Đại tá quân đội Niger Amadou Abdramane ngày 28.7 thông báo trên truyền hình nhà nước rằng tướng Abdourahamane Tiani, người đứng đầu lực lượng bảo vệ tổng thống nhưng đã lật đổ Tổng thống Niger Mohamed Bazoum trong tuần này, hiện là nguyên thủ quốc gia mới của Niger, theo Reuters. Ông Abdramane còn cho biết hiến pháp đã bị đình chỉ.
Sau khi ông Abdramane đưa ra tuyên bố trên, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken nói với ông Bazoum trong một cuộc điện đàm rằng Mỹ sẽ làm việc để đảm bảo khôi phục hoàn toàn trật tự hiến pháp ở Niger, theo Reuters dẫn thông báo từ Bộ Ngoại giao Mỹ. Ông Blinken cũng đã nói chuyện riêng với Ngoại trưởng Pháp Catherine Colonna về những nỗ lực khôi phục trật tự hiến pháp ở Niger.
Trước đó, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ cho hay các nhà lãnh đạo quân sự từ các quốc gia thuộc Cộng đồng kinh tế quốc gia Tây Phi (ECOWAS) và các đối tác quốc tế bao gồm cả Mỹ đang liên lạc với nhiều nhà lãnh đạo quân sự ở Niger.
Cuộc đảo chính ở Niger đặt phương Tây vào thế đối đầu Nga
Ngoài ra, ông John Kirby, điều phối viên về truyền thông chiến lược của Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ, cho biết Washington lên án bất kỳ nỗ lực nhằm giành chính quyền bằng vũ lực, đồng thời cảnh báo việc quân đội tiếp quản có thể khiến Mỹ ngừng hợp tác an ninh và các hoạt động khác với Niger.
Niger là một đối tác quan trọng trong cuộc chiến của Washington chống lại quân nổi dậy Hồi giáo. Quân nhân Mỹ đã và đang huấn luyện các lực lượng địa phương để chống lại các nhóm nổi dậy.
Chính quyền Tổng thống Joe Biden cũng đã coi Niger là một câu chuyện thành công về dân chủ trong khu vực. "Việc tiếp quản quân sự có thể khiến Mỹ ngừng hợp tác an ninh và hợp tác khác với chính phủ Niger, gây nguy hiểm cho các mối quan hệ đối tác an ninh và phi an ninh hiện có", ông Kirby cảnh báo, và cho hay Mỹ "quan ngại sâu sắc" về những diễn biến ở Niger.
Luật về viện trợ nước ngoài của Mỹ nghiêm cấm hầu hết các hỗ trợ cho bất kỳ quốc gia mà người đứng đầu chính phủ được bầu đã bị phế truất trong một cuộc đảo chính hoặc bằng sắc lệnh, trừ khi ngoại trưởng Mỹ xác định rằng việc cung cấp viện trợ là vì lợi ích an ninh quốc gia của Mỹ, theo Reuters.
Cho đến nay trong năm tài chính 2023, Mỹ đã cung cấp gần 138 triệu USD hỗ trợ nhân đạo cho những người dân dễ bị tổn thương ở Niger, theo phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ.
Từ năm tài chính 2017-2022, Mỹ đã cam kết hỗ trợ an ninh trị giá 281 triệu USD cho các hoạt động chống khủng bố, thực thi pháp luật, các tổ chức tư pháp và những mục đích sử dụng khác ở Niger.
Hiện có khoảng 1.100 lính Mỹ ở Niger, nơi quân đội Mỹ hoạt động từ hai căn cứ. Lầu Năm Góc ngày 28.7 cho hay Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin đang theo dõi chặt chẽ diễn biến ở Niger.
Bình luận (0)