Tương tác thầy trò thời công nghệ

20/11/2018 15:03 GMT+7

Công nghệ đã và đang góp phần kết nối, rút ngắn dần khoảng cách giữa thầy và trò, để thầy trò cùng nhau viết nên những câu chuyện đẹp, chia sẻ những bài học hay từ chốn học đường...

Có thể dễ dàng nhìn thấy, dù là thầy cô giáo hay học trò vẫn thường sử dụng công nghệ với mạng xã hội (MXH) để kết nối cộng đồng, chia sẻ thông tin và xây dựng hình ảnh tích cực mà họ hướng đến. Một người có thể sử dụng rất nhiều kênh để chia sẻ tùy thuộc và tính chất của nhóm thành viên mà họ kết nối. Tuy nhiên, để kết nối và tương tác qua MXH như thế nào cho hiệu quả, để luôn tiếp nhận những thông tin, trạng thái tích cực thì tùy thuộc vào “cách”, “chất” của từng người.
Có thể làm bạn với học trò
Hơn 10 năm sử dụng MXH từ facebook, zalo, viber để kết nối với học sinh của mình, thầy N.Đ.H, giáo viên dạy Văn, Trường THPT Trần Phú (Đà Nẵng) cho biết, chỉ cần mình chủ động kiểm soát tốt thì đó kênh hữu hiệu để kết nối thầy trò. Thầy H. cho biết, nếu thế hệ của thầy ngày xưa luôn cảm thấy có khoảng cách đối với thầy cô giáo mình thì giờ đây, khoảng cách đó đã được công nghệ rút ngắn. “Học sinh có thể “inbox” với thầy về bài học, về suy nghĩ, quan điểm sống, thậm chí cả những chuyện thầm kín, riêng tư như tình cảm gia đình, tình cảm nam nữ…”, thầy H. nói, và khẳng định điều này khiến thầy thấy vui vì có thể làm bạn với trò, trở thành một người bạn lớn đầy tin cậy.
Cũng như nhiều đồng nghiệp của mình, thầy H. cho biết thầy kết nối với rất nhiều “group” chat (trò chuyện) của từng nhóm học sinh, tùy theo các chủ đề mà các bạn quan tâm. Lượng học sinh follow trong các group tương tác của thầy H. rất đông, là học trò thầy trực tiếp dạy cũng có, học trò các trường khác cũng có. Cứ đến mùa thi, thầy H. lại đều đặn cập nhật các thông tin chính thống về thi cử, tuyển sinh để học trò mình tiện theo dõi.
Chia sẻ bài học cuộc sống
Không phải là người thạo công nghệ và MXH nhưng cô H.L D, Trường THPT Phan Châu Trinh (Đà Nẵng) cũng chọn cho mình kênh riêng để kết nối thuận lợi và hiệu quả với học trò của mình. Cô cho biết, suốt 8 năm cô đứng các lớp chủ nhiệm, lớp cô đều có fanpage riêng để tương tác với nhau. Tùy theo mỗi nhóm mà cô D. chọn cách tương tác khác nhau, hay chọn lọc, chia sẻ những câu chuyện hay, những bài học hay về cuộc sống, như một lời nhắn nhủ yêu thương đến các bạn nhỏ của mình. Học sinh của cô D. vẫn thường gọi cô bằng “me” (mẹ) rất âu yếm, bởi các bạn luôn bị thuyết phục bởi những cách nghĩ, cách thể hiện yêu thương rất khác từ cô. Tuy nhiên, cô D. cho biết cô cũng có quan điểm và nguyên tắc rất riêng khi sử dụng MXH để kết nối với học trò: “Mạng xã hội cho tôi nhìn thấy được “trạng thái” của học trò mình, nhưng tôi thường chọn cách tương tác trực tiếp để “chạm” đến các bạn nhỏ. Một cuộc điện thoại cho tôi đến gần với các em hơn, để các em thấy các em thực sự quan trọng”. Cũng theo cô D. thì cái gì cũng có mặt trái, và công nghệ cũng vậy. Sử dụng công nghệ kết nối là thế mạnh, nhưng để “public” (công khai) mọi trạng thái của mình cũng là điều nên cân nhắc. Với nhiều giáo viên thì việc các thầy cô sử dụng MXH như thế nào cho tích cực, tỉnh táo cũng là cách lan tỏa thông điệp này đến với học trò của mình.
Không chỉ chia sẻ thông điệp tích cực từ cuộc sống, MXH cũng là nơi để các thầy cô giáo và học trò của mình chia sẻ những câu chuyện của yêu thương, nơi “tập kết” những tấm lòng thiện nguyện khắp nơi. Có thể câu chuyện chia sẻ điều kiện học tập của học sinh Đà Nẵng với các bạn học sinh nghèo ở vùng khó khăn của Quảng Nam, cũng có thể là nơi kết nối các mạnh thường quân để cưu mang những học sinh nghèo vượt khó… Cứ như vậy, mỗi ngày, những câu chuyện đẹp, năng lượng sống tích cực được chia sẻ giữa các thế hệ thầy và trò bằng cả yêu thương và sự tận tâm.
Không chỉ kết nối với học sinh, nhiều giáo viên, nhất là giáo viên tiểu học và THCS cũng nhờ công nghệ để kết nối với phụ huynh thông qua các group trò chuyện, chia sẻ tình hình học tập, cập nhật thông tin về giáo dục, tuyển sinh... Phụ huynh cũng có thể từ những kết nối này để hiểu và gần gũi với con cái, chia sẻ với con cả việc học lẫn giao lưu sinh hoạt ở trường, ngoài xã hội.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.