Sau chiến dịch quân sự chớp nhoáng của liên minh quân sự đối lập do nhóm Hayat al-Tahrir al-Sham (HTS) dẫn đầu, ông Bashar al-Assad từ chức Tổng thống Syria và rời khỏi nước này, làm nổi lên câu hỏi về số phận các căn cứ quân sự chiến lược của Nga ở quốc gia Trung Đông.
Theo hãng tin Sputnik, tại cuộc họp báo hôm 9.12, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết lực lượng chính quyền Moscow ở Syria đang thực hiện mọi biện pháp cần thiết để đảm bảo an ninh cho các căn cứ quân sự Nga ở nước này, theo hãng tin Sputnik. Ông Peskov nói vẫn còn "quá sớm" để bàn về tương lai của hai căn cứ quân sự Nga, và đó là "chủ đề thảo luận với bất kỳ ai sẽ nắm quyền lực ở Syria".
Nga hiện duy trì 2 căn cứ chiến lược ở Syria, gồm căn cứ hải quân ở Tartus trên bờ Địa Trung Hải và căn cứ không quân Hmeimim ở tỉnh Latakia. Ngoài căn cứ không quân Khmeimim, Moscow cũng đặt máy bay ném bom ở các sân bay quân sự tại Homs và Palmyra.
Một số kênh truyền thông như CNN Turk đưa tin Nga đã đề nghị Thổ Nhĩ Kỳ hỗ trợ để đảm bảo việc rút quân an toàn khỏi Syria. Lực lượng Nga dự kiến sẽ đến các khu vực do Thổ Nhĩ Kỳ kiểm soát, sau khi được đưa về Nga bằng đường hàng không.
Theo ông Peskov, Nga đang đối thoại với Thổ Nhĩ Kỳ và các nước trong khu vực về vấn đề Syria. Ông nói: "Tất nhiên, việc duy trì đối thoại với tất cả các nước trong khu vực là rất quan trọng. Chúng tôi có ý định thực hiện điều này một cách kiên quyết, chúng tôi sẽ tham vấn và phân tích tình hình".
Lực lượng quân sự Nga hiện diện tại căn cứ không quân Khmeimim và một trung tâm hỗ trợ hậu cần tại Tartus, nằm ở phía tây của Syria dọc theo bờ biển Địa Trung Hải. Năm 2017, Moscow và Damascus đã nhất trí triển khai quân đội Nga tại các căn cứ này trong thời hạn 49 năm.
Theo một số nguồn tin, phe đối lập vũ trang Syria đã tiếp cận 2 căn cứ quân sự quan trọng của Nga.
Một nguồn tin địa phương nói với hãng thông tấn Tass rằng hiện tại các căn cứ này không bị đe dọa. Nguồn tin cho biết: "Các lực lượng đối lập không xâm phạm, cũng không có kế hoạch xâm phạm lãnh thổ của các cơ sở quân sự của Nga, mà hiện đang hoạt động bình thường".
Viện Nghiên cứu Chiến tranh (ISW) hôm 9.12 cho biết cứ hải quân của Nga tại Tartus đã hỗ trợ hậu cần cho các hoạt động của Điện Kremlin trên lục địa châu Phi.
Trong trường hợp căn cứ này phải chấm dứt hoạt động, hậu quả sẽ là gián đoạn việc luân chuyển nhân sự, tiếp tế cũng làm giảm khả năng của Nga trong việc triển khai sức mạnh quân sự trong khu vực, đặc biệt là ở Libya và châu Phi cận Sahara, nơi Moscow đang tìm cách duy trì ảnh hưởng của mình.
Trong trường hợp xấu nhất xảy ra, để bù đắp tổn thất, Điện Kremlin có thể tăng cường sự hiện diện ở Libya hoặc Sudan, nhưng việc thiếu các thỏa thuận chính thức với các quốc gia này cũng như thiếu cơ sở hạ tầng đạt chuẩn sẽ gây khó cho khả năng này.
Bình luận (0)