Tương lai bất định cho Syria sau khi quân đối lập lật đổ Tổng thống al-Assad

Tương lai bất định cho Syria sau khi quân đối lập lật đổ Tổng thống al-Assad

09/12/2024 19:00 GMT+7

Quân nổi dậy Syria tuyên bố lật đổ Tổng thống Bashar al-Assad hôm 8.12 trong một cuộc tấn công chớp nhoáng diễn ra sau hơn một thập niên xung đột trong nước. Nga cho biết ông Assad đã ra lệnh chuyển giao quyền lực trong hòa bình và rời khỏi Syria, nhưng quá trình chuyển giao suôn sẻ sẽ là thách thức lớn.

Tiếng súng ăn mừng vang lên khắp thủ đô Syria hôm 8.12, khi lực lượng nổi dậy tuyên bố đã giành quyền kiểm soát Damascus - và lật đổ Tổng thống Bashar al-Assad.

Diễn biến này đánh dấu sự cáo chung của chính quyền ông Assad, sau hơn 13 năm nội chiến, trong một thời điểm địa chấn ở Trung Đông.

Sau khi giành được thắng lợi bất ngờ cách đây một tuần, quân nổi dậy hôm 8.12 thông báo đã lật đổ tổng thống.

Liên minh nổi dậy Syria ra tuyên bố cho biết đang nỗ lực hoàn tất việc chuyển giao quyền lực cho một cơ quan quản lý chuyển tiếp với toàn quyền hành pháp.

Lực lượng nổi dậy nói thêm rằng: "Cuộc cách mạng vĩ đại ở Syria đã chuyển từ giai đoạn đấu tranh lật đổ chế độ ông Assad sang giai đoạn đấu tranh để cùng nhau xây dựng một Syria xứng đáng với sự hy sinh của người dân".

Tương lai bất định cho Syria sau khi quân đối lập lật đổ Tổng thống al-Assad- Ảnh 1.

Người dân cầm cờ của phe đối lập Syria ăn mừng sau khi phiến quân Syria tuyên bố lật đổ Tổng thống Bashar al-Assad

ẢNH: REUTERS

Theo các nguồn tin quân đội, ông Assad đã rời Damascus hôm 8.12.

Bộ Ngoại giao Nga sau đó cho biết ông Assad đã rời khỏi đất nước sau khi ra lệnh chuyển giao quyền lực một cách hòa bình.

Khi người dân ăn mừng sự sụp đổ của quân chính phủ ở các thành phố như Aleppo, Thủ tướng Syria Mohammad Ghazi al-Jalali cho biết ông đã liên hệ với chỉ huy lực lượng đối lập Abu Mohammed al-Golani để thảo luận về việc quản lý giai đoạn chuyển tiếp.

Điều đó đánh dấu một bước phát triển đáng chú ý trong nỗ lực định hình tương lai chính trị của Syria.

Thủ tướng cũng kêu gọi bầu cử tự do để người dân Syria có thể lựa chọn những nhà lãnh đạo mà họ muốn.

Nhưng điều này sẽ đòi hỏi một quá trình chuyển đổi suôn sẻ ở một quốc gia có những lợi ích cạnh tranh phức tạp, từ các nhóm tay súng Hồi giáo đến các nhóm có liên hệ với Mỹ, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ.

Việc lật đổ ông Assad là đòn giáng mạnh vào ảnh hưởng của Nga và Iran trong khu vực.

Đó là những đồng minh chủ chốt đã hỗ trợ ông trong những thời điểm quan trọng của cuộc xung đột kéo dài.

Các sự kiện diễn ra dồn dập đã khiến các thủ đô Ả Rập choáng váng và làm dấy lên lo ngại về một làn sóng bất ổn mới trong khu vực.

Những diễn biến mới cũng đánh dấu một bước ngoặt đối với Syria, đất nước đã chìm trong nhiều năm xung đột khiến hàng trăm nghìn người thiệt mạng.

Cuộc chiến đã buộc hàng triệu người phải tị nạn ra nước ngoài - nhiều người trong số họ đã bày tỏ vui mừng vào hôm 8.12 trên đường phố từ Li Băng đến Đức.

Các chính phủ phương Tây từ lâu đã xa lánh nhà nước do ông Assad lãnh đạo.

Nhưng bây giờ họ phải quyết định làm thế nào để đối phó với một chính quyền mới có vẻ như đang chịu ảnh hưởng từ một nhóm bị nhiều nước và tổ chức quốc tế xem là khủng bố.

Dưới sự lãnh đạo của chỉ huy Golani, Hayat Tahrir al-Sham (hay HTS) là nhóm nổi dậy mạnh nhất ở Syria.

Nhóm này từng là một chi nhánh của al-Qaeda và một số người Syria lo ngại rằng nhóm sẽ áp đặt sự cai trị hà khắc theo luật Hồi giáo.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.