Sáng 19.11, thượng tọa Thích Minh Quang (Trưởng Ban trị sự Phật giáo Q.1, TP.HCM trụ trì chùa Linh Quang, trụ trì chùa Pháp Hoa) chủ trì buổi lễ cầu siêu cho những nạn nhân mất vì Covid-19 có tro cốt gửi tại chùa Linh Quang (P.2, Q.Bình Thạnh, TP.HCM).
Dự lễ cầu siêu ngoài những Phật tử còn có thân nhân của người mất vì Covid-19.
Lễ cầu siêu cho người dân mất vì Covid-19 tại chùa Linh Quang |
lê hồng hạnh |
Thượng tọa Thích Minh Quang cho biết tại chùa Linh Quang có 46 hũ tro cốt người mất vì Covid-19, còn chùa Pháp Hoa (P.5, Q.6, TP.HCM) có 138 hũ tro cốt. Hai chùa thường xuyên làm lễ cầu siêu để xoa dịu phần nào nỗi đau cho gia đình có người thân mất vì Covid-19.
“Có người mất chồng, có người mất vợ để lại con thơ. Có người vì không đi bệnh viện kịp mà mất, có người đến bệnh viện nhưng không đủ ô xy nên mất,... mỗi người đến gửi tro cốt đều có một nỗi đau và mất mát rất lớn vì đại dịch, có người vì đau lòng quá mà không dám đến chùa”
Chơi vơi ngày cầu siêu cho người mẹ mất vì Covid-19: “Tôi vẫn không chấp nhận được” |
Chưa kịp làm gì cho mẹ...
Đến chùa từ rất sớm, bà Trần Thị Bích Hậu (51 tuổi) lên khu vực thờ tro cốt tại chùa thắp hương rồi dự lễ đọc kinh cầu siêu. Dù đã hơn 2 tháng kể từ ngày mẹ qua đời, bà Hậu vẫn nhớ như in bóng dáng của người mẹ gầy gò qua màn hình điện thoại trước lúc bà mất trong bệnh viện dã chiến thu dung điều trị Covid-19.
Nhiều người dân có người thân mất vì Covid-19 thẫn thờ vì vẫn chưa nguôi ngoai nỗi đau |
lê hồng hạnh |
Bà Hậu kể gia đình có 4 người mắc Covid-19, 2 người tự điều trị tại nhà còn ba mẹ lớn tuổi và có bệnh nền nên phải đi bệnh viện để chữa trị. Mắt bà đỏ hoe khi nhắc đến mẹ, tay bà liên tục gạt nước mắt.
Gia đình bà Hậu có 3 chị em, bố mẹ bà hiện ở cùng với con trai út còn bà lập gia đình và ra ở riêng. Tối trước ngày mẹ mất, bà Hậu còn được nhìn thấy mẹ qua điện thoại nhờ sự giúp đỡ bác sĩ tại bệnh viện dã chiến. Nhưng lúc này mẹ bà không còn nghe được nữa, bà dự cảm không lành, thấp thỏm như ngồi trên đống lửa.
Bà Hậu rưng rưng nước mắt vì chưa làm được gì cho mẹ mà mẹ đã ra đi |
lê hồng hạnh |
3 giờ sáng hôm sau, mẹ bà mất và được hỏa thiêu, sau đó tro cốt được gửi về nhà. May mắn ba của bà khỏi bệnh và xuất viện. Mất mát quá lớn, cả gia đình phải thông báo việc mẹ bà mất với ba bằng giấy vì ông đã lớn tuổi và bị lãng tai.
“Tôi gửi tro cốt của mẹ tại chùa, ba tôi nhiều lần bảo tôi muốn đến gặp thầy nhờ thầy làm phép để được đi theo vợ. Nhưng tôi giải thích thầy không biết làm phép, ba mới về từ cửa tử mà ba đòi chết, người còn sống thì vẫn phải sống tiếp…”, bà Hậu gạt nước mắt.
Bà tâm sự, ba mẹ bà dù đã lớn tuổi nhưng rất tình cảm, đi đâu làm gì cũng có nhau khiến ai cũng ngưỡng mộ. Vợ mất đột ngột, ba của bà ít nói hơn hẳn, bà phải thường xuyên ở cạnh ba hơn vì sợ ba buồn.
Phòng thờ tro cốt những người mất vì Covid-19 tại chùa Linh Quang |
lê hồng hạnh |
Bà cho biết bản thân vẫn luôn cảm thấy chưa làm được gì cho mẹ, chỉ mong mẹ sống thật lâu. Gia đình không mấy khá giả, mỗi lần mưa lớn là ngập nước, chiếc bàn thờ trong nhà như muốn trôi đi.
“Đến giờ mỗi lần đến bàn thờ thắp hương cho mẹ tôi đều khóc, tôi vẫn chưa tin được là mẹ đã ra đi. Tôi chỉ nghĩ mẹ đang đi chữa bệnh ở bệnh viện rồi mẹ sẽ về, cứ nghĩ là bệnh viện nhầm gì đấy. Ngày đến bệnh viện nhận di vật của người thân, nhìn thấy đồ của mẹ tôi mới chấp nhận sự thật. Mẹ tôi vất vả cả đời để nuôi con khôn lớn, nay đến tuổi an hưởng tuổi già thì lại ra đi đột ngột vì Covid-19”, bà bày tỏ.
Đau buồn nhưng vẫn phải sống tiếp
Để vượt qua nỗi đau mất đi người thân, bà Hậu cùng anh em trong gia đình quan tâm nhau nhiều hơn trước, nhắn tin động viên nhau, điều mà trước đây mọi người rất ít làm. Bản thân mà cũng phòng dịch kỹ càng hơn, đảm bảo các biện pháp 5K và hạn chế tiếp xúc. Bần thần một lúc lâu, bà tâm sự trước khi Covid-19 cướp đi mẹ bà, bà có phần chủ quan và không ngờ đến những đau thương tang tóc mà Covid-19 đem đến.
Đối với nhiều người, nỗi đau mất người thân thì khó bù đắp |
lê hồng hạnh |
Cùng chung nỗi đau với bà Hậu, Phật tử chùa Linh Quang có pháp danh Thiên Đạo (ngụ Q.Bình Thạnh) cũng có mẹ qua đời đột ngột chỉ sau 5 ngày mắc Covid-19. Ngày 14.9, mẹ ông nhập viện vì chỉ số Sp02 giảm, đến ngày 18.9, gia đình nhận tin dữ.
Lễ cầu siêu được tổ chức nhằm xoa dịu phần nào nỗi đau của những người có người thân mất vì Covid-19 |
lê hồng hạnh |
Thượng tọa Thích Minh Quang kể lại mỗi người đến gửi tro cốt tại chùa đều có một hoàn cảnh riêng nhưng có chung nỗi đau mất người thân |
lê hồng hạnh |
Ngày nhận tin mẹ mất, ông Đạo sững sờ vì chỉ mới ngày 2.9 đại gia đình còn sum họp và mọi người quây quần bên nhau vui vẻ. Ông bày tỏ gia đình ông vẫn chưa thể nào nguôi ngoai được nỗi trống vắng người thân. Mẹ ông lúc nào cũng sống vì con cái nhưng lại không được an hưởng tuổi già.
Gửi tro cốt mẹ tại chùa Linh Quang, ông Đạo thường xuyên đi lễ chùa và tham dự lễ cầu siêu để mong cho mẹ ông không còn vướng bận trần thế. Thành phố bình thường mới, cơm áo gạo tiền khiến ông và những người trong gia đình vẫn phải tiếp tục công việc. Ông bộc bạch: “Người đã mất thì cũng nên để họ ra đi. Mình vẫn còn sống, dù đau buồn như thế nào thì vẫn phải sống tiếp thôi. Nỗi trống vắng khi người thân mất vì Covid-19 khó bù đắp nhưng buồn nào rồi cũng sẽ qua”.
Các chùa tại TP.HCM đồng loạt thỉnh chuông vào 20 giờ 30 tối nay
Sáng 19.11, GHPGVN TP.HCM thông báo điều chỉnh thời gian thỉnh chuông tại các chùa ở TP.HCM. Theo đó các chùa sẽ đồng loạt thỉnh chuông tưởng niệm đồng bào mất vì Covid-19 từ 20 giờ 30 phút.
Trước đó, GHPGVN có văn bản thông báo đến các tỉnh thành phố, các chùa, cơ sở tự viện trong cả nước hưởng ứng lễ tưởng niệm cho đồng bào và cán bộ, chiến sĩ cả nước đã tử vong, hy sinh vì dịch Covid-19. Đúng 20 giờ ngày 19.11, tất cả các chùa, cơ sở tự viện trong cả nước đồng loạt thỉnh chuông và thắp nến, dâng hương, tưởng niệm, cầu siêu cho các vong linh tử vong do dịch Covid-19. Riêng TP.HCM để thống nhất với lễ tưởng niệm chung tại Hội trường Thống Nhất, các tự viện thỉnh chuông cầu nguyện từ 20 giờ 30 phút.
Bình luận (0)