Chuyện về những triệu phú chân đất

20/06/2023 07:46 GMT+7

Giữa hai con đèo Tô Na và Chư Sê hướng đông nam Gia Lai là vùng bình nguyên rộng lớn, được đại thủy nông Ayun Hạ tưới tắm tạo nên những vùng dân cư trù phú.

Nơi ấy, thấm đẫm hương say đồng đất, thấm đẫm một vùng văn hóa đặc sắc của cư dân vùng Trường Sơn - Tây nguyên.

1 Năm 2002 đánh dấu mốc thời gian đáng nhớ của vùng bình nguyên này khi công trình đại thủy nông Ayun Hạ hoàn thành, đưa vào sử dụng. Với bề mặt thoáng của hồ rộng 37 km2, dung tích 253 triệu m3 nước cung cấp nước tưới cho 13.500 ha lúa nước, nước sinh hoạt cho người dân. Trước đây khi chưa có công trình này, người dân chỉ trồng được lúa một vụ. Nhiều người dân ở phía Bắc khi đi kinh tế mới vào đây cũng phải bỏ về vì đất đai khô cằn, khí hậu khắc nghiệt. Nhưng giờ đây, nước về tới tận những buôn làng xa xôi. Các dòng kênh cùng hồ chứa cũng góp phần tạo nên một vùng tiểu khí hậu mát mẻ hơn.

Tươi xanh trên bình nguyên   - Ảnh 1.

Nông dân Gia Lai được mùa vụ đông xuân năm nay.

Nước chảy đến đâu, những cánh đồng lúa nước hai vụ, ba vụ mướt xanh đến đó. Lúa nước theo chân người Jrai đến tận những cầu thang nhà sàn. Cuộc sống người dân không còn đói khổ. Họ vươn lên thoát nghèo, làm giàu trên đồng đất quê hương. Tập tục canh tác chọc trỉa lạc hậu có tự ngàn đời cũng được xóa bỏ. Công trình thủy lợi này cũng là nơi phát triển nghề nuôi trồng thủy sản, cung cấp cho thị trường Gia Lai và nhiều tỉnh lân cận.

Xuôi theo QL25 bây giờ là một vùng ngát xanh của lúa, của hoa màu. Người dân ở đây ngoài trồng lúa hai vụ còn trồng xen thêm được một vụ màu. Năng suất lúa ở khu vực này thuộc dạng cao nhất ở Gia Lai với khoảng 7 tấn/ha. Còn nhớ cách đây nhiều năm trước, chúng tôi được gặp ông Đinh Nhiêu, người ở TX.Ayun Pa (Gia Lai). Giờ ông đã là người thiên cổ. Song đối với người ở các buôn làng, tên ông vẫn được họ khắc ghi với sự hàm ơn.

Ông như là người dắt làng bước qua lời nguyền bởi tập quán canh tác của người bản địa là trồng lúa rẫy. Đấy là một trong những người đầu tiên trồng lúa nước. Lúc ấy, nhiều người nghi ngờ: "Ôi, không được đâu! Đinh Nhiêu làm sai chuyện ông bà rồi". Nhưng rồi một vụ, hai vụ…, năng suất lúa nước của ông cứ tăng lên 3, 4 rồi 5 tấn/ha. Nhà dần có của ăn của để từ trồng lúa nước. Cộng với sự vận động của ông, dần dà người dân tới tận chân ruộng tìm hiểu rồi làm theo. Vậy là đã thành một tập quán canh tác mới! Cho đến khi đại thủy nông Ayun Hạ hoàn thành, người dân đã thạo với ruộng đồng, với lúa hai vụ.

2 Đang mùa khô nhưng những dòng kênh vẫn ăm ắp nước, đổ về đến tận chân ruộng. Đấy là chỉ dấu cho mùa màng bội thu. Đi giữa đồng vàng ấy, mùi thơm của hương lúa như mơn man lên khắp da thịt. Dịp này, người dân vùng đông nam Gia Lai đang thu hoạch lúa mùa đông xuân. Khắp nơi rộn tiếng nói cười, tiếng máy gặt lúa trên đồng ruộng.

Vụ này giá lúa đạt 7.000 đồng/kg, tăng hơn niên vụ trước 1.000 đồng. Chị Ksor H'ly, một nông dân H.Phú Thiện (Gia Lai), hồ hởi: "Giờ trồng lúa sướng hơn trước nhiều rồi. Có máy móc đủ thứ. Lúa thu hoạch đã có thương lái đến tận ruộng mua. Nhà mình trồng 4 ha, năng suất đạt khoảng 8 tấn/ha. Sau khi trừ chi phí còn lãi được khoảng 100 triệu đồng. Rơm cũng có máy cuộn lại, họ mua với giá 800.000 đồng/ha".

Tươi xanh trên bình nguyên   - Ảnh 2.

Cơ giới hóa áp dụng vào sản xuất.

Nước về tận nhà sàn. Cộng đồng Jrai không còn cơn lo thiếu nước. Chiều đến, khói bếp tỏa ra từ những nếp nhà. Trẻ con vui đùa trước nhà chờ bữa tối. Đâu đó, vài người đàn ông Jrai lực lưỡng đi làm đồng về. Trên tay họ là xâu cá kiếm được trên chính đồng đất của mình. Cảnh thật bình dị và cũng đầy thân thương ấy hằn in trong tâm thức của bao người. Cái khổ, cái nghèo nơi vùng bình nguyên này đang dần quá vãng.

Anh Ksor Dương, một nông dân ở TX.Ayun Pa, ngồi với chúng tôi trong một chiều muộn. Anh kể rằng hãi hùng nhất trong ký ức là những ngày thiếu đói mùa giáp hạt. "Xung quanh ai cũng khổ, cũng đói cả, không vay mượn gạo ở đâu được. Rồi mọi chuyện giống cơn mơ đẹp. Nước về. Rồi trồng lúa hai vụ. Ăn không hết thì đem bán bớt. Xây được nhà, sắm sửa được mọi thứ cũng nhờ cây lúa. Ai mà không mừng được! Nhiều gia đình đổi đời, giàu lên từ chân ruộng. Nhà mình đào thêm ao, nuôi ít vịt, ngan. Muốn ăn lúc nào cũng sẵn, chỉ cần bước ra ao là có đồ ngon rồi. Rau sạch tự trồng. Nhà có thêm 3 ha ruộng. Mỗi năm trừ hết chi phí, sắm sửa trong nhà chút ít cũng còn dư ra chừng 150 triệu đồng", anh Dương kể.

3Cả một sự đổi thay lớn lao ở các huyện Ia Pa, Phú Thiện, TX.Ayun Pa (Gia Lai). Người dân ngoài trồng lúa còn trồng hàng ngàn héc ta mía, cây ăn trái, chăn nuôi bò… Nhiều vùng dân cư trù phú đã thành hình nơi vùng đất này. Từ đây đã xuất hiện nhiều triệu phú chân đất. Họ thành công từ chăn nuôi bò, từ nuôi trồng. Đấy là ông Nguyễn Thiện Tống ở H.Phú Thiện với đàn bò hàng trăm con có thu nhập khoảng 1 tỉ đồng/năm, hay nhiều hộ người Jrai có thu nhập hàng trăm triệu đồng từ trồng mía, trồng lúa.

Khi có điều kiện về canh tác, nhiều người dân ở đây đã đầu tư máy móc. Cơ giới hóa, khoa học kỹ thuật được đầu tư vào đồng đất. Đất đã không phụ người. Nhờ vậy, năng suất tăng lên trên cùng một diện tích canh tác. Một, hai vụ gần đây, H.Phú Thiện đưa giống lúa ST 25 trồng thí điểm và đã cho kết quả ngoài mong đợi. Giống lúa này cho năng suất 8 tấn/ha. Từ đây, một số hợp tác xã đã đem về cho nông dân trồng theo hướng hữu cơ để tăng giá trị. Thương hiệu gạo Phú Thiện cũng dần thành hình.

Tươi xanh trên bình nguyên   - Ảnh 3.

Rơm cũng được người nông dân bán tại chân ruộng.

Trần Hiếu

Trong một dịp trao đổi với chúng tôi, ông Lưu Trung Nghĩa, Giám đốc Sở NN-PTNT Gia Lai, nói: "Khu vực này thì khỏi phải nói rồi, quá tuyệt vời! Họ đã làm chủ được nhiều thứ. Có của ăn của để, nhiều người dân đầu tư vào sản xuất, cho con cái học hành chu đáo. Nhiều em đã quay về sau khi học xong, góp phần xây dựng quê hương với nhiều ngành nghề như nông nghiệp, giáo dục, y tế… Tất cả nhờ nghề nông".

Hàng ngàn héc ta lúa, nhiều vùng nước… cũng là vùng ưa thích của chim yến. Chả thế mà khu vực này được ví là "vựa yến" của Gia Lai. Hàng trăm nhà yến của người dân đã được xây dựng. Đây là nguồn thu lớn của người dân vùng bình nguyên này. Dọc QL25 bây giờ, nơi lưu dấu ký ức đường 7 đau thương năm nào với hàng ngàn người chạy loạn, ly loạn đã thành quá vãng. Hai bên nhà cửa khang trang. Ruộng lúa, ruộng mía xanh ngút mắt. Có điều kiện kinh tế, nhiều nhà sắm ô tô với tiền tươi, thóc thật. Cuộc sống đổi thay quá nhanh khiến nhiều người khi trở lại đây chỉ sau vài năm không khỏi bất ngờ.

4 Trong Đại Nam liệt truyện chính biên nhị tập viết rõ: "Đất ấy đều là cánh đồng rộng, không có núi sông hiểm trở. Trong vùng dân không biết chữ, có vay mượn thì lấy dây thắt nút làm ghi; cách sinh nhai thì đào đất trồng cấy, không có cày bừa...". Ấy là vùng bình nguyên này. Nơi đồng đất ấy, nay đã thành "đất vàng". Cuộc sống của cộng đồng Jrai đã quá đổi khác, ấm no. 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.