Tuổi trẻ sẽ làm cho quan hệ Việt Nam - Campuchia bền chặt hơn

08/11/2019 07:07 GMT+7

'Tôi tin rằng, trong quá khứ cũng như hiện tại và tương lai, với trách nhiệm và khát vọng của tuổi trẻ hai nước, luôn là lực lượng xung kích thúc đẩy mối quan hệ Việt Nam - Campuchia ngày càng trở nên tốt đẹp và bền chặt hơn'.

Trên là khẳng định của Thứ trưởng Bộ Thông tin - Truyền thông Hoàng Vĩnh Bảo tại tọa đàm về chủ đề “Vai trò của các nhà báo trẻ và thanh niên trong việc thúc đẩy tình hữu nghị giữa Việt Nam - Campuchia” diễn ra tại TP.HCM vào sáng 7.11.
Chương trình do Bộ Thông tin - Truyền thông và T.Ư Hội Liên hiệp Thanh niên VN phối hợp tổ chức dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Hoàng Vĩnh Bảo.

Mối quan hệ Việt Nam - Campuchia bền chặt hơn

Thứ trưởng Hoàng Vĩnh Bảo phát biểu tại tọa đàm: “Trong bối cảnh hội nhập quốc tế diễn ra sâu rộng trên khắp mọi lĩnh vực, Việt Nam và Campuchia là thành viên của nhiều tổ chức quốc tế, đóng góp trách nhiệm để cùng xây dựng một thế giới hòa bình, ổn định và phát triển. Để thúc đẩy mối quan hệ Việt Nam - Campuchia ngày càng phát triển bền chặt thì vai trò của các nhà báo trẻ, thanh niên, sinh viên 2 nước là rất quan trọng. Tôi tin rằng, trong quá khứ cũng như hiện tại và tương lai, với trách nhiệm và khát vọng của tuổi trẻ hai nước, luôn là lực lượng xung kích thúc đẩy mối quan hệ Việt Nam - Campuchia ngày càng trở nên tốt đẹp và bền chặt hơn”.
Để thúc đẩy mối quan hệ Việt Nam - Campuchia ngày càng phát triển bền chặt thì vai trò của các nhà báo trẻ, thanh niên, sinh viên 2 nước là rất quan trọng. Tôi tin rằng, trong quá khứ cũng như hiện tại và tương lai, với trách nhiệm và khát vọng của tuổi trẻ hai nước, luôn là lực lượng xung kích thúc đẩy mối quan hệ Việt Nam -Campuchia ngày càng trở nên tốt đẹp và bền chặt hơn
Hoàng Vĩnh Bảo - Thứ trưởng Bộ Thông tin - Truyền thông
Cũng theo Thứ trưởng Hoàng Vĩnh Bảo, khi xuất hiện những thông tin trên mạng xã hội gây phản ứng trong dư luận thì truyền thông và vai trò của báo chí phải đi tìm bản chất của vấn đề, có sự kiểm chứng thông tin đó để định hướng dư luận. Đối với các cá nhân khác thì cần phải kiểm chứng thông tin qua các kênh truyền thông chính thống và không được vội vàng chia sẻ thông tin đó. Vì nếu chia sẻ thì vô tình ta đã tiếp tay cho những thông tin chưa chính xác lan truyền. Theo Thứ trưởng Hoàng Vĩnh Bảo, hiện nay Việt Nam đã có những quy định chặt chẽ về mặt pháp luật nhằm ngăn chặn tình trạng này. Tuy nhiên, với tính chất mạng xã hội quan tâm trước hết là ý thức của người dùng. Mọi người cần kiểm chứng thông tin trước khi like, share để tránh những thông tin xấu, độc.
Các đại biểu tham dự và đóng góp ý kiến

Các đại biểu tham dự và đóng góp ý kiến

“Những thông tin chưa chính xác gây bức xúc cho xã hội chủ yếu xuất phát từ mạng xã hội như: Facebook, Google. Vừa qua, Bộ Thông tin - Truyền thông Việt Nam đã làm việc với hai đơn vị này. Chúng tôi thành lập một nhóm công tác và nếu phát hiện những thông tin vi phạm pháp luật Việt Nam, trái với thuần phong mỹ tục, sai sự thật thì lập tức yêu cầu mạng xã hội đó phải gỡ xuống ngay. Nếu họ không hợp tác thì chúng tôi sẽ có biện pháp phù hợp để yêu cầu họ không hoạt động ở Việt Nam nữa”.
Thứ trưởng cho hay hiện nay Bộ Thông tin - Truyền thông đang phối hợp với Bộ Nội vụ xây dựng bộ quy tắc ứng xử cho các công chức nhà nước khi sử dụng mạng xã hội. Ngoài ra, hiện nay một số doanh nghiệp, cơ quan cũng đã tự xây dựng cho mình bộ quy tắc ứng xử khi tham gia mạng xã hội.

Thông tin đóng vai trò quan trọng giữ vững ổn định xã hội

Ông Ly Vann Hong, Tổng cục trưởng Tổng cục Hành chính và tài chính (Bộ Thông tin Vương quốc Campuchia), cho rằng: “Thông tin là một nhân tố quan trọng đóng vai trò giúp giữ vững được ổn định, an ninh xã hội”.
Theo ông Ly Vann Hong, trong bối cảnh của thời đại công nghiệp 4.0, người ta sử dụng kỹ thuật công nghệ thông tin, hệ thống mạng xã hội để tuyên truyền một cách rất nhanh và hiệu quả. “Điều đó cho thấy các nhà báo nâng cao trình độ và kiến thức của mình để phục vụ nghề nghiệp đòi hỏi ngày càng cao. Chính vì vậy, đây là dịp để các nhà báo hai nước gặp gỡ, kết nối, học hỏi lẫn nhau. Một khi chúng ta đã có mối quan hệ thân thiết với nhau thì đó là điều kiện thuận lợi để việc chia sẻ thông tin vô cùng thuận lợi và nhanh chóng”, ông Ly Vann Hong nói.
Theo nhà báo Ngọc Mai (Báo Thanh Niên), khi search vào Google “Quan hệ hợp tác Việt Nam - Campuchia”, chúng ta nhận được khoảng 11,5 triệu thông tin liên quan. Đây là một con số không nhỏ, phản ảnh sự quan tâm của đông đảo cơ quan truyền thông và người dân trong việc tuyên truyền góp phần giữ gìn, củng cố và tăng cường hơn nữa mối quan hệ đoàn kết, hữu nghị giữa hai nước.
Để các nhà báo trẻ tham gia tích cực và có hiệu quả trong việc thúc đẩy mối quan hệ truyền thống giữa hai nước là rất cần thiết. Muốn làm tốt điều này, nhà báo Ngọc Mai đề xuất: “Bộ Thông tin - Truyền thông cần phối hợp với T.Ư Hội LHTN VN tổ chức các lớp tập huấn chuyên đề ngắn ngày nhằm bồi dưỡng kiến thức về những vấn đề trên cho lực lượng phóng viên, biên tập viên chuyên viết về những hoạt động hữu nghị, hợp tác tầm vĩ mô giữa cấc cấp lãnh đạo, các bộ ngành và giữa thanh niên hai nước”.
Đề cập về vai trò của nhà báo trẻ trong việc tuyên truyền mối quan hệ giữa Việt Nam - Campuchia, nhà báo Chhy Sophal (Campuchia) nói: “Các nhà báo cần chia sẻ thông tin chính thống với nhau, tránh những thông tin sai lệch, gây ảnh hưởng đến quan hệ ngoại giao hai nước. Đặc biệt, cần có thêm những bài báo viết về tình hình hợp tác đầu tư về các lĩnh vực: giáo dục, kinh tế, sức khỏe, môi trường, nông nghiệp... giữa 2 nước”.
Tham dự còn có Bí thư T.Ư Đoàn Nguyễn Ngọc Lương; Tổng cục trưởng Tổng cục Thanh niên, Bộ Giáo dục, Thanh niên và Thể thao Vương quốc Campuchia Sroy Socheath và gần 200 nhà báo trẻ, thanh niên, sinh viên các tỉnh giáp biên giới VN và Campuchia.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.