Tượng sáp nghệ sĩ Việt sắp ra mắt công chúng

11/03/2017 06:00 GMT+7

Hơn 150 tượng sáp của nghệ sĩ Việt với kinh phí thực hiện khoảng 35 tỉ đồng sẽ lần đầu tiên được giới thiệu đến công chúng và du khách tại Khu trưng bày tượng sáp nghệ sĩ Việt, lầu 2 - 3 - 4 Nhà hát Hòa Bình, TP.HCM từ 11.4.

Sau 16 năm mày mò tìm kiếm, nghiên cứu chất liệu, học hỏi kỹ thuật chế tác tượng sáp từ nhiều nước, 3 nghệ nhân Nguyễn Văn Đông, Nguyễn Thị Diện, Thái Ngọc Bình đã hoàn thành ước mơ “Lưu lại những dấu ấn tuyệt đẹp của các thế hệ nghệ sĩ VN ở những lĩnh vực sân khấu, điện ảnh, ca múa nhạc, thời trang, bằng những bức tượng sáp”.
Hơn 8 tháng qua, các nghệ nhân đã thiết kế nhà trưng bày với diện tích hơn 1.500 m2, từ âm thanh, ánh sáng đến cảnh trí - không gian riêng của từng bức tượng nhằm tạo nên khu trưng bày có phong cách riêng, chứ không đơn thuần chỉ là những bức tượng đặt kề nhau.
Giá vé tham quan khu trưng bày tượng sáp là 100.000 đồng/vé. Không chỉ trưng bày tượng sáp nghệ sĩ Việt, ở đây còn tổ chức thường xuyên các hoạt động giao lưu văn nghệ, nói chuyện chuyên đề về sân khấu, điện ảnh, âm nhạc; gặp gỡ các nghệ sĩ và tượng sáp của họ vào những ngày cuối tuần.

Những người thực hiện cho biết sẽ trích doanh thu bán vé tham quan để tổ chức các hoạt động thiện nguyện, giúp con em văn nghệ sĩ nghèo hiếu học hoặc chia sẻ khó khăn với những mảnh đời bất hạnh.
Bật khóc vì… tượng quá giống người
Có mặt tại buổi giới thiệu Khu trưng bày tượng sáp nghệ sĩ Việt sáng qua 10.3, NSƯT Thành Lộc thừa nhận ban đầu khi được mời làm tượng, anh hơi ngần ngại vì cũng không tin tưởng lắm, sợ chất liệu lẫn công nghệ của mình khó mà làm tượng giống người thật. Tuy nhiên sau khi xem tượng của nhạc sĩ Văn Cao, Trịnh Công Sơn, NSƯT Út Bạch Lan, NSƯT Hoài Linh…, anh kinh ngạc về tài năng của các nghệ nhân VN. Từ đó, anh không chỉ cung cấp thật nhiều hình ảnh của mình cho các nghệ nhân, lui tới nhiều lần để chỉnh sửa từ mái tóc, độ dài của ngón tay hay chiều cao..., mà để tượng mình “thật” hơn nữa anh còn tặng cho “Thành Lộc” chiếc áo dài cách tân của mình, dây da đeo tay, 2 chuỗi đá, chiếc đồng hồ và mắt kính xịn mà anh đã đeo trong mấy mùa làm giám khảo Vietnam‘s Got Talent. Theo chị Diện, rất nhiều nghệ sĩ khác cũng sẵn sàng gửi những phụ kiện từng gắn bó hay trang phục gắn với vai diễn mà mình chọn làm tượng để chăm chút cho hình ảnh của họ.
Hầu hết các nghệ sĩ đến dự buổi ra mắt: NSND Thế Anh, NSƯT Hồng Vân, NSƯT Minh Vương, NSƯT Hải Phượng, gia đình cố nhạc sĩ Bắc Sơn… đều nhận xét các bức tượng giống người thật trên 90%. Thậm chí người nhà cố NSƯT Bắc Sơn đã bật khóc khi lần đầu nhìn thấy tượng sáp của ông, bởi theo họ tượng quá giống người thật, từ đường nét, nếp nhăn trên gương mặt đến thần thái… Để chia vui với những người thực hiện, chị Bích Thủy, con gái nghệ sĩ Bắc Sơn, cho biết sẽ mua 1.000 vé đầu tiên để tặng khách hàng của mình.
Từng tham quan bảo tàng tượng sáp tại Pháp, đạo diễn - NSƯT Trần Minh Ngọc cho rằng sẽ rất khập khiễng khi so sánh tượng sáp VN với tượng sáp trong các bảo tàng tượng sáp ở những nước mà công nghệ làm tượng sáp đã có từ lâu đời, nhưng với VN, làm được các tác phẩm nghệ thuật và mang ý nghĩa nhân văn như vậy đã là một kỳ công và rất đáng khâm phục.
Cần liên kết với các đơn vị du lịch để khai thác
Theo anh Nguyễn Văn Đông, dự án này được thực hiện với mục đích ban đầu chỉ để thỏa mãn niềm đam mê chinh phục những thử thách của công nghệ chế tác tượng sáp. Tiêu chí chọn nghệ sĩ là hướng đến những tên tuổi được công chúng yêu mến qua các tác phẩm, vai diễn của họ, thông qua việc tham khảo báo chí, những nhà chuyên môn của từng lĩnh vực nghệ thuật. Trong quá trình thực hiện, họ đã gặp không ít khó khăn khi chưa được nghệ sĩ tin tưởng, bởi công việc trước đó của họ là làm kinh doanh, sản xuất cây - trái bằng nhựa, hàng thủ công mỹ nghệ và… đầu tư bất động sản. Các anh chị chia sẻ điều này để những người quan tâm hiểu thêm lý do vì sao trong khu trưng bày sẽ có những nghệ sĩ khá trẻ so với những cây đa cây đề trong làng văn nghệ.
Cũng vì mục đích ban đầu như vậy, nên khi được hỏi về những kế hoạch để quảng bá với du khách, anh Đông thật tình trả lời rằng: “Trước mắt chúng tôi chỉ ra mắt, rồi sau đó mới tính tới những kế hoạch khác”. Tuy nhiên, anh cũng cho biết sẽ rất sẵn sàng hợp tác nếu có đơn vị nào liên hệ.
Trong khi đó, anh Trần Văn Long, Tổng giám đốc Công ty du lịch Việt, nói rằng anh hoàn toàn không biết đến khu trưng bày tượng sáp này. “Nếu đã bán vé, kinh doanh mà không mời các đơn vị du lịch thì uổng quá”, anh nói.
Ông Nguyễn Văn Mỹ, Giám đốc Công ty du lịch Lửa Việt, cho biết ông rất hoan nghênh ý tưởng thực hiện một khu trưng bày tượng sáp với những nghệ sĩ VN nổi tiếng để du khách trong và ngoài nước có dịp thưởng lãm, tuy nhiên ông chỉ nghe phong thanh về dự án này. “Đáng tiếc là chúng tôi không biết gì về nó thì làm sao mà giới thiệu hay dẫn khách đến”, ông nói. Bà Nguyễn Viết Đan Di, Phó giám đốc Công ty du lịch Vietnet, nói rằng bà có biết về dự án này nhưng thông tin chính thức từ đơn vị thực hiện không có nên công ty bà chỉ biết… chờ thôi. Bà cho rằng, với người trong nước, mức giá 100.000 đồng/vé là khá cao so với mặt bằng thu nhập chung. “Tuy nhiên, ở góc độ khai thác du lịch, với bất cứ dự án nào của thành phố hay cả nước, chúng tôi sẵn sàng góp phần quảng bá khi nhận được thông tin chính thức”, bà Đan Di nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.