Phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov hôm nay 24.11 cho hay Nga sẽ đáp trả nếu mong muốn trên trở thành hiện thực, theo Reuters. Ông Peskov nói với các phóng viên rằng việc xây dựng một "Schengen quân sự" một lần nữa cho thấy châu Âu không sẵn sàng lắng nghe những lo ngại chính đáng của Moscow.
Ông Peskov nhấn mạnh: "NATO đang liên tục di chuyển cơ sở hạ tầng quân sự của mình về phía biên giới của chúng tôi. Chúng tôi không hướng tới cơ sở hạ tầng của NATO. NATO đang tiến về phía chúng tôi. Và điều này chắc chắn gây lo ngại và dẫn đến các biện pháp trả đũa để đảm bảo an ninh của chúng tôi".
Trong cuộc phỏng vấn được Reuters xuất bản ngày 23.11, trung tướng Alexander Sollfrank, đứng đầu bộ chỉ huy hậu cần JSEC của NATO, cho hay ông muốn thấy một "Schengen quân sự", một khu vực có sự di chuyển quân sự tự do giống như khu vực Schengen chính trị cho phép sự di chuyển tự do trong hầu hết EU.
Ông Sollfrank cho biết thêm ông lo lắng rằng có quá nhiều thủ tục hành chính trên khắp châu Âu đang cản trở việc di chuyển binh sĩ vì tình trạng này có thể gây ra sự chậm trễ nghiêm trọng nếu xung đột với Nga bùng nổ.
Bộ chỉ huy hậu cần JSEC của NATO đóng tại thị trấn Ulm của Đức, với nhiệm vụ điều phối sự di chuyển của quân nhân và trang thiết bị của NATO trên toàn châu Âu. Tuy nhiên, ông Sollfrank cho hay dù cơ quan được thành lập vào năm 2021 để đơn giản hóa việc chuẩn bị cho một cuộc chiến tranh tiềm tàng với Nga, nhưng công việc vẫn bị cản trở bởi các quy định cấp quốc gia.
Cũng theo tướng Sollfrank, việc vận chuyển đạn dược qua biên giới châu Âu thường cần có giấy phép đặc biệt, trong khi việc vận chuyển số lượng lớn binh sĩ hoặc thiết bị có thể phải thông báo trước. Từ đó, ông Sollfrank đề nghị các nước châu Âu nên thành lập vùng "Schengen quân sự" để khắc phục những vấn đề này.
Trước đó, ông Ben Hodges, chỉ huy quân đội Mỹ ở châu Âu cho đến năm 2017, nói với Reuters: "Chúng tôi không có đủ năng lực vận tải hoặc cơ sở hạ tầng cho phép lực lượng NATO di chuyển nhanh chóng trên khắp châu Âu". Ông Hodges chỉ ra rằng các quốc gia khác nhau có quy mô đường sắt khác nhau, trong đó nhà điều hành đường sắt Đức Deutsche Bahn chỉ có khả năng di chuyển khoảng 4.000 quân, 90 xe tăng và 150 xe bọc thép cùng một lúc.
Ngoài ra, việc di chuyển bằng đường bộ có nhiều trở ngại khác nhau, theo Reuters. Một nhóm xe tăng Pháp đi qua Đức đến Romania để tập trận vào năm ngoái đã bị dừng lại vì trọng lượng của chúng vượt quá quy định giao thông đường bộ của Đức. Kếr cả khi những chiếc xe tăng đó có được phép đi qua Đức, chúng sẽ không thể đi qua Ba Lan do chất lượng xây dựng cầu ở đó kém.
NATO hiện có 10.000 binh sĩ thuộc 8 nhóm tác chiến đóng quân trên khắp Đông Âu, theo Đài RT. Trong năm ngoái, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg đã tuyên bố rằng ông đặt mục tiêu hỗ trợ các lực lượng được triển khai ở Đông Âu với 300.000 quân dự bị trong tình trạng sẵn sàng. Theo kế hoạch của ông Stoltenberg, 100.000 quân trong số này sẽ có thể đến chiến trường trong vòng một tuần và số còn lại sẽ đến sau đó một tháng.
Bình luận (0)