn đàn có anh Nguyễn Kim Quy, Ủy viên Ban thường vụ T.Ư Đoàn, Phó chủ tịch thường trực T.Ư Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam; ông Khuất Văn Quý, Phó vụ trưởng Vụ Gia đình, Bộ VH-TT-DL; bà Phạm Thúy Dung, Giám đốc chi nhánh miền Bắc Công ty PNJ; TS tâm lý Đinh Đoàn, chuyên gia của “Cửa sổ tình yêu”; bà Trần Vân Anh, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý phát triển bền vững (MSD)…
Quan niệm về hạnh phúc gia đình đã thay đổi
Phát biểu tại diễn đàn, anh Nguyễn Hữu Tú, Ủy viên thường trực Đoàn Chủ tịch Ủy ban T.Ư Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam, Phó trưởng ban Đoàn kết tập hợp thanh niên T.Ư Đoàn, cho biết đây là hoạt động nằm trong chiến dịch truyền thông Xây dựng gia đình trẻ hạnh phúc năm 2023 của Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam.
“Theo thống kê của TAND tối cao, năm 2022 có trên 500.000 vụ ly hôn được thụ lý. Trong số đó, 70% số vụ thuộc về các gia đình trẻ trong độ tuổi từ 18 - 30, xuất phát từ những mâu thuẫn do lối sống khác nhau, môi trường khác nhau, những xung đột, và bất đồng quan điểm...
Trước thực trạng ấy, diễn đàn Xây dựng gia đình trẻ hạnh phúc, chủ đề “Chạm để yêu thương” nhằm cung cấp kỹ năng gìn giữ hạnh phúc gia đình, đưa góc nhìn tích cực về đời sống hôn nhân tới các bạn trẻ”, anh Tú cho biết.
Đánh giá về thực trạng gia đình trẻ hiện nay, ông Khuất Văn Quý, Phó vụ trưởng Vụ Gia đình, cho biết trong bối cảnh xã hội Việt Nam hiện nay, có rất nhiều vấn đề tác động đến gia đình và xã hội, khiến cấu trúc và quy mô về gia đình có sự thay đổi.
“Quan niệm của gia đình cũng đã có những thay đổi, trong đó gia đình trẻ có biểu hiện của sự chuyển biến rõ nét hơn. Đó là quan niệm về hôn nhân và gia đình theo hướng đề cao tính tự do, tính cá nhân, chấp nhận các hiện tượng hôn nhân và gia đình mới, cũng như các vấn đề bình đẳng giới. Cùng với đó quan niệm về hạnh phúc gia đình cũng có thay đổi so với một số quan niệm truyền thống”, ông Quý nhìn nhận.
Ly hôn để bớt đi lời than cũng là tích cực?
Theo TS tâm lý Đinh Đoàn, hiện nay trong giới trẻ có xu hướng kết hôn muộn. “Trước đây các cụ có câu “tậu trâu, cưới vợ, làm nhà” là ba việc lớn trong cuộc đời, nhưng hiện nay tuổi trẻ có nhiều thứ quan tâm, chứ không phải chỉ lấy vợ, lấy chồng. Họ không có gia đình nhưng vẫn có niềm vui khác và có nhiều cách làm mình hạnh phúc”, ông Đoàn chia sẻ.
Theo ông Đoàn, hiện nay tỷ lệ ly hôn tăng lên cũng bởi vì người trẻ đề cao cá nhân. “Lấy nhau 2 phải thành 1, nhưng như 2 người độc thân ở chung nhà, không có tương tác, chia sẻ. Đó là nguyên nhân gia đình trẻ lỏng lẻo và rời ra”, ông Đoàn lý giải.
Đồng thời, ông Đoàn cũng cho biết, nhiều gia đình trẻ ly hôn do cuộc sống ly tán, vợ hoặc chồng phải đi làm ăn xa nhà, dẫn đến sự đổ vỡ về hôn nhân. Tuy nhiên ông Đoàn cho rằng có nhiều trường hợp ly hôn lại mang ý nghĩa tích cực. “Ly hôn để bớt đi tiếng than, bớt đi bạo lực gia đình… cũng là tích cực”, ông Đoàn nói.
Theo ông Đoàn, việc xây dựng hạnh phúc gia đình không có nghĩa là bớt đi tỷ lệ ly hôn mà đích đến cuối cùng là sự yêu thương. Làm sao để các gia đình trẻ hạnh phúc, đó là phải có 3 cái chung: trách nhiệm, tài chính, cảm xúc.
“Không có việc nào là của chồng, việc nào là của vợ. Không có tiền nào của chồng, tiền nào của vợ mà phải coi là việc chung, tiền chung và cần san sẻ với nhau. Đặc biệt là cảm xúc, có cảm xúc gì phải nói ra để người kia hiểu, chứ không bắt người khác phải là cái máy dò cảm xúc của mình”, ông Đoàn khuyên.
Cũng bàn về hạnh phúc gia đình, bà Trần Vân Anh lại cho rằng tỷ lệ ly hôn tăng cao là thực trạng đáng lo ngại. Dù ly hôn cũng có góc độ tích cực như ông Đinh Đoàn nhìn nhận, nhưng “bất kỳ đổ vỡ nào cũng dẫn đến tổn thương”.
Vì vậy, theo bà Trần Vân Anh, trước khi bước vào cuộc sống hôn nhân gia đình, người trẻ cần có đủ kỹ năng, kiến thức để có thể duy trì gia đình bền vững, văn minh. “Nếu có kiến thức, kỹ năng thì sẽ bớt đi sự rủi ro và đổ vỡ. Tỷ lệ ly hôn giảm đi là thể hiện sự tiến bộ của xã hội. Duy trì cuộc sống hôn nhân bền vững vẫn tốt hơn rất nhiều”, bà Vân Anh khẳng định.
Đại diện ban tổ chức chương trình, bà Phạm Thúy Dung, Giám đốc chi nhánh miền Bắc, Công ty CP Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ), cho biết rất tâm đắc với chủ đề "Chạm để yêu thương".
"Khi lấy nhau thì không chỉ dừng lại ở tình yêu nữa, mà cần trách nhiệm của mỗi người trong vun đắp hạnh phúc gia đình. Trao cho nhau cặp nhẫn cưới là minh chứng tình yêu nhưng cũng là khoác lên mình trách nhiệm và phải có sự chia sẻ (chạm) để yêu thương. Chúng tôi muốn truyền đi thông điệp cần có "chạm" để xây dựng hạnh phúc gia đình, cùng nhau chia sẻ, có điểm chạm chung giữa hai người", bà Dung nói.
Bình luận (0)