Tương lai của cô học trò mồ côi quá khó khăn

27/09/2022 10:00 GMT+7

Là trẻ mồ côi cả cha lẫn mẹ khi mới hơn 1 tuổi, Hồ Thị Bích Trâm (18 tuổi, ở TP.Tuy Hòa, Phú Yên) vẫn luôn cố gắng từng ngày, dù cho con đường phía trước đầy rẫy những chông gai.

Ngôi nhà cấp 4 chật hẹp nằm sâu trong hẻm nhỏ ở P.2, TP.Tuy Hòa là nơi sinh sống của Trâm và bà ngoại năm nay đã 84 tuổi. Vào những ngày này, khi bạn bè cùng trang lứa chuẩn bị hành trang bước vào giảng đường đại học thì Bích Trâm vẫn miệt mài với công việc làm phục vụ quán cà phê để kiếm thêm thu nhập trang trải cuộc sống và lo cho việc học.

“Sau khi thi tốt nghiệp THPT xong, em xin vô làm thời vụ của quán cà phê này nhằm tích góp được khoản tiền nho nhỏ để vào đại học. Và em cũng muốn kiếm thêm tiền để ngoại bớt đi phần lo lắng”, Trâm bộc bạch.

Những ngày nghỉ, Trâm tranh thủ đi làm thêm để có tiền học đại học

NHƯ QUỲNH

Chia sẻ về việc làm thêm này, Trâm cho biết việc phục vụ cà phê đã gắn bó với mình từ năm học lớp 10 đến nay, khi em còn là học sinh Trường THPT Nguyễn Huệ (TP.Tuy Hòa). “Những ngày có thời gian rảnh hay những ngày lễ, tết em đều tranh thủ xin làm để kiếm tiền”, Trâm cho biết thêm.

Dù không được may mắn như bao bạn bè cùng trang lứa nhưng Trâm luôn cố gắng, nỗ lực hết mình trong cuộc sống cũng như học tập. Trong kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa rồi, Trâm đã đỗ tốt nghiệp THPT, xét học bạ đỗ vào Khoa Công nghệ sinh học của Trường ĐH Đà Lạt, có điểm tổ hợp môn xét tuyển là 24.

Là giáo viên chủ nhiệm 3 năm THPT của Trâm, khi nhắc về cô học trò nhỏ này, cô Lê Hoàng Thảo Ly cho biết Trâm mồ côi cả cha và mẹ, hoàn cảnh rất khó khăn, nhưng là một học sinh chăm ngoan, là một tấm gương có nghị lực vượt khó. “Em vừa học vừa làm, giúp bà ngoại già yếu. Trâm luôn nỗ lực vươn lên trong học tập, vượt qua nghịch cảnh và mặc cảm để hòa nhập với bạn bè, tích cực tham gia các phong trào của trường lớp”, cô Thảo Ly nói.

Nhắc về hoàn cảnh của Trâm, ai cũng xúc động. Vào một buổi chiều năm 2006, do đường xa, ba Trâm đã chở mẹ Trâm (là cô giáo) đi dạy ở huyện miền núi Đồng Xuân (Phú Yên) nhưng không may gặp tai nạn giao thông và cả hai không qua khỏi. “Lúc ba mẹ Trâm gặp nạn, Trâm còn quá nhỏ…”, bà Nguyễn Thị Ngọc Liên (bà ngoại Trâm) xúc động nhớ lại.

Trâm còn một người anh. Cha mẹ mất sớm, hai anh em Trâm lớn lên bằng tình thương yêu, sự che chở của ông bà ngoại và người cậu nghèo chạy xích lô ở cùng nhà. Bà ngoại lớn tuổi hay đau ốm, chỉ ở nhà. Ông ngoại thì đi bán vé số dạo rồi qua đời năm 2016. Gia cảnh khó khăn, anh trai Trâm bỏ học, đi làm thuê rồi sa vào sai lầm, đang phải trả giá… Bây giờ, thu nhập chính của hai bà cháu nhờ vào mấy trăm ngàn tiền trợ cấp hộ nghèo và người già của bà ngoại.

Cánh cửa đại học mở ra với Trâm nhưng chặng đường phía trước lại chìm trong bóng tối. “Trâm không có cha mẹ, còn tôi thì già yếu, các dì và cậu của cháu cũng khó khăn. Nghe tin Trâm đỗ đại học, tôi mừng vô cùng nhưng cũng khóc thầm hoài vì biết lấy gì để cháu vào trường, rồi cả 4 - 5 năm học nữa...”, bà Liên nghẹn ngào.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.