Tôn vinh văn hóa đọc:

Tương lai của sách là xán lạn, nếu nhìn từ góc độ đa nền tảng

Ngữ Yên
(thực hiện)
21/04/2023 07:28 GMT+7

Hôm nay 21.4, Ngày Sách và Văn hóa đọc VN lần thứ 2 - năm 2023 được tổ chức tại Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên-Huế (Quốc Tử GiámHuế), với thông điệp: “Sách: Nhận thức - Đổi mới - Sáng tạo” và “Sách cho tôi, cho bạn”. Các hoạt động hưởng ứng diễn ra đến hếttháng 4, trong đó Bộ Thông tin và Truyền thông tặng 3.000 cuốn sách cho huyện A Lưới (Thừa Thiên-Huế); UBND tỉnh Thừa Thiên-Huếchuyển giao 770 ấn phẩm Tủ sách Huế đến 49 điểm thư viện trong tỉnh để quảng bá văn hóa Huế. Tất cả nhằm khích lệ văn hóa đọc.

Đó là nhận định của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng khi trả lời phỏng vấn Thanh Niên nhân Ngày Sách và Văn hóa đọc VN lần thứ 2 - năm 2023.

Tương lai của sách là xán lạn, nếu nhìn từ góc độ đa nền tảng  - Ảnh 1.

Các lớp học có thể tổ chức cùng nhau đọc sách

Thanh Tùng

Sự trợ giúp của công nghệ

Người VN bây giờ đọc ít đi hay nhiều hơn, thưa Bộ trưởng?

Người VN không đọc ít đi mà đang đọc nhiều hơn. Nhưng họ có nhiều cách đọc hơn. Sự xuất hiện của ChatGPT cho phép ta hỏi những điều mình quan tâm rồi đọc câu trả lời. Trong những câu trả lời đó chắc chắn có tri thức từ sách. Vậy câu hỏi là, chúng ta nói chuyện với ChatGPT có phải đọc sách không? Nếu câu trả lời là "không", ta sẽ tiếp tục đọc sách theo kiểu truyền thống. Nếu câu trả lời là "có", ChatGPT sẽ như một người giới thiệu sách. Ta có thể hỏi ChatGPT, về vấn đề đó ta nên đọc cuốn sách nào để hiểu sâu hơn. Thông tin sách được đưa lên mạng như vậy sẽ giúp người khác biết đến sách và đọc sách nhiều hơn.

Báo chí lúc đầu cũng ngại đưa các bài báo hoặc một phần bài báo của mình lên các nền tảng số vì sợ sẽ không còn ai vào báo đọc nữa. Nhưng câu chuyện lại ngược lại, trên 50% người đọc báo điện tử hiện nay là vào từ các nền tảng số, khi họ đọc trên nền tảng, hoặc chia sẻ nhau về bài báo rồi quan tâm và vào đọc bài báo gốc. Cái này sẽ dẫn đến cái kia.

Tương lai của sách là xán lạn, nếu nhìn từ góc độ đa nền tảng  - Ảnh 2.

Một hội sách diễn ra gần đây ở Nhà văn hóa Thanh niên (TP.HCM)

NHẬT THỊNH

Ông nghĩ gì về xu hướng xuất bản sách ngắn gọn; liệu phải chăng đó là xu hướng mà các nhà xuất bản (NXB) và tác giả cần quan tâm nhiều hơn?

Câu chuyện thành công của Twitter và TikTok là rất đáng suy ngẫm. Facebook thành công với bài viết dài vài ngàn chữ trong khi Twitter thì chỉ cho phép mỗi chia sẻ vài chục chữ và cũng thành công. YouTube cũng thông dụng với các video có thể lên tới hàng giờ, nhưng TikTok thì ngược lại, được ưa dùng khi mỗi video chỉ vài phút.

Sách có thể làm như vậy không? Nếu có phiên bản sách tóm tắt với số trang giảm đi 10 - 20 lần với tri thức và tư tưởng chính giữ nguyên thì mỗi người VN sẽ được đọc nhiều sách hơn hằng năm. Tri thức cũng vì thế mà tăng lên đáng kể. Số người đọc sách nguyên bản cũng sẽ tăng theo do sự hấp dẫn của bản ngắn. Phiên bản ngắn gọn của thời chuyển đổi số có thể do AI thực hiện khoảng 80 - 90%, sau đó người biên tập hoàn thiện. Vậy là câu chuyện tóm tắt sách cũng dễ đi, làm nhanh hơn với sự trợ giúp của công nghệ.

Tương lai của sách

Nhiều NXB cho tới giờ vẫn đang nói không với sách nói, một phiên bản số của sách giấy. Nhưng như ông nói thì có vẻ điều này không nên kéo dài nếu muốn xuất bản tiếp cận nhiều công chúng hơn?

Thời chuyển động số thì một quyển sách ra đời là phải nghĩ ngay đến các phiên bản của nó. Phiên bản trên Facebook, YouTube là thế nào, phiên bản trên TikTok, Zalo, phiên bản để Google tìm kiếm là gì, và cả phiên bản để ChatGPT đưa vào hệ tri thức của nó ra sao. Rồi phiên bản tóm tắt, phiên bản điện tử đầy đủ, phiên bản hoạt hình, phiên bản nhắn tin trên di động, phiên bản dưới dạng các câu trích dẫn ngắn để khai sáng, gây cảm hứng tư duy, phiên bản âm thanh, rồi cả phiên bản in đẹp và cao cấp…

Quyển sách vẫn là quyển sách, nhưng vô vàn hình tướng. Vô vàn hình tướng là cách để sách đến được hàng triệu người. Một quyển sách in có thể tiếp cận chỉ hàng ngàn, chục ngàn, trăm ngàn người, nhưng hình tướng ngắn gọn và đa nền tảng của nó có thể tới được hàng triệu người, và nhiều hơn thế nữa, và vì thế mà giá trị của nó cũng tăng lên. Không nên ngại vô vàn hình tướng vì con người có xu thế tìm đến cái gốc khi thực sự quan tâm. Và đó là tương lai của sách. Nhưng để vô vàn hình tướng và đa nền tảng thì chỉ có công nghệ, nhất là công nghệ số, mới có thể giúp được. Vậy là sách bây giờ có thể đi xa hơn trước đây rất nhiều. Tương lai của sách là xán lạn, nếu nhìn dưới góc nhìn này.

Làm xuất bản bây giờ là làm ra nhiều phiên bản của sách phù hợp với mỗi loại nền tảng. Vậy là nghề xuất bản bây giờ không chỉ còn là làm nội dung mà còn là làm công nghệ. Ít thì cũng 30% nhân lực của xuất bản phải là công nghệ. NXB có thể tự làm công nghệ hoặc hợp tác. Cái gì dễ thì làm, cái gì khó thì hợp tác. Bởi vì, cái gì dễ với mình thì chắc ít ai làm được, cái gì khó với mình thì ngoài kia sẽ có người làm rất dễ.

Gốc để phát triển sách, phát triển xuất bản là có người đọc, có nhiều người đọc. Vậy hãy bắt tay vào khuyến đọc.

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng

Cái gốc là có nhiều người đọc

Ông nói đến chuyện tương lai xán lạn của sách đa nền tảng, sách vô vàn hình tướng. Nhưng nếu thế, chúng ta phải đối diện với vi phạm bản quyền cũng vô vàn hình tướng?

Ðưa sách lên môi trường số thì có vấn đề bản quyền số. Ðây là trách nhiệm của quản lý nhà nước, của Bộ TT-TT. Cục Xuất bản phải coi việc xây dựng thể chế số cho ngành xuất bản là ưu tiên. Bộ đang giao nhiệm vụ cho Cục Xuất bản, in và phát hành cùng các cơ quan, đơn vị liên quan nghiên cứu lập hồ sơ đề nghị sửa đổi, bổ sung luật Xuất bản 2012, trong đó những chế định về bản quyền và bảo vệ bản quyền, làm cơ sở xây dựng các chế tài đủ sức răn đe, ngăn chặn các hành vi vi phạm bản quyền trong hoạt động xuất bản sẽ là một trong những nội dung trọng tâm để đề xuất hoàn thiện.

Muốn đổi mới, muốn tái tạo thì thường phải tìm về gốc. Theo ông, gốc của sách là gì, và ta có thể làm gì để thúc đẩy sáng tạo sách, phát triển xuất bản?

Gốc của viết sách là sáng tạo ra tri thức. Bây giờ có thêm các cách mới để sáng tạo ra tri thức, có công cụ để nhiều người hơn có thể sáng tạo và lan tỏa tri thức. NXB có thể trở thành một nền tảng cung cấp công cụ cho nhiều người viết sách.

Gốc để phát triển sách, phát triển xuất bản là có người đọc, có nhiều người đọc. Vậy hãy bắt tay vào khuyến đọc. Nhiều quốc gia có giờ đọc trong trường phổ thông. Những người có uy tín, chính trị gia, doanh nhân, văn nghệ sĩ, người nổi tiếng hãy đọc sách và tham gia giới thiệu sách. Lập lại chuyên mục "Mỗi ngày một cuốn sách" trên truyền hình, trên báo.

Sách muốn tái sinh thì vẫn phải đi con đường VN - tức là dân tộc hóa, vẫn phải hiện đại hóa bằng công nghệ số, vẫn phải đại chúng hóa thông qua đa nền tảng.

Tương lai của sách là xán lạn, nếu nhìn từ góc độ đa nền tảng  - Ảnh 4.


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.