Tương lai smartphone không chỉ là cuộc đua cấu hình mà sẽ là trải nghiệm người dùng

20/07/2018 17:58 GMT+7

Là người am hiểu về thị trường công nghệ, ông Vũ Minh Trí - Cựu CEO Microsoft Việt Nam chia sẻ về thị trường di động Việt, những nhận định về cuộc đua mới của làng di động.

Ký ức về chiếc điện thoại đầu đời
Có thể bạn không nhớ chính xác mình đã “lên đời” bao nhiêu mẫu điện thoại, nhưng chắc chắn những trải nghiệm về chiếc di động đầu tiên sẽ luôn là những ký ức sống động nhất.
Năm 1996, Motorola giới thiệu mẫu điện thoại vỏ sò StarTAC. Đây là một trong những điện thoại di động đầu tiên được bán rộng rãi đến người dùng. Một năm sau đó, tôi may mắn sở hữu model này. Tôi nhớ như in những cảm giác hạnh phúc, tự hào khi cầm trên tay chiếc StarTAC. Đó là chiếc điện thoại nắp gập màu đen với bàn phím nổi, ăng-ten có thể kéo ra vào ở phía trên, pin có thể dùng liên tục trong vài tiếng. So với smartphone ngày nay, đó là những thiết kế vô cùng bình thường, thậm chí là lạc hậu. Nhưng vào thời điểm 20 năm trước thì một chiếc điện thoại vỏ nhựa, nhỏ gọn như vậy là cả gia tài theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng.
Khi ấy, mơ ước lớn nhất của những người dùng điện thoại là: Ước gì pin dùng được cả ngày, có màn hình màu, radio được tích hợp sẵn vào điện thoại thì tuyệt vời. Chính những nhu cầu đó đã báo trước xu thế điện thoại sẽ trở thành một trong những thứ thiết yếu sẽ gắn liền với cuộc sống con người.
Di động của mọi người
Khi thị trường thay đổi, những tính năng, thiết kế trên điện thoại dần mất đi tính độc quyền thì cũng là lúc khoảng cách về công nghệ giữa các hãng được rút ngắn.
Di động ngày càng phổ biến với người dùng, giá thành bắt đầu giảm. Các hãng liên tục chạy đua để mang đến cho người dùng nhiều trải nghiệm tốt hơn. Ngày càng nhiều ứng dụng phục vụ cuộc sống được tích hợp sẵn trên điện thoại di động.
Nếu trước đây điện thoại là một món đồ chơi công nghệ thì bây giờ nó đã là thứ bắt buộc phải mua. Từ nhu cầu cơ bản nhất là kết nối người dùng, điện thoại di động được tích hợp thêm tính năng giải trí và tiếp tục phát triển để trở thành phương tiện làm việc của nhiều người.
Minh chứng rõ ràng nhất là 5 năm trước, không ai nghĩ người chạy xe ôm cần phải mua smartphone. Nhưng 5 năm sau, smartphone trở thành thứ buộc phải có nếu bạn muốn chạy Grab, Uber. Việc mua bán cũng được giao dịch trực tiếp trên điện thoại. Thậm chí, người dùng còn có thể viết, vẽ, gửi tin nhắn GIF, dịch thuật… một cách đơn giản, tiện lợi chỉ với chiếc bút cảm ứng như S Pen của Samsung Galaxy Note.
Công nghệ vị nhân sinh
Những năm 1997 đến 2007, các công ty điện thoại lên ngôi nhờ thiết kế bên ngoài vào các tính năng được tích hợp sẵn. Khi đó, khả năng lập trình các ứng dụng để đưa vào điện thoại rất hạn chế nên các tính năng được nhà sản xuất đưa ra chỉ đáp ứng được những nhu cầu cơ bản của người dùng.
Giai đoạn 2008 - 2012 là thời điểm nở rộ của những ứng dụng di động, người dùng có thể tải về smartphone hàng chục ứng dụng khác nhau từ chụp ảnh, nghe nhạc đến bói toán... thậm chí dòng Galaxy Note của Samsung với màn hình lớn và bút S Pen còn hỗ trợ người dùng làm việc ngay trên điện thoại.
Việc nhà sản xuất mở cửa, tạo điều kiện cho lập trình viên phát triển các ứng dụng để phục vụ người dùng dẫn đến hệ quả là phần cứng không đáp ứng kịp tốc độ phát triển của phần mềm. Điều này dẫn đến cuộc chạy đua rầm rộ về công nghệ chip xử lý trong làng di động trong thời gian này và đến nay vẫn đang tiếp diễn.
Ngoài việc nâng cấp phần cứng, các ông lớn như Samsung, Apple còn liên tục giới thiệu những tính năng mới như camera kép, thực tế ảo, bảo mật thông minh hoặc thậm chí là tích hợp cả trí tuệ nhân tạo vào trong smartphone. Đó là cuộc đua khốc liệt giữa các gã khổng lồ công nghệ để bình định lại thị trường.
Minh chứng rõ ràng nhất về cuộc đua này là việc rút ngắn vòng đời smartphone. Nếu như trước đây, mỗi sản phẩm mới tung ra thị trường phải mất 2 đến 3 năm để nghiên cứu, phát triển, sản xuất thì bây giờ chỉ mất vài tháng để các hãng cập nhật công nghệ mới. Vòng đời của smartphone hiện nay chỉ tính theo tháng.
Nhìn một cách tổng quát chúng ta có thể nhận ra, công nghệ dù cho phát triển đến đâu thì cũng sẽ quay về với những giá trị nguyên bản nhất đó là phục vụ người dùng. Cuộc chiến mới trên thị trường di động là: Công nghệ vị nhân sinh thay vì công nghệ vị công nghệ.
Người dùng ít chung thủy khi có nhiều lựa chọn
Khi công nghệ ngày càng phổ biến, giá smartphone ngày càng rẻ thì cuộc chiến về thị phần ngày càng khốc liệt. Nhiều người cho rằng thị trường smartphone đã bão hòa, nhưng nếu nhìn vào những con số cụ thể thì rõ ràng thị trường di động vẫn còn tăng trưởng mạnh trong thời gian tới.
Nguyên nhân đầu tiên như đã nói: Điện thoại đang là thứ cần phải mua, là nhu cầu thiết yếu của cuộc sống. Kế đến là xu hướng nâng cấp smartphone của người dùng, đặc biệt là giới trẻ, những người cập nhật rất nhanh về công nghệ.
Người dùng lại là nhân tố quyết định đến sự sống còn của một thương hiệu. Trong vòng 5 năm trở lại đây, thị trường chứng kiến rất nhiều cú ngã ngựa của các ông lớn như Nokia, Black Berry, HTC... Chúng ta nói nhiều về những câu chuyện như bảo thủ, chậm thay đổi nhưng có một nguyên nhân trực tiếp thường bị lờ đi. Đó là lòng chung thủy của người dùng. So với các thị trường khác như hàng tiêu dùng, xe máy, ô tô hay thậm chí là may mặc thì người dùng smartphone là những người kém chung thủy nhất.
Vào thời hoàng kim của Nokia với hệ điều hành Symbian, Android vẫn là thứ xa lạ. Nokia dựa vào những số liệu của lịch sử để nói rằng, muốn phát triển một hệ sinh thái mới cho người dùng, họ đã mất đến hàng chục năm, vì vậy chẳng có lý do gì phải lo lắng với hệ điều hành Android và những thương hiệu di động mới. Nhưng thực tế đã chứng minh sai lầm chết người của Nokia. Họ dựa vào những số liệu lịch sử để đánh giá tương lai mà quên đi rằng: Trong thời đại công nghệ 4.0 có rất nhiều thứ chưa từng xảy ra trong lịch sử. Chỉ cần sau một đêm là mọi thứ sẽ thay đổi chứ không cần đến 5 năm hay 10 năm. Android và iOS đã xây dựng 2 hệ sinh thái lớn nhất nhì trong lịch sử loài người chỉ trong thời gian rất ngắn.
So với thị trường di động toàn cầu, thị trường di động Việt còn khốc liệt hơn nhiều vì hoàn toàn không có một điều kiện gì để đảm bảo người dùng sẽ “chung thủy” với thương hiệu. Nếu các nước phương Tây bán máy theo hợp đồng với nhà mạng, người dùng dù muốn dù không vẫn phải gắn bó với mẫu điện thoại ít nhất một đến hai năm thì ở Việt Nam hoàn toàn khác.
Có thể một người đang dùng hệ điều hành iOS, nhưng khi thấy người bạn của mình đang dùng một chiếc Samsung với thiết kế bắt mắt, tính năng mới thì ngay sáng hôm sau họ có thể chuyển sang hệ điều hành Android.
Chính những đặc thù về thị trường đã khiến cuộc cạnh tranh về thị phần ở Việt Nam trở nên khốc liệt hơn. Cuối cùng, người dùng đầu cuối sẽ được hưởng lợi khi các hãng cạnh tranh nhau về công nghệ, giá thành và trải nghiệm.
Cuộc chiến tiếp theo của di động
Cuộc chiến tiếp theo trên di động sẽ là trải nghiệm người dùng. Ai phục vụ người dùng tốt hơn thì người đó sẽ chiến thắng. Điều này vô tình làm thay đổi cả khái niệm về di động. Ngày nay, khái niệm di động gắn nhiều hơn đến người dùng thay vì là các thiết bị. Có nghĩa người dùng di động đến đâu thì họ cần có những ứng dụng và dữ liệu cần thiết trên điện thoại để giải trí, làm việc đến đó.
Khi chúng ta đã có một chiếc điện thoại đẹp hơn, màn hình lớn hơn, nhiều ứng dụng được tích hợp hơn thì chúng ta lại quay lại vòng lặp ngày xưa là mong muốn có thời lượng pin dài hơn để có thể thoải mái “di động” chứ không phải lúc nào cũng cắm sạc. Vì vậy, pin cũng sẽ là một trong những yếu tố quan trọng nhất mà các hãng cần tập trung trong tương lai. Vì suy cho cùng, dù chiếc điện thoại có tốt đến đâu, nhiều ứng dụng hay thế nào mà không có năng lượng để hoạt động thì cũng trở nên vô nghĩa.
Tiếp đến là cuộc chiến về lưu trữ, về data. Khi ranh giới giữa máy ảnh smartphone và máy ảnh chuyên nghiệp xích lại gần nhau, người dùng có xu hướng chụp ảnh bằng điện thoại nhiều hơn, làm việc trên điện thoại nhiều hơn thì nhu cầu về lưu trữ từ đó cũng phải tăng cao.
Trong xu thế cách mạng 4.0, chúng ta cần hiểu rằng lưu trữ không chỉ dừng lại ở việc trang bị cho điện thoại một bộ nhớ lớn mà là việc sử dụng hiệu quả việc lưu trữ trên điện toán đám mây. Đây là thời đại một chiếc điện thoại sẽ quyết định bạn là ai dựa trên những gì bạn lưu trữ trên điện thoại.
Không dừng lại ở đó, người dùng còn muốn smartphone của mình ngày càng thông minh hơn, cá nhân hoá cao hơn bằng cách dựa trên những số liệu, thói quen trong điện thoại để đưa ra gợi ý, lời nhắc. Đó sẽ là cuộc chiến về AI trên di động. Trí tuệ nhân tạo sẽ quyết định đến sự khác biệt của hãng này so với hãng khác.
Khi di động ngày càng quan trọng và lưu trữ nhiều hơn về thông tin của người dùng thì vấn đề bảo mật sẽ được người dùng đặc biệt quan tâm. Trên thực tế, những mẫu di động cao cấp hiện nay đều khai thác tối đa khả năng bảo mật bằng trắc sinh học như vân tay, mống mắt, nhận diện khuôn mặt để tăng cường bảo mật cho di động.
Cuối cùng là cuộc đua về Internet of Things (IoT). Người dùng kỳ vọng trong tương lai, smartphone sẽ là thiết bị trung gian có thể kết nối và điều khiển nhiều thứ trong một hệ sinh thái.
Chung quy lại, cuộc chiến mới trên smartphone sẽ tập trung nhiều vào trải nghiệm người dùng, sự phát triển của AI, Big Data, IoT và quan trọng nhất là việc tìm ra hướng tiếp cận mới để kéo dài thời gian sử dụng của điện thoại. Tương lai của smartphone sẽ gắn liền với của cuộc chiến này. Với những sản phẩm được ra mắt trong thời gian tới, được mong đợi như Galaxy Note 9, hứa hẹn sẽ tạo nên một bước tiến mới trong việc cải tiến hiệu năng điện thoại, góp phần nâng cao trải nghiệm người dùng.
Ông Vũ Minh Trí là CEO quen thuộc của làng công nghệ Việt Nam khi nắm giữ vị trí CEO của Sony Ericsson Việt Nam năm 33 tuổi. 2 năm sau đó ông được bổ nhiệm làm CEO của Yahoo Việt Nam. Với kinh nghiệm về điện thoại và internet, năm 2010, Vũ Minh Trí đầu quân cho Qualcomm trong vai trò CEO khu vực Đông Dương. Từ năm 2012 đến tháng 8. 2017, ông giữ vị trí CEO của Microsoft Việt Nam.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.