Tượng đài bóng đá

08/06/2014 09:00 GMT+7

Nhắc tới cái tên Phạm Huỳnh Tam Lang , người hâm mộ bóng đá VN không thể không nhớ tới hình bóng oai hùng của thủ lĩnh đội tuyển miền Nam giành Cúp vàng Merdeka 1966, của người thuyền trưởng chèo lái con tàu mang tên Cảng Sài Gòn vượt phong ba đem về cho bóng đá TP.HCM 4 chức vô địch quốc gia. Không thể nói khác, ông là một tượng đài bóng đá sừng sững.

Phạm Huỳnh Tam Lang với Cúp Merdeka năm 1966 và trong một trận đấu trước năm1975 - Ảnh: Tư liệu

 

Ảnh: Khả hòa

Người Nhật phải học “bò cạp nước”

 

Bóng đá VN không thiếu tài năng mà một trong những tấm gương sáng đó là Tam Lang. Ông ấy chính là biểu hiện của sự thông minh, nhân hậu và phấn đấu bền bỉ

Cựu HLV trưởng đội tuyển VN K.H.Weigang

Việc đội tuyển miền Nam VN giành chiến thắng ở Merdeka Cúp 1966 và hình ảnh thủ quân Tam Lang giơ cao chiếc Cúp vàng danh giá sẽ luôn là niềm tự hào vô bờ của làng cầu VN trước đây và cả sau này. Nhưng với riêng Tam Lang, chi tiết đáng nói nhất chính là cú xoạc bóng đã đưa tên tuổi ông thành thương hiệu. Cựu danh thủ Nguyễn Văn Mộng, người đồng đội gắn kết một thời với Tam Lang nhớ lại: “Bước vào trận chung kết với Miến Điện, khi đó hàng tấn công của đội tuyển VNCH rất đồng đều, nhưng thế thủ thì tầm vóc không được ngon lắm, trừ Tam Lang. Điều này rõ ràng là bất lợi khi đối đầu với lối tấn công bão táp của Miến Điện. Thế nhưng dưới sự chỉ huy rất xuất sắc và tỉnh táo của trung vệ Tam Lang, cả đội đã chặn đứng hết tất cả các cơ hội của đối phương. Ngày ấy anh nổi danh với tuyệt kỹ phá bóng từ phía sau mang tên “bọ cạp nước”. Biệt danh này bắt nguồn từ chỗ: những cú ra đòn của con bọ cạp thường rất chính xác và rất... độc. Vì vậy, anh em mới dùng hình ảnh con bọ cạp để nói về cú bay người “cạp” bóng từ phía sau của ảnh. Những cú “cạp” bóng này luôn cực kỳ khôn ngoan và chính xác khiến đối thủ mất bóng mà không hề dính chấn thương. Hồi đó chính người Nhật đã quay phim ngón độc này của anh để tập luyện”.

Theo ông Mộng, kỹ thuật “ra đòn” này của Tam Lang có thể xem là tuyệt chiêu bởi khi bay người phá bóng phía sau rất dễ bị phạt lẫn nhận thẻ từ trọng tài. Nhưng với Tam Lang, dù chạy sau đối thủ 3 đến 4 bước chân, người trung vệ đội trưởng này vẫn thực hiện những cú bay chuồi phá bóng chính xác trong chân đối phương. Không riêng trận chung kết góp phần mang vinh quang về cho đất nước mà trong nhiều trận khác, chính Tam Lang đã cứu thua cho đội tuyển cũng như CLB mà ông khoác áo bằng miếng “bọ cạp” này. Ông Mộng nhớ lại: “Hồi đó rất nhiều tiền đạo trong và ngoài nước rất ngán miếng “cạp” của Tam Lang. Sau này tôi cũng đá trung vệ và học theo Tam Lang rất nhiều. Nhưng phải nói thật có anh ấy chỉ huy trong hàng phòng ngự, chúng tôi rất vững lòng”.

Tấm gương sáng trên sân cỏ

Không phải ngẫu nhiên mà nhiều học trò ở đội Cảng Sài Gòn (CSG) và rất nhiều bạn bè, đồng nghiệp khi đến viếng ông ở nhà tang lễ TP.HCM đều bồi hồi nhắc đến tính cách rất dễ gần, dễ mến và tấm lòng khoan dung, chân thành của ông trên sân cỏ lẫn ngoài đời. Cựu trợ lý HLV Vũ Tiến Thành nói: “Anh Tam Lang là người hết sức ngay thẳng và rất có trách nhiệm với công việc của mình. Ít khi nào anh nói về mình và hay lảng tránh khi nhận được lời khen vì anh thường nói với tôi bóng đá là trò chơi tập thể, không nên đề cao bất cứ một cá nhân nào. Nhất là HLV thì càng phải lùi về phía sau để dành phần thưởng đó cho tập thể cầu thủ. Dù từng 4 lần dẫn dắt CSG vô địch quốc gia và 2 lần đoạt Cúp quốc gia nhưng không bao giờ anh tự cho rằng có vai trò đóng góp quan trọng của mình. Anh từng nói nhà cầm quân dù hay cách mấy nhưng để biến ý đồ của mình thành hiện thực trên sân thì cầu thủ mới là nhân tố quan trọng nhất. Không có nỗ lực và quyết tâm sáng tạo của họ thì công sức của HLV cũng vứt đi. Do vậy, phải trân trọng và gìn giữ những đôi chân cho họ để cầu thủ luôn hết lòng và tận tụy với chuyên môn của mình”.

Ông Thành cũng nhắc lại thời gian làm chung đội tuyển trong vai trò trợ lý cho HLV Colin Murphy, Alfred Riedl và Dido, nhiều lần Tam Lang đã nói chuyện với cầu thủ: “Các em bây giờ có may mắn hơn thế hệ cha anh khi được sống trong môi trường tốt, có nhiều điều kiện trui rèn phấn đấu vì thế hãy cố gắng học hỏi, phát huy hết phẩm chất của mình, xây dựng văn hóa thi đấu trên sân cỏ cho thật tốt. Tuyệt đối không nên dính vào bán độ vì nó không chỉ hủy hoại tương lai mà còn đánh mất lòng tin của công chúng với bóng đá VN”. Chính Tam Lang cũng là người đã hóa giải thành công tranh chấp vai trò thủ lĩnh giữa Hồng Sơn và Vũ Minh Hiếu ở đội tuyển.

Cựu danh thủ Đặng Trần Chỉnh, người đã có thâm niên gắn bó công việc HLV với thầy Tam Lang cũng nhìn nhận: “Thú thật không phải tôi đề cao thầy chứ tôi chưa từng thấy ai sống hòa mình, hết lòng với đàn em nhưng luôn có tính kỷ luật cao như thầy Tam Lang. Tôi còn nhớ khi CSG xảy ra vài sự cố thì trong lúc tinh thần cả đội đang dao động, chính thầy Tam Lang đứng ra nhận hết dù thầy không hề liên quan đến bất cứ hành vi nào của học trò. Nhưng thầy luôn có sự dũng cảm, chấp nhận đương đầu khó khăn”. Đúng là suốt gần 20 năm xem và theo chân đội CSG, người viết từng chứng kiến nhiều lần HLV Tam Lang công khai nhận lỗi khi học trò mình có vài hành vi nóng nảy trên sân cỏ.

Tôi còn nhớ có lần phỏng vấn cựu HLV trưởng đội tuyển VN K.H.Weigang vào những năm 1995 - 1996 khi ông dẫn dắt đội tuyển đoạt á quân SEA Games, ông nói: “Bóng đá VN không thiếu tài năng mà một trong những tấm gương sáng đó là Tam Lang. Ông ấy chính là biểu hiện của sự thông minh, nhân hậu và phấn đấu bền bỉ. Tôi biết đó là một con người rất chịu khó, thường xuyên theo học các lớp đào tạo, tự mày mò kiến thức, ngoại ngữ và còn vinh dự là “cầu thủ chế độ cũ” đứng vào hàng ngũ Đảng CSVN. Ông ấy xứng đáng là một trong những cầu thủ tiêu biểu nhất của bóng đá VN”. Thật xúc động khi chính ông Weigang đã gửi vòng hoa đến viếng HLV Tam Lang. 

Phạm Huỳnh Tam Lang (1942 - 2014) sinh tại Gò Công, Tiền Giang. Cha ông là liệt sĩ chống Pháp, hy sinh năm 1945. Khi còn là học sinh, ông thi đấu cho đội tuyển của Trường trung học Petrus Ký (nay là Trường Lê Hồng Phong, TP.HCM). Năm 1957, lúc mới 15 tuổi, ông vào thi đấu ở đội Ngôi sao Chợ Lớn. Năm 1960, khi 18 tuổi, Tam Lang được gọi vào đội tuyển miền Nam. Ông sớm chiếm được vị trí trong đội hình chính thức và dần giữ vai thủ quân của đội tuyển miền Nam, vô địch Cúp Merdeka và cùng cựu danh thủ Đỗ Thới Vinh được mời vào đội tuyển "Ngôi sao châu Á" năm 1966.

Ở cấp câu lạc bộ, Tam Lang từng chơi cho các đội bóng lừng danh thời bấy giờ như AJS và CSG, dẫn dắt đội này giành 4 chức vô địch các mùa bóng: 1986, 1993 - 1994, 1997, 2001 - 2002 và 2 danh hiệu vô địch Cúp quốc gia 1992 và 2000. Ông cũng nhiều lần được mời vào vị trí trợ lý huấn luyện viên của đội tuyển VN tại giải SEA Games 1997, 1999, 2001 và Tiger Cup 1998, 2000.

Năm 2003, sau khi đội bóng CSG bị xuống hạng và sau đó chuyển giao cho Thép Miền Nam, Tam Lang cũng chính thức giã từ sự nghiệp HLV, kết thúc 28 năm nắm đội. Tam Lang cùng cựu danh thủ Lê Thế Thọ được đề cử vào danh sách cầu thủ vàng 50 năm của bóng đá VN. Năm 2013, ông vinh dự nhận giải Vinh danh fair play cho sự cống hiến với bóng đá VN do Báo Pháp Luật TP.HCM trao.

Quang Tuyến

>> Người Việt tài trí: Người thầy của một thế hệ
>> Người Việt tài trí: Người thầy độc đáo
>> Người Việt tài trí: Nghệ sĩ vĩ cầm Việt định danh trên thế giới
>> Người Việt tài trí: Giọng ca trầm buồn như sóng biển

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.