Tượng Di Lặc trên núi Bà Đen mang hồn cốt của 'An Nam tứ đại khí'

05/04/2024 15:43 GMT+7

Đó là nhận định của GS Trần Lâm Biền - nhà nghiên cứu Di sản văn hóa Việt Nam - khi nói về tôn tượng Bồ Tát Di Lặc trên đỉnh núi Bà Đen (Tây Ninh).

Được tạo tác từ 6.688 viên đá sa thạch theo một cách thức gợi liên tưởng đến bí quyết người Ai Cập cổ tạo nên Kim Tự Tháp, tôn tượng Bồ Tát Di Lặc được giới chuyên gia đánh giá là một công trình tâm linh có ý nghĩa đặc biệt với ngọn núi thiêng Bà Đen.

Tượng Di Lặc trên núi Bà Đen mang hồn cốt của 'An Nam tứ đại khí'- Ảnh 1.

Đây là công trình Phật giáo được tôn tạo theo một cách công phu, thậm chí là không tưởng để trở thành kiệt tác kiến trúc, kỳ tích của ngành kiến trúc và xây dựng


“Thiêng hoá” thêm ngọn núi thiêng

Núi Bà Đen được biết đến là một trong số ít các huyệt đạo thiêng nhất của nước Việt Nam, đặc biệt nơi đây gắn liền huyền tích về Linh Sơn Thánh Mẫu - một tượng đài trong đời sống tín ngưỡng của người dân Nam bộ.

Trong Gia Định thành thông chí - một sử liệu quan trọng về Nam bộ thời nhà Nguyễn của Trịnh Hoài Đức viết vào đầu thế kỷ 19, núi Bà Đen được mô tả như sau: “Giữa đất đồng bằng nổi lên ngọn núi Bà Đinh (Bà Đen), ngày đẹp trời, từ Sài Gòn có thể thấy ngọn núi này mờ mờ hiện ra trong mây mù. Tương truyền đây là ngọn núi thiêng, có chuông vàng ẩn hiện trong hồ, đêm trăng, có thuyền rồng bơi lượn múa hát du dương…”. Theo đó, núi Bà Đen được coi là ngọn núi thiêng, ngọn núi chính trấn thành Gia Định (tức Sài Gòn), giống như núi Tản Viên ở Thăng Long hay núi Ngự Bình ở cố đô Huế.

Tượng Di Lặc trên núi Bà Đen mang hồn cốt của 'An Nam tứ đại khí'- Ảnh 2.

Núi Bà Đen được coi là ngọn núi thiêng, ngọn núi chính trấn thành Gia Định (tức Sài Gòn)

Theo GS-TS Trần Lâm Biền, vốn dĩ giữa cánh đồng mênh mông nổi lên ngọn núi đơn côi một mình, thì bao giờ núi ấy cũng thiêng. Đây chính là ngọn núi hút sinh lực của trời cha xuống cho lòng đất để cho muôn loài sinh sôi. Đó cũng chính là một trục vũ trụ nối trời với đất để thúc đẩy cho hạnh phúc được tràn đầy trong tất cả mọi nhà, mọi nơi.

Vậy, giữa ngọn núi thiêng ngàn năm này, sự an vị của tôn tượng Bồ Tát Di Lặc lưng tựa vào núi, mắt hướng ra vùng đồng bằng trù phú cùng nụ cười hoan hỉ có ý nghĩa như thế nào?

Nhiều chuyên gia văn hoá tin rằng, tôn tượng Di Lặc Bồ Tát đã góp phần thêm “thiêng hóa” thêm cho ngọn núi vốn linh thiêng, và nói lên ước vọng của con người hướng đến niềm vui và an lạc.

Nhà nghiên cứu Trần Lâm Biền chỉ rõ: Đá bao giờ cũng truyền tải sự linh thiêng. Vì vậy, sự tồn tại của tượng Bồ Tát Di Lặc bằng đá sa thạch đặc biệt phù hợp với vùng biên giới này, tự thân nó đã toát lên ý nghĩa thiêng liêng. “Tôn tượng chính là hiện thực hóa cho ước mơ về vùng đất yên hòa, bình an, và để lòng người hướng đến tâm trong sáng, đẹp đẽ” - vị này nói.

Tượng Di Lặc trên núi Bà Đen mang hồn cốt của 'An Nam tứ đại khí'- Ảnh 3.

Tôn tượng Bồ Tát Di Lặc nằm ở độ cao hơn 900m trên đỉnh núi Bà Đen

An vị trên độ cao gần 1.000m so với mực nước biển, tôn tượng Bồ Tát Di Lặc được tạo tác ở tư thế ngồi tựa lưng vào núi, cổ đeo Phật châu, bàn tay thủ ấn, khuôn mặt hiền từ, nụ cười hoan hỉ và ánh mắt từ ái. Giáo sư Trần Lâm Biền cũng cho biết, tượng Di Lặc trên núi Bà Đen đã phục dựng được hình tượng Phật Di Lặc tại chùa Quỳnh Lâm từ thời Lý Trần - một trong “An Nam tứ đại khí” đã bị thất truyền từ thời Minh (gồm Tháp Báo Thiên, chuông Quy Điền, vạc Phổ Minh và tượng Phật chùa Quỳnh Lâm).

“Rõ ràng tôn tạo tượng Di Lặc Bồ Tát là mong muốn giữ lại hồn cốt của tượng Di Lặc từ thời Lý Trần. Việc phục dựng này đã phản ánh tinh thần yêu nước của những người Việt” - GS Trần Lâm Biền nhận xét.

GS Biền cũng đặc biệt đề cao và ghi nhận ý nghĩa, giá trị của công trình này khi đặt trong quần thể văn hóa tâm linh núi Bà Đen được đầu tư công phu, tinh tế, như tượng Phật Bà Tây Bổ Đà Sơn, triển lãm mô hình các ngôi chùa cổ Việt Nam…

Tượng Di Lặc trên núi Bà Đen mang hồn cốt của 'An Nam tứ đại khí'- Ảnh 4.

Khâu chế tác tượng vô cùng phức tạp trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt của vùng núi cao

Một công trình kỳ vĩ và khác biệt

Trên thế giới và ngay tại Việt Nam, hiện có khá nhiều công trình Phật giáo khổng lồ được làm bằng nhiều chất liệu khác nhau như bê tông, đá nguyên khối, thậm chí là vàng nguyên khối. Nhưng, tượng Di Lặc Bồ Tát trên núi Bà Đen là công trình Phật giáo hiếm hoi trên thế giới được tạo tác từ hàng ngàn viên đá sa thạch, được các chuyên gia đánh giá là một công trình kỳ vĩ và khác biệt.

Nhiều chuyên gia cho rằng, giá trị độc bản của tượng Di Lặc Bồ Tát nằm ở sự kỳ công lắp ghép 6.688 viên đá sa thạch có tổng trọng lượng nặng hơn 5.000 tấn. Mỗi viên đá nặng từ 1,2 -1,5 tấn được điêu khắc với một kích thước riêng và được ghép lại với độ chính xác tính từng centimet. Có những viên đá ở vị trí khó như mũi, miệng, bàn tay tượng Di Lặc, đơn vị thi công có khi phải mất đến 3 - 4 ngày chỉ để ghép một viên với biện pháp treo ngược đá chưa từng được ứng dụng tại Việt Nam.

Tượng Di Lặc trên núi Bà Đen mang hồn cốt của 'An Nam tứ đại khí'- Ảnh 5.

Không phải nơi đâu ở tại Việt Nam mà ngay cả trong khu vực cũng khó tìm được một công trình lớn như vậy


Theo PGS-TS Phạm Trung Lương, nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Du lịch, đây là công trình hết sức kỳ vĩ ở ngay góc độ vật lý chứ chưa nói đến góc độ tâm linh. “Đó là sự hấp dẫn từ sự khác biệt, sự kỳ vĩ. Không phải nơi đâu ở tại Việt Nam mà ngay cả trong khu vực cũng khó tìm được một công trình lớn như vậy” - ông Phạm Trung Lương nhận xét.

Ngự tọa trên đỉnh núi Bà Đen cùng một quần thể các công trình tâm linh kỳ vĩ, tượng Di Lặc Bồ Tát còn mang đến nhiều trải nghiệm văn hóa tâm linh mới mẻ cho du khách khi đến với nóc nhà của Nam bộ. Dưới chân tượng Di Lặc là Cầu Ước, cây cầu hình vòng cung độc đáo để du khách chiêm bái vị Bồ Tát đại diện cho lòng hỉ xả, và ngắm nhìn toàn cảnh hồ Dầu Tiếng mênh mông. Từ đây, du khách cũng có thể xem show nhạc nước với các hiệu ứng âm thanh ánh sáng đậm sắc màu thiền định bên tôn tượng.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Thị Thúy Hằng - Viện trưởng Viện Khoa học Văn hóa Tâm linh phi vật thể cũng khẳng định: Với chiều cao 36m, đây là pho tượng hết sức đồ sộ, là niềm tự hào của người dân Tây Ninh và người dân Việt Nam nói chung. Tượng Di Lặc được đặt cùng rất nhiều trải nghiệm khám phá văn hóa Phật giáo mới mẻ trên đỉnh núi Bà Đen. Bà Hằng tin rằng: “Tây Ninh sẽ là nơi khởi nguồn đầu tiên tại Việt Nam đưa ra thế giới những hiểu biết và những điểm tham quan về du lịch tâm linh Việt Nam một cách bài bản, chuyên sâu và chuyên nghiệp”.

Được an vị trên đỉnh núi Bà Đen từ cuối năm 2023, Tôn tượng Di Lặc Bồ Tát hút hàng triệu người dân và du khách đến chiêm bái. Theo thông tin từ KDL Sun World Ba Den Mountain, đã có gần 3 triệu lượt khách đi cáp treo lên núi Bà Đen trong quý 1/2024, đưa Tây Ninh trở thành một trong những điểm đến hành hương hàng đầu tại Việt Nam. 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.