Tướng Mỹ lo Ukraine quá thiếu đạn pháo, 'không bắn trả được là thua'

Tướng Mỹ lo Ukraine quá thiếu đạn pháo, 'không bắn trả được là thua'

13/04/2024 14:03 GMT+7

Tướng Christopher G. Cavoli, người đứng đầu Bộ Tư lệnh châu Âu của Mỹ, cho rằng Ukraine sẽ bị Nga áp đảo về hỏa lực nhiều gấp 10 lần trong vòng vài tuần nếu Quốc hội Mỹ không sớm chấp thuận gói viện trợ đạn dược và vũ khí cho Kyiv.

Trong phiên điều trần trước Ủy ban Quân vụ Hạ viện Mỹ, tướng Cavoli cho biết tình hình tại Ukraine hiện là "cực kỳ nghiêm trọng" và "bên nào không thể bắn trả thì bên đó sẽ thua". Ông cho biết Ukraine sẽ cạn đạn pháo và đạn phòng không nếu không có sự hỗ trợ thêm của Mỹ.

Ông nhấn mạnh: "Bây giờ Nga đang áp đảo Ukraine với tỷ lệ 5:1. Tức là, Nga bắn số đạn pháo vào lãnh thổ Ukraine nhiều gấp 5 số lần Ukraine bắn trả. Tuy nhiên, tỷ lệ này sẽ ngay lập tức tăng lên 10:1 trong vài tuần nữa nếu không có sự hỗ trợ của Mỹ".

Theo báo South China Morning Post ngày 11.4, việc sản xuất tên lửa của Nga được tăng cường và cứ vài ngày lại có có thể tiến hành thêm các cuộc tấn công quy mô lớn. Ông Cavoli nhận định rằng nếu kho dự trữ phòng không của Ukraine cạn kiệt và không được cung cấp máy bay đánh chặn, những cuộc tấn công của Nga sẽ lấn lướt và làm tê liệt nền kinh tế, xã hội và quân đội Ukraine.

Tướng Christopher G. Cavoli là lãnh đạo Bộ Tư lệnh châu Âu của Mỹ

Tướng Christopher G. Cavoli là lãnh đạo Bộ Tư lệnh châu Âu của Mỹ

Theo ông, nếu Kyiv thất thủ, nguy cơ sẽ tăng lên đối với các nước thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) vùng Baltic và có khả năng kéo quân đội Mỹ vào một cuộc chiến kéo dài ở châu Âu.

Bà Celeste Wallander, một quan chức cấp cao của Lầu Năm Góc, phát biểu tại phiên điều trần cho rằng mục tiêu mà chính quyền Joe Biden đã đặt ra về việc gây thất bại chiến lược cho Tổng thống Nga Vladimir Putin vẫn còn hiệu lực.

Quan chức này nói mục tiêu này cần đạt được vì "lợi ích, an ninh quốc gia Mỹ và sự ủng hộ của người Mỹ cho Ukraine".

Theo tờ Washington Post ngày 10.4, các hoạt động nhằm thông qua dự luật ngân sách liên quan đến gói viện trợ 60 tỉ USD cho Ukraine vẫn mắc kẹt.

Sau nhiều tháng từ chối đưa dự luật ngân sách này ra bỏ phiếu, Chủ tịch Hạ viện Mỹ Mike Johnson hiện đang tìm cách điều này trong tháng 4, bất chấp nguy cơ các thành viên bảo thủ trong đảng Cộng hòa sẽ phản đối. Tuy nhiên, ông Johnson chưa công bố thời điểm cụ thể về cuộc bỏ phiếu.

Hiện các nhà lập pháp Mỹ vẫn chia rẽ về ngân sách bổ sung cho Ukraine, mặc dù dự luật dự kiến sẽ được Hạ viện thông qua với sự ủng hộ của Đảng Cộng hòa nếu nó được đưa ra bỏ phiếu.

Tuy nhiều nhiều chính trị gia Mỹ cho rằng gói hỗ trợ của châu Âu cho Ukraine là chưa đủ.

Washington Post dẫn lời Hạ nghị sĩ Mỹ Cory Mills cho biết Đức, Pháp và các nước khác ở châu Âu vẫn chưa thực hiện đủ cam kết với NATO là chi 2% GDP cho chi tiêu quốc phòng. Ngoài ra, Ukraine chưa đưa ra được kế hoạch và cách thức giành chiến thắng trong cuộc chiến với Nga.

Đức, Ý, Tây Ban Nha và Bỉ không đạt mục tiêu chi quân sự của NATO

Hạ nghị sĩ Michael Waltz cũng chỉ ra sự thiếu hụt liên tục trong chi tiêu của các đồng minh NATO cho chi tiêu quốc phòng của họ. Ông Waltz chỉ ra thực tế là hiện chỉ có 11 thành viên của liên minh NATO đáp ứng cam kết mức 2% GDP cho chi tiêu quốc phòng. Mặc dù con số đó sẽ sớm đạt tới 20/32, nhưng sự chậm trễ đã ảnh hưởng đến các cuộc thảo luận về an ninh quốc gia.

Ông Waltz nói: "[Châu Âu] đang yêu cầu chúng tôi "năn nỉ" người dân Mỹ hết lần này đến lần khác. Người dân Mỹ hãy chi nhiều hơn [cho Ukraine] vì các chính trị gia châu Âu không thể bắt người của họ chi trả. Đó là một thỏa thuận tốt cho châu Âu, nhưng hoàn toàn tồi tệ với Mỹ".

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.