Tuổi trẻ VN nhớ lời Di chúc theo chân Bác: Tiến sĩ trẻ với 30 bài báo quốc tế

22/08/2019 07:25 GMT+7

32 tuổi, tiến sĩ Phạm Văn Việt đã có gia tài 30 bài báo quốc tế được công bố, trong đó 28 bài báo thuộc danh mục ISI. Và nhờ tham gia phản biện tích cực cho Tạp chí quốc tế ISI, tháng 5.2019, anh Việt trở thành thành viên ban biên tập của tạp chí.

Hiện anh Phạm Văn Việt là Phó trưởng khoa Khoa học và công nghệ vật liệu Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM. Anh là đảng viên trẻ trong chương trình “Gặp gỡ đảng viên trẻ tiêu biểu học tập và làm theo lời Bác toàn quốc năm 2019” của T.Ư Đoàn.

1 năm 12 bài báo quốc tế

Cầm trên tay bảng thành tích 23 bài báo của tiến sĩ Phạm Văn Việt đã được công bố trên những tạp chí quốc tế uy tín có chỉ số ảnh hưởng cao, người viết thật sự choáng vì những nghiên cứu mà anh đạt được trong vòng chỉ có vài năm. Thế nhưng anh Việt cho biết đấy là con số được tổng hợp từ năm trước, còn bây giờ số bài báo quốc tế đã công bố của anh là 30 bài. Tức chỉ trong 1 năm anh đã công bố thêm được 7 bài mới. Nhưng đó cũng chưa phải là kỳ tích của anh, vì trong năm 2018, anh có đến 12 bài báo quốc tế được công bố.
Chia sẻ bí quyết để có được những thành tích đáng ngưỡng mộ này, anh Việt nói gãy gọn: “Làm nghiên cứu phải có đam mê. Không đam mê khó mà làm được”. Lý giải điều này, anh Việt cho biết kinh phí, lương cho việc nghiên cứu hết sức hạn hẹp, nếu không có đam mê sẽ không thể theo đuổi đến cùng.
Dẫn chứng từ câu chuyện của chính mình, sau khi tốt nghiệp được giữ lại trường, ngoài công việc tại trường, anh Việt phải đi dạy kèm ở ngoài để theo đuổi sự nghiệp nghiên cứu.
“Khoa học không dành cho người nghèo, vì phải có điều kiện kinh tế thì mới đầu tư vào nghiên cứu được. Nhiều sinh viên ra trường, vì áp lực áo cơm gạo tiền, rồi gánh nặng kinh tế gia đình, nên dù có giỏi đến mấy cũng không thể theo con đường nghiên cứu được. Đa phần các bạn trẻ muốn đi theo con đường này đều phải làm thêm những công việc khác để nuôi đam mê”, anh Việt chia sẻ.
Niềm đam mê nghiên cứu của chàng tiến sĩ trẻ bắt đầu từ năm 2009, khi đang còn là sinh viên, được vào phòng thí nghiệm cùng các thầy, từ đó anh Việt tìm được đam mê của mình. Và công trình đầu tiên của anh đã giành được giải thưởng cao nhất của cuộc thi Sinh viên nghiên cứu khoa học do Thành đoàn TP.HCM tổ chức năm đó. Từ đó sự nghiệp nghiên cứu của anh bắt đầu. Từ năm 2014 đến nay, anh bắt đầu gặt “quả ngọt” từ sự nghiệp nghiên cứu, khi các bài báo quốc tế lần lượt được công bố.
Tuổi trẻ VN nhớ lời Di chúc theo chân Bác:1

Anh Việt trong một lần làm thí nghiệm tại Viện Công nghệ nano, ĐH Quốc gia TP.HCM

Nghiên cứu để giải quyết những vấn đề của xã hội

Chia sẻ về lý do dồn toàn tâm toàn lực vào con đường nghiên cứu, anh Việt cho rằng nghiên cứu không vì giải thưởng hay thành tích mà nghiên cứu đầu tiên là để nâng cao được chất lượng giảng dạy.
Cũng theo anh Việt, nghiên cứu xong không phải để vứt trong xó mà phải nghĩ đến câu chuyện là kế thừa và phát triển để ứng dụng ra cuộc sống, vừa giúp ích cho xã hội vừa có kinh phí nuôi sự nghiệp nghiên cứu và phát triển bản thân.
Đến thời điểm hiện tại, trong số rất nhiều nghiên cứu đã công bố của mình, anh Việt tâm đắc với nghiên cứu xử lý nước thải từ dệt nhuộm và đang mong muốn chuyển thành ứng dụng. Theo anh, nước thải từ công nghiệp dệt nhuộm thường chứa nhiều phẩm màu có hại và gây bệnh ung thư. Theo đó, anh sẽ dùng vật liệu cho phản ứng quang hóa để phân hủy chất màu làm giảm chất độc hại, và vật liệu này có tồn dư trong môi trường cũng không gây ảnh hưởng ngược lại.
Một nghiên cứu theo anh vừa có ý nghĩa khoa học và khả năng thực tiễn cao, đó là nghiên cứu xử lý khí NOx (ôxit nitơ) có các dạng như NO, NO2 từ các phương tiện đi lại và nhà máy thải ra gây ô nhiễm và loại khí này được xếp vào 1 trong 5 khí độc ảnh hưởng trực tiếp đến con người. Hiện anh đã đầu tư được trang thiết bị để tiếp tục theo đuổi nhằm đưa ứng dụng vào thực tiễn.
Nghiên cứu mà anh Việt sẽ cho ra thành phẩm trong năm nay là nước rửa tay kháng khuẩn, với ưu điểm là rửa khô và rửa nhanh.
“Khi mới bắt đầu vào con đường nghiên cứu, mình chưa nghĩ đến sẽ ứng dụng rộng rãi. Nhưng càng ngày mình càng đi theo hướng là nhìn những thực trạng và bắt đầu đặt câu hỏi là làm gì để giải được bài toán đó, với ngành nghề mình đang chuyên thì có thể làm được gì để giải bài toán này?”, anh Việt chia sẻ.
Không chỉ phục vụ giảng dạy và ứng dụng để giải quyết những bài toán của xã hội, anh còn truyền niềm đam mê này cho sinh viên: “Mình truyền lửa cho các em một cách trực tiếp, tức cho các em thấy sản phẩm các em làm, trí tuệ các em kết tinh thành cái gì để thấy được những gì các em đóng góp cho xã hội, cho tương lai và cho cái mình sẽ theo đuổi”.
Một số công trình nghiên cứu
- Nghiên cứu chế tạo màng mỏng hữu cơ dẫn điện, vật liệu vô cơ có cấu trúc nanorod và các loại chuyển tiếp vô cơ/hữu cơ dùng cho pin mặt trời.
- Tiếp cận quy trình chuyển pha của TiO2 từ anatase sang rutile dưới tác động của nhiệt độ dựa trên phương pháp tính toán lượng tử DFT.
- Nghiên cứu chế tạo vật liệu composite trên cơ sở PP/TiO2/Ag.
Thành tích đáng ngưỡng mộ
- Công bố 30 bài báo quốc tế, trong đó có 28 bài thuộc danh mục ISI (tác giả chính của 25 bài). Ngoài ra, còn có 9 bài báo tạp chí trong nước, 11 bài hội nghị quốc tế/quốc gia.
- Thành viên Ban Biên tập Tạp chí quốc tế ISI: Journal of the Australian Ceramic Society (Springer, IF. 0.692).
- Giải thưởng Quả cầu vàng do T.Ư Đoàn phối hợp với Bộ Khoa học - Công nghệ tổ chức.
- Nhà giáo trẻ tiêu biểu cấp TP.HCM năm 2015.
- Giải nhất Giải thưởng công trình nghiên cứu xuất sắc ĐH Quốc gia dành cho nghiên cứu sinh năm 2017.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.