Cuộc chiến này chắc chắn có vị trí xứng đáng trong những trang sử bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ biên giới.
Đây là chia sẻ của trung tướng Đặng Quân Thụy, nguyên Phó chủ tịch Quốc hội - nguyên Tư lệnh Quân khu 2, tại buổi gặp mặt đại biểu cựu chiến binh (CCB) mặt trận Vị Xuyên - Hà Giang lần thứ nhất, tổ chức tại trụ sở Bộ Quốc phòng sáng 14.7.
Dự buổi gặp có bà Hà Thị Khiết, nguyên Bí thư T.Ư Đảng - nguyên Trưởng ban Dân vận T.Ư; Phó đô đốc Phạm Ngọc Minh - Phó tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân VN… và khoảng 700 CCB từng phục vụ chiến đấu tại mặt trận Vị Xuyên - Hà Giang cùng đại diện các quân khu, quân chủng, ban chỉ huy quân sự các tỉnh, thành. Nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu; đại tướng Đỗ Bá Tỵ, Phó chủ tịch Quốc hội; trung tướng Phan Văn Giang, Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân VN - Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, đã gửi hoa chúc mừng.
Có ngọn núi bị bạt đi hơn 3 m
Phát biểu tại cuộc gặp mặt, tướng Thụy bày tỏ sự xúc động về cuộc gặp mặt lần đầu tiên được tổ chức sau hơn 30 năm. Nhắc đến cuộc chiến đấu ác liệt năm xưa, tướng Thụy nhấn mạnh đó không chỉ là cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới thông thường, mà là cuộc chiến làm thất bại một âm mưu chiến lược thâm độc của bành trướng Trung Quốc (TQ) “đánh VN cả ở biên giới phía bắc và biên giới tây nam nhằm làm VN suy yếu, kiệt quệ”.
Trong cuộc chiến này, quân và dân VN đã phải đối đầu với những binh đoàn lớn, những lực lượng chiến lược mà TQ tung ra nhằm quyết đánh bại VN. Nhưng những người lính VN cùng với nhân dân Hà Tuyên (Hà Giang, Tuyên Quang ngày nay) và nhân dân cả nước đã đánh bại những lực lượng hùng mạnh của TQ. “Đây cũng không phải cuộc chiến kéo dài một tháng như nhiều người nhầm tưởng, mà là cuộc chiến đấu kéo dài 10 năm: từ tháng 2.1979 đến tận 1989, đặc biệt là giai đoạn 1984 - 1989 với hơn 2.000 ngày đêm chiến đấu thể hiện ý chí bảo vệ độc lập chủ quyền, độc lập tự do của toàn quân, toàn dân ta”, tướng Thụy nói.
Trước đó, trong bài phát biểu tại cuộc gặp mặt, thiếu tướng Nguyễn Đức Huy, nguyên Phó tư lệnh - Tham mưu trưởng Quân khu 2 - Trưởng ban Liên lạc CCB mặt trận Vị Xuyên - Hà Giang, cũng hồi tưởng: Trong giai đoạn từ tháng 4.1984 - 5.1989, TQ đã đưa 50 vạn quân của 8/10 đại quân khu tiến công toàn diện biên giới tỉnh Hà Giang, mà tập trung là huyện Vị Xuyên. “Đây là cuộc chiến tranh xâm lược quy mô lớn nhất kể từ sau khi chiến tranh VN kết thúc. Cuộc chiến này kéo dài hơn 5 năm (nếu tính từ 1979 là 10 năm). Đây cũng là cuộc chiến tranh ác liệt nhất, có đợt chỉ trong 3 ngày, TQ đã bắn hơn 100.000 quả đạn pháo vào khu vực Vị Xuyên đến TX.Hà Giang. Sau khi kết thúc cuộc chiến, phía VN đo lại có ngọn núi đá bị đánh bạt đi hơn 3 m”, tướng Huy cho biết.
“Thắng lợi rất oanh liệt nhưng tổn thất của ta cũng rất to lớn. Hơn 4.000 cán bộ chiến sĩ đồng bào đã anh dũng hy sinh, phần lớn là những người mới trên dưới 20 tuổi, hàng nghìn người bị thương. Đến nay còn hơn 2.000 liệt sĩ nằm rải rác trên khắp chiến trường Vị Xuyên chưa tìm được hài cốt, nhiều thương binh chưa được hưởng chính sách, nhiều mộ liệt sĩ chưa có tên trong nghĩa trang…”, tướng Nguyễn Đức Huy xúc động nói.
Tâm niệm về điều chưa làm được
Theo tướng Huy, cuộc chiến đã lùi xa 33 năm nhưng trong thâm tâm mỗi CCB ai cũng có tâm niệm về những việc chưa làm được cho xứng đáng tầm vóc của cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ quốc trên mặt trận này. Đó là đến nay vẫn chưa có một nghĩa trang tầm quốc gia, một tượng đài chiến thắng Vị Xuyên - Hà Giang, công tác chính sách thương binh, liệt sĩ còn nhiều tồn đọng. Việc tìm kiếm hài cốt liệt sĩ chưa được quy tập, tìm và trả lại tên cho các liệt sĩ mà phần mộ ở nghĩa trang chưa có tên, hậu quả bom mìn chưa được khắc phục. Trong giáo dục truyền thống, trong kỷ niệm các ngày lễ chiến thắng hằng năm có lúc còn lãng quên chưa nhắc đến sự hy sinh to lớn, những chiến thắng oanh liệt của cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở biên giới Vị Xuyên - Hà Giang đúng với tầm vóc.
Thay mặt Ban Liên lạc CCB mặt trận Vị Xuyên - Hà Giang, tướng Huy đã kiến nghị với Đảng, Nhà nước và quân đội về việc tuyên truyền và giáo dục trong nhân dân, nhất là các thế hệ trẻ hiểu rõ cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Vị Xuyên - Hà Giang, ý nghĩa thắng lợi to lớn của cuộc chiến tranh.
Phát biểu tại buổi lễ, Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang Triệu Tài Vinh cho biết để ghi nhớ công lao to lớn của các anh hùng liệt sĩ, Ban Bí thư T.Ư Đảng đã đồng ý cho Hà Giang phối hợp các bộ, ngành liên quan đầu tư, tôn tạo tu bổ, nâng cao nghĩa trang liệt sĩ Vị Xuyên - Hà Giang thành nghĩa trang quốc gia và xây dựng cụm tượng đài chiến thắng Vị Xuyên - Hà Giang. Ông Vinh cũng cho hay tỉnh Hà Giang đã lập đề án xây dựng khu di tích lịch sử “Tây sông Lô - Bắc Vị Xuyên” nhằm ghi nhận, biểu dương các đơn vị từng chiến đấu tại mặt trận Vị Xuyên - Hà Giang, đồng thời là địa chỉ du lịch thăm chiến trường xưa, giáo dục lòng yêu nước cho thế hệ trẻ ngày nay và mai sau.
Cựu binh biên giới phía bắc gửi tâm thư tới Trường Sa
Những người lính từng trải qua cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía bắc (1979 - 1989) khẳng định luôn sát cánh cùng những người lính Trường Sa quyết tâm bảo vệ, giữ vững biên giới, lãnh thổ, biển, đảo của Tổ quốc.
Đây là nội dung những dòng tâm thư được các CCB mặt trận Vị Xuyên - Hà Giang gửi tới cán bộ, chiến sĩ đang làm nhiệm vụ tại quần đảo Trường Sa, tại buổi gặp mặt sáng 14.7. Bức thư do trung tướng Lê Văn Hân, nguyên Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân VN, đọc tại buổi gặp mặt, bày tỏ sự chia sẻ với những người lính Trường Sa ở nơi đầu sóng: “Chúng tôi, những người lính bảo vệ biên giới đất liền luôn sát cánh cùng với các đồng chí, quyết tâm bảo vệ, giữ vững biên giới, lãnh thổ, biển, đảo của Tổ quốc VN thân yêu". Tại buổi lễ, Chuẩn đô đốc Nguyễn Đức Nho, Phó tham mưu trưởng Quân chủng Hải quân, thay mặt cán bộ, chiến sĩ đang làm nhiệm vụ trên quần đảo Trường Sa xúc động nhận thư và quà của Ban Liên lạc CCB mặt trận Vị Xuyên - Hà Giang gửi tặng.
|
Bình luận (0)