Tuổi trẻ dữ dội của Tổng thống Obama: Điều hối tiếc nhất trong đời

22/05/2016 09:14 GMT+7

Tổng thống Mỹ Barack Obama từng nhiều lần thừa nhận rằng ngay từ khi còn bé cho đến tận bây giờ, điều khiến ông hối tiếc nhiều nhất chính là không thể giành nhiều thời gian hơn cho các thành viên trong gia đình.

Từ ngày 23 - 25.5.2016, Tổng thống Mỹ Barack Obama sẽ chính thức thăm Việt Nam. Barack Obama là vị tổng thống da màu đầu tiên ở một đất nước có lịch sử về vấn đề phân biệt chủng tộc. Việc ông trở thành vị tổng thống thứ 44 của Mỹ không chỉ chứng minh nước Mỹ đã thay đổi mà còn là hình ảnh, biểu tượng cho một quá trình đấu tranh không mệt mỏi của người Mỹ từ thời Martin Luther King cho đến Barack Obama ngày nay. Mời bạn đọc nhìn lại #TUỔI TRẺ DỮ DỘI CỦA BARACK OBAMA, vị tổng thống sắp đến thăm đất nước chúng ta.
Hồi năm 2011, trong một bài viết về nghệ thuật làm cha mẹ đăng trên tạp chí People, ông Barack Obama chia sẻ: “Suốt chiến dịch tranh cử (cho vị trí tổng thống Mỹ), chẳng ngày nào là tôi không ước mong rằng giá như mình đã có thể dành thêm nhiều thời gian cho gia đình. Họ chính là điều tôi yêu quý, trân trọng hơn bất cứ thứ gì trên thế giới này”.
Trong thực tế, Tổng thống Obama đã chứng tỏ bản thân thực sự xứng đáng là “người đàn ông của gia đình”, không chỉ một mà rất nhiều lần, bắt đầu từ những hành động nhỏ bé, đơn giản nhất.
Dù bận rộn, vất vả nhưng ông Obama đã tự đặt ra một quy định mà hiếm khi người ta thấy ngài tổng thống vi phạm, đó là buộc bản thân phải kết thúc mọi công việc trước 18 giờ 30 phút hàng ngày, sau đó dùng bữa tối cùng gia đình.
Tổng thống Barack Obama cùng gia đình - Ảnh: Reuters
Tới đây, có lẽ cần nhắc lại một chút về Barack Hussein Obama Sr., cha ruột của đương kim tổng thống Mỹ.
Năm 1962, Obama “cha” đã bỏ rơi cô vợ Stanley Ann Dunham cùng cậu bé Obama “con”, khi đó chưa đầy 2 tuổi. Về sau, đương kim tổng thống Mỹ chỉ được gặp lại cha đúng một lần duy nhất vào năm 1971, khi Obama Sr. đến Hawaii nhân dịp giáng sinh. Lúc đó, ông đã dẫn con trai đi xem ca nhạc, còn tặng cho cậu món quà là quả bóng rổ đầu tiên trong cuộc đời.
“Dù tôi và cô em gái (cùng mẹ khác cha) may mắn có được người mẹ tuyệt vời cũng như ông bà ngoại hết lòng thương yêu, nuôi nấng, nhưng tôi luôn có cảm giác thiếu vắng hình bóng của cha. Giả sử ông ở gần tôi nhiều hơn, tác động đến tôi nhiều hơn thì sẽ như thế nào? Đến tận bây giờ, tôi vẫn tự hỏi điều đó”, ông Obama tâm sự.
Ngoài những ấn tượng không thực sự tốt đẹp về cha, tổng thống Mỹ cũng thừa nhận: “Khi Malia và Sasha còn bé, tôi đã bị công việc kéo xa ra khỏi gia đình nhiều hơn bản thân dự đoán. Lúc đó, trách nhiệm nuôi nấng con cái đè lên đôi vai của Michelle thực sự quá nặng nề”.
Hai cô công chúa nhỏ, Sasha và Malia, của ông Obama - Ảnh: Reuters
Những trăn trở từ lúc còn bé đến tận khi trưởng thành đó đã khiến Barack Obama cố gắng trở thành một người cha gương mẫu, tốt đẹp, luôn yêu thương, bảo ban hai cô công chúa bé nhỏ.
Tổng thống Barack Obama khẳng định việc nuôi dạy Malia và Sasha cho thật tốt chính là “di sản” lớn nhất mà ông có thể để lại.
Dù là những “tiểu thư” trong Nhà Trắng, Malia Ann và Sasha vẫn được ông bà Obama yêu cầu phụ giúp việc nhà; chủ động dọn dẹp giường ngủ, phòng riêng, chăm sóc chó... cũng như tự giác hoàn thành bài tập ở trường.
Báo chí Mỹ từng lan truyền một câu chuyện thú vị có thật, trong đó ông Barack Obama, để có thể dành nhiều thời gian với Sasha hơn, đã quyết định trở thành trợ lý huấn luyện viên cho đội bóng rổ trường trung học của con gái.
Vốn nổi tiếng là tay chơi bóng rổ cừ khôi nên tất nhiên, Tổng thống Obama chẳng gặp khó khăn gì về chuyên môn khi đảm trách công việc đó. Tuy vậy, ông từng nhiều lần khiến cô con gái nhỏ phải nhăn mặt vì tỏ ra “quá hăng hái” khi phản đối các quyết định của trọng tài.
“Tôi hy vọng rằng sau này, Sasha sẽ nhìn lại những kỷ niệm thơ ấu và nhận ra chúng đã giúp nó xây dựng nhân cách, xa hơn nữa là hình thành như phương pháp nuôi dạy con cái, như thế nào. Ý nghĩa thật sự của việc làm cha mẹ chính ở đó - những khoảng khắc quý giá chúng ta dành cho các con, để rồi bản thân cảm thấy thật tự hào và phấn khích về tương lai”, ông Obama chia sẻ trên tạp chí People.
Tuy vậy, trong một bài phát biểu vào năm 2014 tại Đại học Malaya (thủ đô Kuala Lumpur, Malaysia), tổng thống Mỹ cho biết thực ra, điều khiến ông hối hận nhất trong cuộc đời là đã không thể dành nhiều thời gian hơn cho mẹ ruột, bà Stanley Ann Dunham, theo ABC News.
Ông Obama chụp ảnh cùng mẹ vào năm 1979 - Ảnh chụp màn hình trang The Women's Eyes
“Có một khoảng thời gian mà tôi, có lẽ chừng 20 hay 30 tuổi, mải bận bịu với cuộc sống riêng đến mức không liên lạc, hỏi thăm và tâm sự với mẹ. Tôi nhận ra rằng hằng ngày, mình đã chẳng thèm dành thời gian quan tâm xem mẹ đang làm gì, nghĩ gì, dù bà chính là một phần quan trọng trong cuộc đời tôi”, ông Obama hối hận.
Bà Stanley Ann Dunham qua đời năm 1995 vì căn bệnh ung thư buồng trứng ở tuổi 52. Thời điểm đó, Barack Obama vẫn còn mới chỉ là chàng trai da màu 34 tuổi, thậm chí còn chưa bước chân vào chính trường Mỹ.
“Gia đình chính là nguồn cơn quan trọng nhất của hạnh phúc”, ông Obama phát biểu tại Đại học Malaya vào năm 2014, theo ABC News.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.