Tượng Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn cưỡi ngựa không sao chép Quan Vân Trường

10/05/2022 17:20 GMT+7

Theo Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, việc xây dựng tượng Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn ở khu du lịch Hồ Mây không phải là hình ảnh sao chép Quan Vân Trường.

Trước đó, ngày 11.4.2022, trên mạng xã hội facebook có bài viết “Cần phải dẹp cái tượng sao chép không nghiên cứu gấp này” của tác giả Phan Ng Dũng (Trạng Tèo), kèm theo hình ảnh bức tượng Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn cưỡi ngựa đặt trên khu du lịch Hồ Mây (TP.Vũng Tàu, Bà Rịa-VũngTàu) có một số nội dung không phù hợp, như Đức Thánh Trần không cưỡi ngựa bao giờ mà ngài cưỡi hắc tượng (voi đen).

Bức tượng Hưng Đạo đại vương tại khu du lịch Hồ Mây

CTV

Ngài Hưng Đạo đại vương không dùng trường long đao mà dùng kiếm. Đức Thánh Trần mất do tuổi cao sức yếu chứ không chết trận mà lại dùng ngựa lồng hai chân trước. Theo quy định văn hóa tượng đài, nhân vật cưỡi ngựa của thế giới đã được thống nhất trong Công ước quốc tế thì tướng chết trận hoặc bị xử tử trên chiến trường thì ngựa được đứng bằng 2 chân, hai chân lồng lên. Sao chép hình ảnh Quan Vân Trường bị tử trận ở Phàn Thành với Xích thố lồng lên và Thanh Long đao.

Sau đó, Sở Văn hóa - Thể thao tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu phối hợp với Phòng Văn hóa - Thông tin TP.Vũng Tàu, UBND P.Thắng Nhì đã làm việc với Công ty CP du lịch Cáp treo Vũng Tàu về việc dựng, đặt tượng Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn.

Tại buổi làm việc, Công ty CP du lịch Cáp treo Vũng Tàu cho biết bức tượng do nhóm nghệ nhân Quảng Nam chế tác, xây dựng và hoàn thành năm 2018. Tượng có chiều cao 3 m bằng bê tông, sơn phủ đồng, được xây dựng sau khi tham khảo các tư liệu về danh tướng Trần Hưng Đạo.

Công trình này nằm trong quy hoạch chi tiết 1/500 khu du lịch Hồ Mây Park Vũng Tàu được UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu phê duyệt, được Sở Xây dựng cấp giấy phép năm 2018.

Tại buổi làm việc, các thành viên đoàn kiểm tra đều khẳng định bức tượng có nhiều chi tiết không giống với Quan Vân Trường như phản ánh của các thông tin mạng xã hội.

Nhằm xác định tính mỹ thuật của bức tượng, ngày 15.4, Sở Văn hóa - Thể thao tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã thành lập Hội đồng nghệ thuật gồm đại diện lãnh đạo Sở Văn hóa - Thể thao, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Hội Khoa học – lịch sử tỉnh, Sở Xây dựng, các họa sĩ, nhà điêu khắc là Hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam trên địa bàn tỉnh, Hội Văn học – nghệ thuật tỉnh.

Ngày 18.4, tại Khu du lịch Hồ Mây, Hội đồng nghệ thuật đã làm việc với Công ty CP du lịch Cáp treo Vũng Tàu. Tại buổi làm việc, hầu hết các ý kiến của thành viên Hội đồng đều khẳng định bức tượng tại khu du lịch Hồ Mây không sao chép hình ảnh Quan Vân Trường, tuy nhiên do chi tiết tư thế cưỡi ngựa, cầm đao nên có người liên tưởng tới hình ảnh Quan Vân Trường; bức tượng chưa thể hiện nổi bật được thần thái của vị tướng Trần Hưng Đạo, có những chi tiết chưa đảm bảo yếu tố thẩm mỹ.

Các bức tượng Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn hầu hết đều lấy tư thế, vóc dáng danh tướng đứng thẳng, đeo kiếm, chỉ tay ra xa hoặc cầm cuốn binh thư yếu lược (không sử dụng tư thế cưỡi ngựa).

Theo Sở Văn hóa - Thể thao tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, việc xây dựng tượng Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn và các tượng danh nhân tại khu du lịch Hồ Mây với mục đích tích cực, tạo sản phẩm để các du khách thưởng lãm và tuyên truyền về lịch sử truyền thống của dân tộc.

Bức tượng Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn đặt tại Khu du lịch Hồ Mây xét về tổng thể không phải là hình ảnh sao chép Quan Vân Trường.

Tuy nhiên, có 2 chi tiết là tư thế Hưng Đạo đại Vương cưỡi ngựa và cầm đao nên có một số người liên tưởng tới tư thế và vũ khí Quan Vân Trường hay sử dụng.

Các họa sỹ, nhà điêu khắc trong Hội đồng nghệ thuật cũng nhận xét về mặt thẩm mỹ bức tượng có những chi tiết chưa cân đối, chưa thể hiện được thần thái của một danh tướng.

Qua tra cứu và liên hệ nắm thông tin từ Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, một số cán bộ làm công tác đối ngoại thì tại Việt Nam hiện nay không áp dụng Công ước nào về văn hóa tượng đài danh nhân cưỡi ngựa như ý kiến phản ánh.

Các chi tiết Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn không cưỡi ngựa mà cưỡi hắc tượng (voi đen) và dùng kiếm chứ không dùng trường long đao hiện nay chưa đủ các tư liệu lịch sử để xác định.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.