Tương tác giữa người dân và chính quyền nhiều hơn ở đô thị thông minh

24/05/2019 10:02 GMT+7

Ông Phan Ngọc Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên- Huế đã chia sẻ với PV Thanh Niên về mô hình đô thị thông minh tại Thừa Thiên - Huế vừa được Giải thưởng viễn thông châu Á - Telecom Asia Awards 2019

Ông có thể cho biết vài nét về mô hình đô thị thông minh tại Thừa Thiên- Huế, được triển khai?

Được đưa vào hoạt động từ đầu tháng 6.2018, Trung tâm Giám sát điều hành đô thị thông minh tỉnh Thừa Thiên- Huế, với 3 chức năng chính là giám sát, điều hành và tổng hợp, đáp ứng nhu cầu điều hành đô thị thông minh của tỉnh trong tương lai, hướng đến xây dựng một chính quyền phục vụ người dân được tốt hơn.

Hiện nay, tỉnh Thừa Thiên Huế đang thí điểm triển khai giải pháp “phản ánh hiện trường” nhằm tiếp nhận các phản ánh của người dân về các lĩnh vực: trật tự xây dựng; vệ sinh môi trường; hạ tầng giao thông; hạ tầng đô thị; an toàn, trật tự xã hội và chất lượng dịch vụ du lịch... cũng như các hành vi chậm trễ, gây phiền hà hoặc thực hiện không đúng quy định của cán bộ, công chức trong giải quyết thủ tục hành chính. Đây là một kênh “cảm biến xã hội” thông qua việc tiếp nhận ý kiến phản ánh của người dân. Toàn bộ công tác tiếp nhận, xử lý phản ánh của người dân sẽ được công khai và thông qua đó, người dân có thể tương tác, trao đổi, đưa ra ý kiến với cách giải quyết của cơ quan nhà nước. Toàn bộ các khâu từ cung cấp thông tin, quá trình xử lý, kết quả đều được thu thập, tổng hợp và công khai giúp cho việc giám sát và phản biện được phát huy một cách rõ rệt, cụ thể. Giải pháp “phản ánh hiện trường” bước đầu đã mang lại hiệu quả tích cực, được người dân địa phương và du khách đến Huế ủng hộ cao.

Không khí làm việc tại TRung tâm Giám sát điều hành đô thị thông minh THừa Thiên- Huế

Theo ông điểm nào khiến dự án đô thị thông minh của tỉnh Thừa Thiên- Huế đạt giải dự án thành phố thông minh sáng tạo nhất châu Á?

 Đây là dự án thể hiện sự hợp tác hiệu quả giữ địa phương với doanh nghiệp, mà trong đó Thừa Thiên Huế đã cung cấp mô hình quản lý tốt và Viettel đã hỗ trợ một giải pháp kỹ thuật tốt để có được thành công trong mô hình quản lý công khai, minh bạch.

Thừa Thiên Huế vốn không phải là địa phương có khả năng vượt trội đầu tư trong lĩnh vực công nghệ thông tin nhưng qua quá trình tìm tòi, nghiên cứu, hợp tác, trên cơ sở bài toán đưa ra của lãnh đạo tỉnh, Viettel đã có giải pháp và hình thành đưa vào thử nghiệm, bước đầu có hiệu quả.

Nét đổi mới, sáng tạo được đánh giá cao của dự án này là lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm. Chúng tôi xây dựng mô hình hướng tới hiệu quả trong vận hành cũng như phục vụ người dân, đảm bảo cho công tác quản lý của chính quyền một cách tốt nhất thay vì lớn hay đồ sộ về quy mô. Đặc biệt là sự tương tác của người dân và chính quyền ngày càng nâng cao.

Đoàn công tác của Bộ TTTT thăm Trung tâm Giám sát điều hành đô thị thông minh Thừa Thiên- Huế ảnh Phan Ngọc Minh
 

Với một lĩnh vực mới, cán bộ công chức của Thừa Thiên- Huế đã đón nhận như thế nào?

Đây là một một mô hình mới, để triển khai thực hiện có hiệu quả điều quan trọng là người đứng đầu. Người đứng đầu phải gương mẫu, tiên phong và không chỉ là chủ thể để kiểm tra giám sát mà phải là đối tượng thực hiện công nghệ thông tin. Để cán bộ công chức, người dân và doanh nghiệp làm quen dần với lĩnh vực mới này, phía trách nhiệm của lãnh đạo UBND tỉnh chúng tôi đã quán triệt phải kiên trì, quyết liệt triển khai từng bước. Từ vận động, động viên đến chế tài, bắt buộc và cuối cùng là trở thành nhu cầu cấp thiết, không thể thiếu của mỗi người.

Bên cạnh đó, để mô hình mới này vận hành hiệu quả phải hoàn thiện tất cả các quy định, quy chế trong quản lý điều hành của Trung tâm điều hành Đô thị thông minh. Thực hiện chuẩn hóa, quy trình hóa quá trình giải quyết công việc cho dân, tổ chức theo tiêu chuẩn ISO với phương châm ai làm, sản phẩm là gì và khi nào xong? Đây là nền tảng quan trọng để xây dựng App, triển khai quá trình giám sát việc thực hiện các quy định, quy chế đó; đây đồng thời cũng là nền tảng, là cơ sở pháp lý để quy trách nhiệm trong tổ chức thực hiện.

Hy vọng rằng với sự nỗ lực này, người dân sẽ được thụ hưởng các dịch vụ đô thị thông minh như dịch vụ công trực tuyến, các dịch vụ sự nghiệp công ích: giáo dục, y tế, du lịch, giao thông và môi trường... , cơ hội việc làm, giải trí đa phương tiện, được đảm bảo an sinh xã hội một cách tiện lợi, an toàn và thân thiện. Đô thị thông minh sẽ là đòn bẩy thúc đẩy thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của tỉnh, nâng cao vị thế Thừa Thiên Huế trong thời kỳ  hội nhập và phát triển.

 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.