Tướng NATO nói gì sau khi Serbia đề nghị đưa quân trở lại Kosovo?

17/12/2022 08:30 GMT+7

Chỉ huy lực lượng gìn giữ hòa bình do NATO đứng đầu ở Kosovo đã lên tiếng sau khi Bộ trưởng Quốc phòng Serbia đề nghị đưa 1.000 binh sĩ và cảnh sát trở lại Kosovo, trong bối cảnh căng thẳng gia tăng ở phía bắc Kosovo.

Thiếu tướng Angelo Michele Ristuccia, lãnh đạo lực lượng gìn giữ hòa bình KFOR của NATO, ngày 16.12 khẳng định lực lượng của ông vẫn có thể kiểm soát được tình hình, theo AFP. Trong một tuyên bố do NATO đưa ra, ông Ristuccia đã không trực tiếp đề cập yêu cầu trên của phía Serbia, được đưa ra trước đó cùng ngày tại một cửa khẩu biên giới Kosovo.

Tuy nhiên, ông Ristuccia nhấn mạnh: “Chúng tôi mong muốn tất cả các bên phối hợp chặt chẽ với KFOR và kiềm chế việc phô diễn vũ lực mang tính khiêu khích, để đảm bảo an toàn và an ninh cho tất cả các cộng đồng”.

“KFOR có đầy đủ khả năng, bao gồm cả nhân sự, để cung cấp một môi trường an toàn...cũng như quyền tự do di chuyển cho tất cả các cộng đồng, tại mọi nơi ở Kosovo. Kể từ tháng 10, chúng tôi đã tăng cường sự hiện diện của mình, bao gồm cả việc bổ sung binh sĩ và các cuộc tuần tra ở phía bắc Kosovo trong tuần này”, ông Ristuccia nói.

Binh sĩ NATO phục vụ trong lực lượng gìn giữ hòa bình ở Kosovo (KFOR) kiểm tra rào chắn do người Serb thiểu số dựng lên gần thị trấn Zubin Potok vào ngày 11.12.2022

AFP

Tướng Ristuccia đưa ra tuyên bố trên sau khi Bộ trưởng Quốc phòng Serbia Milos Vucevic cùng ngày cho biết quân đội Serbia đã chuyển đề nghị đưa 1.000 binh sĩ và cảnh sát Serbia trở lại Kosovo.

Tổng thống Serbia Aleksandar Vucic tối 15.12 khẳng định một động thái như thế sẽ “quan trọng cho việc bảo vệ người Serb” ở Kosovo và “giảm căng thẳng một cách đáng kể”. Tuy nhiên, ông Vucic thừa nhận gần như chắc chắn” ý tưởng này sẽ không được chấp nhận. Lãnh đạo Kosovo Vjosa Osmani cũng đã bác bỏ ý tưởng như thế và xem đó là một hành động khiêu khích, theo AFP.

Trong tháng này, hàng trăm người Serb thiểu số tại Kosovo, phẫn nộ vì vụ bắt giữ một cựu sĩ quan cảnh sát, đã dựng rào chắn làm tê liệt giao thông qua hai cửa khẩu biên giới với Serbia.

Người Albania đa số ở Kosovo tuyên bố độc lập vào năm 2008 nhưng chính quyền Belgrade vẫn không công nhận điều này và khuyến khích người Serb thiểu số thách thức chính quyền Kosovo, theo AFP.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.